Tuyển sinh èo uột vì ồ ạt nâng cấp từ cao đẳng lên đại học

SVVN - Do tâm lý chuộng bằng cấp nên khoảng 10 năm trở lại đây, giáo dục Việt Nam đã xảy ra hiện tượng nhiều trường cao đẳng sau vài năm thành lập đã đua nhau lập đề án xin nâng cấp thành trường đại học và để lại nhiều hệ lụy.

Ồ ạt nâng cấp

Theo dữ liệu của PV, từ năm 1998 - 2009, cả nước có 307 trường đại học, cao đẳng được thành lập mới hoặc nâng cấp (chưa tính các trường sĩ quan quân đội, công an, các trường đại học, cao đẳng thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu của các đại học). Tính đến hết năm 2009, cả nước có 409 trường đại học, cao đẳng trong đó có 76 trường ngoài công lập.

Tuyển sinh èo uột vì ồ ạt nâng cấp từ cao đẳng lên đại học ảnh 1 Nền giáo dục Việt Nam đã xảy ra hiện tượng nhiều trường cao đẳng sau vài năm thành lập đã đua nhau lập đề án xin nâng cấp thành trường đại học và để lại nhiều hệ lụy.

Đáng nói, từ năm 1998 đến 2009, có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập, nghĩa là trung bình cứ gần hai tuần lại có một trường đại học, cao đẳng ra đời. Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh, các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình… để bảo đảm chất lượng đào tạo lại không theo kịp, hoặc chắp vá.

Từ năm 2010 đến nay, làn sóng đua nhau thành lập hoặc nâng cấp lên trường đại học là rõ nét nhất. Chỉ trong hai năm 2010 - 2011 đã có khoảng 20 trường đại học được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trường cao đẳng hoặc thành lập mới và nhiều trường đại học đang trong quá trình xem xét cho thành lập.

Theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2016 - 2020, cả nước có 460 trường, gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Nhưng số liệu từ Bộ GD - ĐT cho thấy, tại năm 2018, cả nước đã có 235 trường đại học và viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng an ninh. Như vậy, ngành giáo dục vẫn vượt chỉ tiêu quy hoạch đề ra với chín trường đại học.

Việc ồ ạt nâng cấp thành trường đại học, cao đẳng khiến các trường này đang gặp rất nhiều khó khăn như địa phương không thể cấp ngân sách, rất ít thí sinh trúng tuyển và theo học... Nguyên nhân là phong trào nâng cấp, thành lập đại học trước đây đã bỏ qua yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của một trường là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo kém, năng lực tiêu thụ của nền kinh tế không nhiều nên sinh viên ra trường thất nghiệp.

Với các trường ngoài công lập, trong gần 70 trường đại học tư thục hiện có, nhiều trường thành lập đã hơn chục năm vẫn phải đi thuê mướn cơ sở. Cụ thể, năm 2018 còn 14 trường, trong đó có 11 trường thành lập từ năm 1998 và một số trường địa điểm học rải rác ở nhiều nơi, không thuận tiện triển khai các hoạt động đào tạo.

Cụ thểm trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định thành lập năm 2007 đến nay vẫn phải thuê cơ sở đào tạo của đơn vị khác, trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) cũng đang trong tình trạng mượn đất để dạy học...

Phát biểu tại một cuộc họp, thành viên đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các trường được phép mở ngành ồ ạt mà không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành có đáp ứng hay không. Đây là lý do quan trọng nhất của việc tồn tại các trường đại học, cao đẳng hoạt động nhưng không có điều kiện đảm bảo chất lượng như quy định và cam kết của trường. Một số ngành mới mở ở các trường không phù hợp với trình độ đào tạo đại học như các ngành võ thuật, nấu ăn, thời trang...

Tuyển sinh èo uột

Hệ quả nhãn tiền của việc chạy đua nâng cấp trường đại học, cao đẳng là việc tuyển sinh rất èo uột. Điển hình như trường hợp của trường ĐH An Giang. Trường này được nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm năm 1999 và là một trong những trường đại học tỉnh được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng nhất cả nước. Tuy nhiên, trường gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi năm, nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, ngân sách tỉnh phải bù đắp phần còn lại. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, do ngân sách khó khăn nên An Giang từng đề nghị chuyển giao trường về Bộ GD - ĐT nhưng không được. Sau đó, trường ĐH An Giang được chuyển về làm thành viên của ĐHQG TP. HCM. Mùa tuyển sinh 2002, trường ĐH An Giang phải tuyển bổ sung đến đợt thứ 2 cho 35 ngành đào tạo, với điểm sàn từ 15 - 20 điểm tùy theo ngành.

Tuyển sinh èo uột vì ồ ạt nâng cấp từ cao đẳng lên đại học ảnh 2 Hệ quả nhãn tiền của việc chạy đua nâng cấp trường đại học, cao đẳng là việc tuyển sinh rất èo uột.

Tương tự, trường ĐH Bạc Liêu thành lập từ năm 2006 nhưng đến nay tuyên sinh vẫn rất èo uột. Từ năm 2017 đến năm 2018, ngành Tài chính ngân hàng có chỉ tiêu tuyển sinh 100 sinh viên nhưng chỉ có 67 thí sinh trúng tuyển, ngành Khoa học Môi trường chỉ tiêu tuyển sinh cũng là 100 nhưng có 43 thí sinh trúng tuyển, ngành Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi không có thí sinh nào trúng tuyển. Năm 2019 và 2020, tình cảnh èo uột trong tuyển sinh cũng diễn ra với trường ĐH Bạc Liêu.

Còn trường ĐH Đồng Tháp thành lập từ năm 2003 nhưng đến nay nhiều ngành tuyển sinh vẫn rất ảm đạm. Năm 2018, hàng loạt ngành không có thí sinh trúng tuyển như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Tin học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Mỹ thuật. Những ngành khác như Sư phạm Địa lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Lịch sử, dù chỉ tiêu mỗi ngành là 20 nhưng tính trung bình chỉ có 5,7 thí sinh trúng tuyển mỗi ngành. Năm 2020, trường cũng phải xét tuyển bổ sung nhưng không có nhiều thí sinh quan tâm.

Tại miền Trung, trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) hay trường ĐH Phú Yên cũng chung hoàn cảnh khi kết quả tuyển sinh hằng năm chỉ đạt khoảng 40 - 60% so với chỉ tiêu. Ở TP. HCM, trường ĐH tài nguyên và Môi trường được nâng cấp lên đại học vào ngày 14/10/2011,  từ trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP. HCM. Thế nhưng, từ khi lên đại học đến nay, hầu như năm nào trường cũng phải chật vật trong khâu tuyển sinh. Năm 2020, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM thông báo xét tuyển bổ sung đến 14/17 ngành bằng cả hai phương thức điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, trường xét bổ sung 756 chỉ tiêu, mỗi ngành dao động từ 26 đến 100 chỉ tiêu.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, trong một thời gian dài, chúng ta chạy đua nâng cấp, thành lập trường một cách ồ ạt và đã bỏ qua các điều kiện đảm bảo chất lượng, như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Và rồi, những trường thiếu thốn những điều kiện đảm bảo chất lượng được cấp chỉ tiêu, tuyển sinh ồ ạt nên việc đào tạo không có chất lượng là điều tất yếu. Không chỉ vậy, việc tuyển sinh, đào tạo lại không gắn với nhu cầu thực tế nên mới có tình trạng chỉ tiêu nhiều nhưng không có người học, hoặc sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Vì thế, các trường phải công khai minh bạch về điều kiện đảm bảo chất lượng, về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và Nhà nước cần huy động lực lượng xã hội tham gia giám sát.
MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).