Tuyên dương 68 thầy cô tiêu biểu năm 2022:

Tận tâm với học trò

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một người dạy học ở vùng cao, còn người kia dạy trường chuyên ở thành phố, nhưng cả hai có một điểm chung là luôn tận tâm với học trò của mình. Họ là hai trong số 68 gương được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

Nhường phòng kiên cố cho học sinh

Thầy giáo Sùng A Trừ (SN 1988, dân tộc Mông) giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH & THCS Chế Tạo, nằm trên sườn núi cheo leo của xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Trường có 530 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông; trong đó hơn 400 học sinh bán trú.

Tận tâm với học trò ảnh 1

Thầy giáo Sùng A Trừ (ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) hướng dẫn học sinh đọc, viết tiếng phổ thông bằng mô hình “ghép đôi” trong buổi học tối

Thầy Trừ là giáo viên dạy môn thể chất, nhưng nhiều năm qua đã xung phong nhận bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh toàn trường. Sau mỗi giờ tan lớp, thầy tranh thủ soạn bài giảng và tối đến lại phụ đạo cho học sinh rèn viết chữ, tập đọc tiếng Việt. Để giúp học sinh tiến bộ trong học tập, thầy đã có sáng kiến học sinh lớp lớn kèm cặp các em nhỏ hơn theo từng đôi.

Thầy Trừ cũng là con em đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trên vùng cao Mù Cang Chải nên hiểu rõ những gập ghềnh của hành trình học con chữ nơi đây. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy đã trở về quê, góp sức mang tri thức về vùng khó khăn. Không biết bao lần thầy đã ngược núi, băng rừng vào tận bản làng sâu thuyết phục học trò, vận động phụ huynh để các em được đến lớp học.

“Nhìn bốn bể là rừng núi, những con đường dốc, những đứa trẻ thân hình nhỏ bé, làn da đen nhẻm, mái tóc cháy nắng... khiến ai chứng kiến cũng thấy thương lắm. Dẫu biết rằng khó khăn, vất vả đấy nhưng không chỉ riêng tôi mà tất cả đồng nghiệp luôn xác định việc gieo chữ ở vùng cao thì phải biết chấp nhận hy sinh”, thầy Trừ nói.

Thầy Trừ nhường những căn phòng kiên cố cho học sinh ở bán trú, còn bản thân thì sinh hoạt, làm việc trong dãy lán dựng bằng ván gỗ đã chi chít vết nứt vỡ. “Tôi muốn đóng góp một chút sức lực bé nhỏ của mình để mang lại những điều tốt đẹp, những giá trị tích cực đối với các em nhỏ nơi đây”, thầy Trừ chia sẻ.

Cô trò cùng học, cùng sáng tạo

Tận tâm với học trò ảnh 2

Cô giáo Nguyễn Thị Văn (giáo viên Trường THPT Chuyên Bình Long, thị xã Bình Long, Bình Phước) từng đào tạo ra học sinh đoạt giải Tin học quốc tế. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Văn (SN 1993; giáo viên Trường THPT Chuyên Bình Long, thị xã Bình Long, Bình Phước) đã đào tạo học sinh tham gia và đạt giải tại các cuộc thi quy mô quốc tế.

Cô Văn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo từ khi còn học lớp 9. Những năm học đại học, qua nhiều kỳ kiến tập, thực tập tại trường phổ thông, được tiếp xúc với các em học sinh đã nuôi lớn tình yêu trong cô đối với nghề giáo, với sự nghiệp “trồng người”. Năm 2015, cô sinh viên xứ Thanh - Nguyễn Thị Văn tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội đã vượt hơn nghìn kilomet vào Bình Phước dạy môn Tin học.

“Thời gian đầu công tác thường xuyên thức khuya tới 2 - 3 giờ sáng để soạn giáo án. Mỗi lần công việc áp lực, tôi lại nhớ nhà, nhưng chính những áp lực đó là động lực để tôi cố gắng từng ngày nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi bài dạy, chúng tôi luôn gửi gắm chữ "tâm" và niềm mong mỏi lớn đối với tất cả học trò”, cô Văn chia sẻ.

Bằng tâm huyết và trách nghiệm với nghề, cô Văn đã truyền dạy kiến thức, chắp cánh để hàng năm đều có học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi môn Tin học cấp tỉnh, cấp quốc gia; có năm đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Tin học châu Á - Thái Bình Dương và Olympic Tin học quốc tế. Cô vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

“Học sinh trường chuyên rất thông minh và ham học hỏi. Để dẫn dắt các em, giáo viên cũng phải không ngừng nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, nghiên cứu. Việc tham dự các cuộc thi và đạt giải thưởng cũng là cách để tôi học hỏi thêm kiến thức, cũng như tạo động lực cho học sinh của mình”, cô Văn nói thêm.

Nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống

Tối 16/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức lễ tuyên dương 68 gương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại lễ tuyên dương, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn đánh giá cao nỗ lực và thành tích của 68 thầy, cô tiêu biểu trong chương trình. “Các thầy cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết đã không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn dạy các em làm người; là những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống. Những chiếc bảng đen, những viên phấn trắng vừa là trí tuệ, vừa là tình yêu thương, là đức độ của người thầy”, anh Lương nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn gặp mặt các thầy cô giáo trong chương trình; lắng nghe những chia sẻ, kiến nghị về chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cùng dự có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

X.Tùng

MỚI - NÓNG