Tăng cường các 'địa chỉ pháp luật' để giáo dục cho người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ nhiệm CLB Luật gia trẻ TPHCM Ngô Việt Bắc cho rằng, TPHCM với khoảng 1.000 văn phòng luật sư và công ty luật hiện có, TPHCM nên đưa những nơi này thành những “địa chỉ pháp luật”. “Nếu có thể nhân rộng ra cả nước sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng, phát huy sức mạnh chung về hệ thống pháp lý”, ông Bắc nói.

Sáng 9/11, Thành Đoàn TPHCM tổ chức tọa đàm chủ đề “Tôn trọng pháp luật, thỏa sức cống hiến”, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11/2013 – 9/11/2023).

Để luật sư trẻ cống hiến cho Đoàn

Trao đổi tại tọa đàm, ông Trần Hữu Nghĩa - Phó trưởng Ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM nhìn nhận với việc TPHCM đang thực hiện chính quyền đô thị, sắp tới vai trò của Đoàn hết sức quan trọng. Ông Nghĩa đánh giá thời gian qua Đoàn các cấp đã tổ chức khá nhiều hoạt động giám sát liên quan đến phát triển đảng viên, giới thiệu đoàn viên cho Đảng, tham gia phản biện xã hội về các đề án liên quan Nghị quyết 54 trước đây…

Tuy nhiên vị này cũng cho rằng, Đoàn thanh niên (đặc biệt là ở cấp xã, phường) hiện vẫn còn e dè, không dám giám sát các cơ quan chức năng cùng cấp do lo ngại chuyên môn nghiệp vụ không đủ. Từ điều này, ông Nghĩa đề xuất các bạn có thể trao đổi trực tiếp với mặt trận cùng cấp và có thể cùng tham gia đoàn giám sát của mặt trận.

Tăng cường các 'địa chỉ pháp luật' để giáo dục cho người trẻ ảnh 1

Luật sư Võ Đan Mạch: Luật sư trẻ đóng vai trò lớn trong giáo dục pháp luật ở cộng đồng.
Ảnh: Ngô Tùng

ThS, luật sư Võ Đan Mạch - Bí thư Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi mà chỉ bằng khẩu hiệu thì không hiệu quả, do đó phải đổi mới cách làm. Luật sư Mạch đề nghị tạo ra các chi đoàn hành nghề để các luật sư vừa phát huy những điều đã học, đã làm và vừa cống hiến cho hoạt động Đoàn. “Việc giáo dục pháp luật ở cộng đồng, hơn ai hết luật sư trẻ là người làm tốt nhất”, anh Mạch nhận định.

Đối với vai trò thúc đẩy ý thức tuân thủ và tôn trọng pháp luật, luật sư Võ Đan Mạch cho rằng Đoàn thanh niên có thể thúc đẩy những giá trị này thông qua việc tổ chức các sự kiện pháp luật như cuộc thi về luật học, cuộc thi học thuật, phiên tòa giả định…

Hiệu quả từ cơ sở

Tăng cường các 'địa chỉ pháp luật' để giáo dục cho người trẻ ảnh 2

Chị Kim Phúc chia sẻ cách làm của đơn vị.

Chia sẻ về một cách làm hiệu quả tại cơ sở, chị Đỗ Thị Kim Phúc, Phó Bí thư Quận Đoàn 3 cho biết đơn vị này từ năm 2020 đến nay đã thực hiện mô hình câu lạc bộ “Điểm tư vấn pháp luật thanh niên”. "CLB tổ chức điểm tư vấn cố định tại cơ quan Quận Đoàn và trở thành địa chỉ tin cậy đối với các bạn đoàn viên thanh niên”, chị Phúc nói và cho hay, hằng năm tiếp nhận được nhiều yêu cầu tư vấn.

Ngoài tư vấn trực tiếp tại cơ quan Quận Đoàn, điểm tư vấn pháp luật này còn tham gia tại các ngày hội thanh niên chung cư để tiếp nhận câu hỏi và tham vấn pháp luật. “Mô hình này đã mang đến cho các bạn đoàn viên thanh niên điểm tin cậy để có thể trao đổi về những nội dung mình mong muốn liên quan đến pháp luật”, chị Phúc chia sẻ.

Tăng cường các 'địa chỉ pháp luật' để giáo dục cho người trẻ ảnh 3

Chị Thanh Hằng trao đổi tại tọa đàm.

Gắn với năm chuyển đổi số của Đoàn, Bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, đơn vị xác định trọng tâm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trong đó, ưu tiên tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật, đầu tư cho nội dung các sản phẩm tuyên truyền theo hướng trực quan sinh động, phát huy hiệu quả các tổ công nghệ số cộng đồng.

Chị Nguyễn Đình Đông Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Tòa án nhân dân TPHCM cho biết đơn vị đã tích cực áp dụng hoạt động chuyển đổi số trong giải quyết các công tác của tòa án. Theo đó, thời gian qua đã thực hiện đề án tống đạt điện tử. Trước kia phải thực hiện tống đạt trực tiếp với sự phối hợp của các bên, còn giờ đây với phương thức này đã giúp rút gọn thời gian, đồng thời góp phần tiết kiệm công sức, tiền bạc cho nhà nước, nhân dân.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên TAND thành phố cũng tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án dân sự, đưa các bản án và quyết định lên cổng thông tin tòa án nhằm giúp người dân có thể trích lục thông tin thuận tiện hơn.

Thiết lập các "địa chỉ pháp luật"

Ông Ngô Việt Bắc - Chủ nhiệm CLB Luật gia trẻ TPHCM khuyên người trẻ cần có nhu cầu hiểu biết pháp luật, đồng thời phải biết gạn lọc thông tin trên mạng, tích cực tiếp nhận thông tin mới trên báo chí mỗi ngày và chia sẻ với những người thân của mình.

Đặt hàng với tổ chức Đoàn, ông Bắc cho biết hiện TPHCM có khoảng 1.000 văn phòng luật sư và công ty luật, do đó nên chăng đưa những nơi này thành những “địa chỉ pháp luật”, với việc lựa chọn một số điểm ở mỗi quận, huyện gắn với những nhân sự cụ thể. “Nếu có thể nhân rộng ra cả nước sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng, phát huy sức mạnh chung về hệ thống pháp lý”, ông Bắc góp ý.

Kết luận tọa đàm, anh Trương Minh Tước Nguyên - Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM khẳng định công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên là nội dung công tác trọng tâm của tổ chức Đoàn, đã được duy trì từ rất lâu và qua đó nhận thức của các cơ sở Đoàn cũng thay đổi, cải tiến so với trước.

Tăng cường các 'địa chỉ pháp luật' để giáo dục cho người trẻ ảnh 4

Anh Trương Minh Tước Nguyên yêu cầu hoạt động tuyên truyền pháp luật ở cơ sở nên đi theo hướng gia tăng trải nghiệm thực tế. Ảnh: Ngô Tùng

Gợi mở một số điểm cần lưu ý thực hiện về việc này, anh Nguyên yêu cầu các cơ sở Đoàn phải tiếp tục nâng cao nhận thức ý nghĩa của công tác này. “Từ nhận thức, cơ sở Đoàn đầu tư thời gian, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên”, anh Nguyên nói và cho rằng hoạt động này cần tương xứng, cân đối với các hoạt động phong trào.

Mặt khác, việc giáo dục pháp luật nên suy nghĩ theo hướng hoạt động trải nghiệm thực tế nhiều hơn đồng thời cũng áp dụng nhiều phương pháp tuyên truyền đối với những đối tượng khác nhau.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.