Tấm lòng của vợ chồng nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là nhà báo, từng tham gia nhiều chương trình thiện nguyện nên khi tiếp xúc với những bệnh nhân ung thư, anh Võ Tiên Lâm muốn làm gì đó để sẻ chia. Sau khi bàn tính, vợ chồng anh quyết định mở quán cơm từ thiện với giá bán 2.000 đồng/suất.

Cơm ngon, phở ngọt chỉ 2.000 đồng/suất

Chúng tôi đến quán cơm Nụ cười Shinbi (trước cổng Bệnh viện K Trung ương, cơ sở Tân Triều) lúc 17h chiều ngày thứ ba. Lúc này, đã có hàng trăm bệnh nhân ung thư và người nhà đang ăn phở tại quán. Hết tốp khách này đến nhóm khác là những bệnh nhân, hoặc người nhà vào quán. Trong bếp, hàng chục tình nguyện viên hối hả làm việc. “Hôm nay là thứ ba, quán sẽ phục vụ món nước là phở hoặc bún. Các bác ăn phở bò hay phở gà để cháu phục vụ nào”, anh Võ Tiên Lâm, chủ quán hỏi một bàn bên cạnh chúng tôi.

Tấm lòng của vợ chồng nhà báo ảnh 1

Anh Võ Tiên Lâm và vợ trò chuyện với khách hàng

Tại một bàn ở cuối quán, bà Nguyễn Thị Tuyết (quê huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng 5 người khác đang nhấm nháp ly nước mát. Khi mọi người yên vị, một tình nguyện viên chạy ra, ghi lại lựa chọn món của từng khách. Chừng 3 phút sau, tình nguyện viên bê ra 6 bát phở rồi chia cho từng người. Nhìn bát phở nóng hổi, khói nghi ngút, miếng thịt tươi ngon trông thật hấp dẫn. Sau khi ăn, bà Tuyết lấy thêm một suất phở mang về cho cháu và thanh toán 4.000 đồng. Đến cổng, bà lại được tặng thêm 2 cốc chè sen mát lạnh.

Tấm lòng của vợ chồng nhà báo ảnh 2

Các tình nguyện viên phục vụ khách hàng

Bà Tuyết cho biết, đứa cháu bị nhược cơ đã 8 năm, thường xuyên phải xuống Bệnh viện K Trung ương điều trị. Bà đi theo để chăm cháu. Ngoài thuốc thang, chi phí sinh hoạt, ăn uống cũng chiếm phần lớn. Bà bảo, mọi hôm thường mua cơm trước cổng bệnh viện với giá 30.000 đồng/suất cho hai bà cháu. Hôm nay, một người nhà bệnh nhân cùng phòng rủ đi ăn quán 2.000 đồng, bà lưỡng lự một lúc rồi cũng đi. “Tôi không nghĩ rằng đồ ăn lại ngon như vậy. Hơn nữa, giá 2.000 đồng/suất thì ai cũng có thể ăn được. Từ mai, tôi sẽ thường xuyên tới đây ăn, số tiền tiết kiệm được sẽ dành để điều trị cho cháu”, bà Tuyết nói.

Tấm lòng của vợ chồng nhà báo ảnh 3

Các bệnh nhân ung thư ăn phở tại quán Nụ cười Shinbi

Tương tự, bà Nguyễn Thị Yến (quê huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), được phát hiện bị ung thư vú. Vài hôm trước, bà đã lên viện để làm các thủ tục chuẩn bị phẫu thuật. Chiều thứ ba, bà ra cổng đi ăn thì thấy tờ rơi dán trên tường quảng cáo quán ăn Nụ Cười giá 2.000 đồng. Bà tò mò nên tìm đến. “Chúng tôi bị ung thư nên quá trình điều trị lâu dài. Nếu được hỗ trợ suất ăn thế này sẽ giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn”, bà Yến bày tỏ.

Đã hơn một tháng nay, ông Nguyễn Văn Minh (quê ở Bắc Giang) làm tình nguyện viên cho quán. Ông cho biết, vợ đang điều trị tại Bệnh viện K Trung ương. Khi biết quán cơm từ thiện “Nụ cười Shinbi”, ông ra mua ăn thử thấy hợp khẩu vị nên thường xuyên mua. Biết quán cũng cần tình nguyện viên, trong khi mình cũng rảnh rỗi nên ông bàn với vợ để mình ra phụ giúp. Từ đó, tranh thủ vào các buổi chiều ông ra quán hỗ trợ và phục vụ khách.

Giá tượng trưng

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, chủ quán Võ Tiên Lâm (45 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết quán cơm “Nụ cười Shinbi” được mở từ ngày 9/3/2023.

Theo chị Trà My, vợ anh Võ Tiên Lâm, quán “Nụ cười Shinbi” mở vào các buổi chiều, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Trung bình, mỗi ngày quán bán khoảng 300- 350 suất ăn, với giá 2.000 đồng/suất. Thứ ba hàng tuần, quán không bán cơm mà bán món nước (bún hoặc phở) để thay đổi thực đơn.

Chia sẻ lý do mở quán cơm từ thiện “Nụ cười Shinbi”, anh Lâm cho biết, là nhà báo nên thường đi thiện nguyện để chia sẻ với bà con vùng cao. Từ năm 2021, anh là tình nguyện viên tại quán “Yên vui Tân Triều” của quỹ Bông Sen cũng là địa chỉ hiện tại của quán “Nụ cười Shinbi” để chia sẻ với bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quán buộc phải ngừng hoạt động. Khi đó, anh suy nghĩ lắm, bởi bệnh nhân ung thư đa phần có hoàn cảnh khó khăn.

Anh đem những trăn trở, suy nghĩ của mình chia sẻ với một người bạn bác sĩ. Thật bất ngờ, người bạn đồng ý hỗ trợ một phần tài chính nếu anh mở quán cơm từ thiện. Sau khi bàn bạc với vợ, ngày 9/3/2023, quán cơm “Nụ cười Shinbi” chính thức hoạt động trên địa chỉ cũ của quán “Yên vui Tân Triều”. Từ khi hoạt động đến nay, mỗi suất cơm được quán bán với giá bán 2.000 đồng. Suất có đầy đủ cơm canh, 2 món mặn và ly nước mát. Thời gian đầu, mỗi ngày quán bán 150 suất. Sau đó, số lượng tăng dần, hiện đã lên 350 suất/ngày.

Chia sẻ về giá bán 2.000 đồng/suất, chị Trà My cho biết, đó là giá tượng trưng. Bởi thu như vậy để ai, người bệnh nào cũng có thể trả và họ không nghĩ là mình mắc nợ. Như thế, hàng ngày họ lại có thể đến quán ăn hoặc có thể mời những người bệnh khác mà không ảnh hưởng đến tài chính. Đặc biệt, khi đến với quán, họ được trò chuyện, sẻ chia, sau những giờ phút căng thẳng điều trị bệnh. “Nhìn nụ cười rạng rỡ của các bệnh nhân, chúng tôi ai cũng vui”, chị Trà My chia sẻ.

Hiện nay, với 350 suất mỗi ngày, quán thu được 700.000 đồng. Trong khi đó, chỉ riêng chi phí thuê mặt bằng, đầu bếp đã lên đến 16 triệu đồng/tháng. Vì thế, để có tiền duy trì, vợ chồng anh Lâm phải kêu gọi bạn bè, cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ. Hành động đẹp của vợ chồng anh Lâm được bạn bè, người thân thậm chí là những người xa lạ ủng hộ. Người có tiền ủng hộ tiền, người lại ủng hộ lương thực, thực phẩm,…anh nhận tất. Đến nay, quán vẫn duy trì ổn định dựa trên sự hỗ trợ cộng đồng. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ, thậm chí người lớn tuổi đã nghỉ hưu cũng đến quán làm tình nguyện viên phụ việc.

Sợ “đứt gánh giữa đường”

Là một nhà báo, công việc của anh Lâm cũng rất bận rộn nên phải bố trí, sắp xếp hợp lý. Anh bảo, trước khi mở quán cơm, anh làm biên tập viên tại tòa soạn. Tuy nhiên, khi anh mở quán cơm từ thiện, công việc này đã chiếm rất nhiều thời gian. Vì thế, anh không thể hàng ngày tới cơ quan để biên tập, xử lý bài vở. Chia sẻ với anh, tòa soạn đã tạo điều kiện, chuyển cho anh chức danh phóng viên để vừa có thời gian làm tin bài, lại dành thời gian cho quán cơm từ thiện. Ngoài ra, 2 con nhỏ đang trong độ tuổi đi học, nên hàng ngày vợ chồng anh chia ra đưa đón. Hôm nào cả hai cùng bận thì phải nhờ người thân đón hộ.

Anh Lâm cho biết, khó khăn về thời gian, việc gia đình thì có thể bố trí, sắp xếp phù hợp. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất với vợ chồng anh là sợ “đứt gánh giữa đường”, bởi quán hoạt động dựa vào sự tài trợ của cộng đồng, bản thân vợ chồng anh chỉ là cầu nối, đứng ra duy trì. Vì thế, có thể những ngày đầu các mạnh thường quân rất hào hứng và ủng hộ nhưng vài tháng sau, họ sẽ quên đi. Nếu nhớ, họ cũng sẽ nghĩ mình đã từng ủng hộ rồi. Khi đó, quán “Nụ cười Shinbi” sẽ phải dừng hoạt động như quán “Yên vui Tân Triều” trước kia. “Nếu chỉ có hai chúng tôi thì dẫu có giỏi đến đâu cũng không thể duy trì mãi được. Vì thế, để quán tiếp tục hoạt động, là nguồn động viên, chia sẻ với các bệnh nhân ung thư chúng tôi rất cần sự chung tay của cộng đồng, anh Lâm bày tỏ.

MỚI - NÓNG