Mặc dù chưa đến ngày đi học trực tiếp, Hồ Huyền Nga (năm thứ nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn quyết định từ quê nhà Thái Nguyên xuống Hà Nội để trải nghiệm sớm cuộc sống sinh viên. Hiện tại, Nga đang “bỏ túi” hai công việc. Đầu tiên là làm thực tập sinh học việc marketing tại một công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ. Ngoài ra, vào một số buổi tối, Nga cũng dành thời gian làm gia sư, bổ trợ kiến thức môn Văn cho một số bạn lớp 12.
Huyền Nga - một tân sinh viên năng động đến từ Thái Nguyên. |
Chia sẻ quan điểm về việc nên hay không nên đi làm sớm, Nga tâm sự: “Mình nghĩ rằng, không có công thức chung nào phù hợp với tất cả mọi người, vì mỗi người có thế mạnh, sở thích, đam mê và hoàn cảnh khác nhau. Mình coi việc đi làm cũng là một cách thức để học những kiến thức mà sách vở, giáo trình chưa nói đến, hoặc đề cập không đủ sâu. Vì thế, mình nghĩ không có đúng hay sai mà chỉ có sự phù hợp. Mình tin rằng, nếu bạn hiểu được bản thân mình cần gì, muốn gì và mong muốn hiện thực hóa những ý tưởng thì bạn sẽ có động lực để cố gắng đạt được điều đó”.
Là một bạn trẻ đa-zi-năng, Vũ Hiếu Trung (năm thứ nhất, trường ĐH Thương mại) không chỉ làm thêm hai công việc cùng lúc mà còn tham gia năng nổ các hoạt động câu lạc bộ và kiêm luôn nhiệm vụ của một thành viên Ban cán sự. Hiện tại, Trung đang vừa làm gia sư, vừa là tư vấn bảo hiểm. Trong đó, tư vấn bảo hiểm là việc khiến Trung gặp nhiều khó khăn nhất vì phải đối diện với những định kiến của xã hội về nghề khi chưa có nhiều hiểu biết.
Hiếu Trung gặp khó khăn khi mới tiếp xúc với nghề tư vấn bảo hiểm. |
Nhưng được sự ủng hộ từ bố mẹ, Trung đã vượt qua rào cản bằng chính bản thân mình: “Từ việc hiểu những gì mình đang làm và cảm thấy giá trị mà công việc này đem lại, sau hơn một tháng, mình đã tiếp nhận, học hỏi được khá nhiều kiến thức mới, những thứ còn thiếu ở kiến thức sách vở. Với mình, đó không phải là khó khăn mà lại là may mắn”.
Xuất phát từ tâm trạng lạc lõng khi nhận được kết quả thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT không như ý, Thái Hoàng Vân Chi (năm thứ nhất, trường ĐH Hà Nội) đã tìm đến việc làm thêm bán thời gian như một cách để thay đổi không khí và thử thách bản thân. Công việc Chi lựa chọn là vị trí lễ tân tại một khách sạn ở TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Tìm đến công việc làm thêm là cách Vân Chi thay đổi không khí sau khi biết kết quả thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Theo Chi, điều giá trị nhất mà công việc này đem lại những kỹ năng mềm: “Với công việc này, mình vừa có thể rèn luyện khả năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp bằng tiếng Anh, vừa có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm và khả năng ứng biến. Trước khi đi làm, mình không nghĩ những kỹ năng ấy là cần thiết nhưng giờ thì mình đã nhận ra kỹ năng giao tiếp, ứng biến, làm việc nhóm… trong khoảng thời gian mình làm thêm, hoàn toàn áp dụng được vào chính việc học của mình”.
Tuy nhiên, do phải rời Hạ Long lên Hà Nội học tập nên trong tương lai gần, Chi sẽ làm thêm cả công việc trợ giảng như một định hướng lâu dài.
Không tìm công việc mà công việc tự đến tìm là trường hợp của Trần Độ (năm thứ nhất, trường ĐH FPT). Độ đang làm cùng lúc rất nhiều công việc đa dạng, từ xử lý âm thanh, phối khí, thu âm đến làm SEO trên YouTube, Google và thực hiện các dự án kinh doanh cá nhân. “Trừ việc kinh doanh cá nhân thì những công việc còn lại, mình làm được một thời gian khá lâu rồi. Ban đầu thì là sở thích nhưng sau khi tìm tòi, học hỏi thêm trên mạng, các kỹ năng dần được hình thành, chất lượng sản phẩm tốt lên, nên xuất hiện những người muốn trả tiền cho chất xám của mình”, Độ chia sẻ.
Trần Độ cảm thấy bất ngờ và trân trọng khi những thứ mình thích có thể đem lại giá trị cho người khác. |
Vì làm công việc tự do nên Độ không gặp nhiều khó khăn khi cân đối việc làm và học. “Khi nào thích thú và có nhiều thời gian thì mình sẽ làm, còn không thì học bài trên lớp. Điểm số không phải thứ mình đặt nặng nên đây cũng không phải vấn đề quá lớn với mình”, Độ tâm sự.