Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sài Gòn có hàng triệu người nhập cư, từ quê nghèo lên kiếm sống, góp sức mình vào phát triển chung của mảnh đất này. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, họ bỗng chốc trở thành người yếu thế không việc làm, không thu nhập...
Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 1

Khu 49/4 Trịnh Đình Trọng, phường 5 quận 11 có 28 phòng trọ với gần trăm nhân khẩu gần như kiệt quệ khi thất nghiệp gần 3 tháng qua. Nhiều người ở khu trọ này phải vay tiền bên ngoài, cầm cố giấy tờ để lấy tiền mua đồ ăn nhưng cũng không biết cầm cự được bao lâu.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 2

Ông Thiệu Kiến Đồ trước đây là tài xế xe du lịch nhưng dịch COVID-19 ập đến, ông thất nghiệp rồi mang chiếc xe máy cà tàng ra đầu hẻm chạy xe ôm, ngày được ngày mất nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Rồi Sài Gòn trải qua 3-4 đợt giãn cách, người lao động nghèo như ông Đồ đang thắt ruột lo sắp cuối tháng phải đóng tiền nhà, hũ gạo trơ đáy không biết sống bằng gì trong 30 ngày tới. Ông Đồ nói, dịch bệnh không ai kêu than hay phản đối. Ai cũng hiểu, khó khăn này là phải chịu đựng, vì an toàn và lợi ích cộng đồng.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 3

Thế nhưng TPHCM có mấy đợt hỗ trợ, 28 phòng trọ nơi ông ở với gần trăm con người chưa ai nhận được gì.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 4

“Tôi ra phường gửi đơn tập thể xin cứu trợ, chủ tịch phường nói về gửi cho tổ trưởng khu phố. Tôi gặp ông tổ trưởng thì họ lại chỉ lên phường. Phần lớn người thuê trọ ở đây là công nhân, lao động tự do, buôn bán… nên rất khó khăn”, ông Đồ nói.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 5

Anh Nguyễn Văn Tuấn (quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) buôn bán tự do, thất nghiệp từ cuối tháng 5 tới nay. “Tháng trước, chủ nhà giảm 30% tiền trọ. Tháng này, tôi định xin chủ nhà cho nợ tiền trọ mà không biết như thế nào. Tiền hai vợ chồng dành dụm đã cạn rồi. Giờ về quê là không được nhưng ở lại thì không biết lấy gì ăn”, anh Tuấn nói. Trong ảnh: Mẹ vợ và con gái anh Tuấn trong căn phòng trọ rộng 10m2, cho 4 người sinh hoạt.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 6

Ông Đồ đứng tên, viết đơn gửi UBND phường 5 quận 11 và phòng Lao động Thương binh Xã hội quận 11 nhưng sau 1 tháng, lá đơn gửi đi rồi bị trả về dù ông tổ trưởng khu phố 2, phường 5 ở cách khu trọ vài bước chân.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 7

“Em tên T. N. L., là sinh viên quê Quảng Ngãi đang học tại TPHCM. Nhà trọ em đang trong khu vực phong tỏa nên rất khó tiếp cận nguồn lương thực. Em rất mong nhận được sự giúp đỡ từ anh ạ. Em xin chân thành cảm ơn”, tin nhắn L. cầu cứu chúng tôi. L. trọ ở trong hẻm nhỏ, đường số 2, Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức. Khu trọ này có tới 18 phòng, đều là sinh viên và người lao động tự do. Từ khi dịch nổ ra, mọi người ở nhà không đi làm và đi học. “Ai cũng bị mất thu nhập nên cuộc sống rất khó khăn, cần lắm sự hỗ trợ”, L. nói.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 8

Ngồi dưới tán cây trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8) để trốn cái nóng hầm hập trong phòng trọ, bà Bùi Thị Nhơn (54 tuổi, quê Quảng Ngãi) nói, ra đường thì sợ bị phạt nhưng ở trong phòng trọ nóng quá chịu không nổi. Ngày nào cũng vậy, cứ sắp trưa là bà Nhơn cũng ra ngồi dưới bóng cây này để tránh nóng. “Tôi đăng ký xin về Quảng Ngãi tránh dịch nhưng mà không được nên đành ở lại. Tuần trước có người cho gạo và trứng gà nên cứ nấu cơm, luộc quả trứng dầm với nước tương ăn qua bữa. Lúc chưa có dịch tôi đi nhặt ve chai còn có đồng ra đồng vào sống qua ngày, chứ cứ như mấy tuần ni thì lấy gì mà sống. Không biết chừng nào hết dịch”, bà Nhơn lo lắng.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 9

Nằm ngủ trên tấm xốp tại một quán cóc nằm ở lề đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8), nghe tiếng động nam thanh niên thức dậy ngơ ngác nói, mình ngủ ở đây coi quán luôn chứ không có chỗ trọ. Nam thanh niên nói mình tên Trần Thanh Tùng, trước đây làm thợ phụ sơn nước nhưng dịch nên thất nghiệp, chủ quán biết nên thuê Tùng trông coi quán. “Không có tiền trả phòng trọ nên mình dọn ra phía trước quán ở luôn, khỏi tốn tiền phòng trọ. Hằng ngày người ta cho cơm hộp thì ăn cơm, cho mì gói thì ăn mì. Chắc ở đây đến khi nào hết dịch thì đi kiếm việc làm, chứ giờ đâu biết phải làm sao?”, Tùng nói.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 10

Hơn 2 tháng nay, dịch dã liên miên đã khiến vợ chồng anh Huỳnh Văn Hận (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) không làm gì ra tiền nên viết tấm bảng treo cột điện cầu cứu. Ảnh: Ngô Tùng.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 11

Trước khi Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội, thu nhập từ công việc thu nhặt ve chai của anh Hận và việc bán vé số của vợ dù ít ỏi nhưng cũng tạm đủ chi tiêu qua ngày. Tuy nhiên, dịch ập đến khiến cuộc sống gia đình anh trở nên khó khăn. Số ve chai, giấy lộn anh mang về nhà vẫn nằm chơ vơ trên căn gác xếp vì tắc đầu ra do lúc này không thể bán mua gì. Ảnh: Ngô Tùng.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 12

Anh Hận cho biết, từ đầu năm nay đến giờ khổ đủ thứ, trước đó thì té xe cộng với ảnh hưởng từ dịch bệnh nên cứ lận đận mãi. Cuộc sống khó khăn khiến hai năm nay anh Hận không dám về quê nhà ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau trong khi trước kia còn về 1-2 lần mỗi năm. Hai vợ chồng anh Hận thiếu tiền trọ đã sang tháng thứ 3. Chủ trọ thương cảm nên cũng cho nợ để trả sau, nhưng giờ đây tiền ăn ba bữa cũng là nỗi trăn trở mỗi ngày của hai vợ chồng. "Khổ quá mới viết bảng treo trụ điện cậy nhợ sự giúp đỡ", anh Hận nói. Ảnh: Ngô Tùng.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 13

Nhiều xóm trọ ở Sài Gòn liên tục cầu cứu vì gặp khó khăn do liên tục bị phong tỏa, giãn cách và nhiều người thất nghiệp.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 14

Danh sách những nơi cần cứu trợ cứ dài thêm nhưng các mạnh thường quân, các nhóm từ thiện cũng bắt đầu đuối cả sức lực lẫn nguồn lực vì thời gian giãn cách quá dài, người cần giúp đỡ quá lớn.

Thường trực Thành ủy TPHCM đã yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ tiền nhà trọ cũng như lương thực, thực phẩm. Thường trực Thành ủy TPHCM đề nghị triển khai nhanh các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, không để ai lâm vào cảnh thiếu đói, đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt) trong tháng 8 và 9/2021. Ngoài ra, các địa phương tổ chức để bà con tiêm vắc xin COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đang nỗ lực hỗ trợ theo từng đối tượng phù hợp, có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Trong đó, TPHCM xây dựng gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3-7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh. Nội dung từng gói hỗ trợ có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế. Trước mắt, TPHCM cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói như vậy để hỗ trợ người dân. Trung tâm an sinh điều phối, ghi nhận nhu cầu và phối hợp với các quận huyện thực hiện cho phù hợp.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, từ đầu tháng 8/2021, TPHCM tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM và mục 4 công văn 2209 của UBND TPHCM. Cụ thể là người làm một trong các công việc như bán hàng rong; bán vé số; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm các công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM tại công văn 1749 ngày 30/5/2021. Ngoài ra, xe ôm truyền thống (khoảng 34.000 người) cũng được nhận hỗ trợ. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày và chi hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người/30 ngày.

Tận thấy cuộc sống thiếu thốn khi người nghèo 'mắc kẹt' lại Sài Gòn ảnh 15

TPHCM hỗ trợ khẩn cấp ‘túi an sinh xã hội’ cho người nghèo, ở trọ

02/08/2021

MỚI - NÓNG