Tặng sách - dở khóc, dở cười…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịch giả Lê Quang chia sẻ: Ở Đức, không có “tục” xin sách như ở ta. Ở ta, cứ xuất bản một cuốn sách, tác giả lại “khổ” vì giải quyết khâu xin: Anh/Chị mới ra sách à? Tặng tôi một cuốn. Nhưng xin được rồi, có khi họ lại chẳng dành thời gian để đọc nó. Bỏ quên sách được tặng trên bàn nhậu, hoặc tệ hơn bán ngay cho đồng nát mà không buồn xóa những lời đề tặng của tác giả, khiến một ngày kia chủ nhân của cuốn sách biết chuyện, đã lặng người xót xa và hối hận: Biết thế thì… không tặng.

Nên xé/xóa trang sách có lời đề tặng

Trên trang cá nhân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết: “Tôi lại buồn”. Ông nhắc việc tặng sách cho nhà văn Phạm Thị Hoài năm 2002 nhưng “đứa con tinh thần” ấy lại bị ra hàng sách cũ. Nhà văn Phạm Thị Hoài trong một bài viết ngầm “giải thích”: Thân phận lưu vong mang theo tiếng mẹ đẻ đã mệt, nói chi mang theo sách vở. Chưa hết, cuốn “Nhà văn như Thị Nở” của Phạm Xuân Nguyên in năm 2014 tặng một người bạn yêu quý khác, cũng chịu số phận trôi nổi như cuốn sách ông tặng nhà văn Phạm Thị Hoài. Phạm Xuân Nguyên đưa ra một giải pháp khi bán sách được tặng: “Tôi sẽ xé trang có lời bạn đề tặng tôi nếu như tôi không thể mang được cuốn sách bạn tặng tôi khi xa nước, để tránh cho bạn một nỗi buồn thấy sách mình tặng bị đem bán sách cũ. Bạn thấy đó là nỗi buồn hơi nhẹ. Tôi thì không”. Theo ông, xé trang đề tặng cực kỳ cần thiết: “Phòng khi sách bị trôi nổi sa vào hàng sách cũ thì không làm xấu mặt mình, mặt người tặng sách mình”.

Hỏi chuyện Trung Trung Đỉnh, nhà văn chăm chỉ tặng sách mỗi khi có tác phẩm xuất bản. Trước đây, tác giả “Ngõ lỗ thủng” dành phần lớn nhuận bút để mua sách của mình tặng bạn bè, đồng nghiệp. Ông chưa từng gặp trường hợp sách với lời đề tặng của ông bị bán ở hàng sách cũ. Hỏi Trung Trung Đỉnh: “Nếu thấy sách mang tặng bị trôi nổi, cảm xúc của ông thế nào?”. Tác giả “Ngõ lỗ thủng” cười: “Tất nhiên chạnh lòng”. Giải pháp của ông đưa ra cũng giống Phạm Xuân Nguyên: Tốt nhất khi mang sách của người ta đã tặng đi bán hoặc cho ai đó, nên cẩn thận xé trang đề tặng đi. “Phi tang” dấu tích kiểu Trung Trung Đỉnh hay Phạm Xuân Nguyên không mới. Có nhà văn kể: Ngày trước, sách quý lắm, tinh thần đọc sách cũng cao. Tủ sách gia đình có khi còn có cả dấu riêng. Gặp giai đoạn khó khăn, thiếu thốn, người ta đành phải mang sách đi bán. Trước khi bán sách, họ phải cắt đi những trang đã đóng dấu, cho đỡ xấu hổ: “Nghèo thì nghèo chứ ai lại bán sách để ăn bao giờ?”. Hoàn cảnh hôm nay đã khác, sách nhan nhản ngoài thị trường và “tục” xin sách được kế thừa và phát triển mạnh mẽ. Ứng xử với sách được tặng ra sao cũng muôn hình muôn vẻ.

Dịch giả Lê Quang nhớ lại, ông từng đọc một bài viết của dịch giả Trịnh Lữ đề cập chuyện tặng sách, xin sách. Sách của dịch giả Trịnh Lữ khá cao, tầm 600-700 ngàn đồng/cuốn. “Vì sách của anh ấy là sách nghệ thuật, in tranh, in ảnh…”, Lê Quang giải thích. Trịnh Lữ mở cuộc liên hoan khi “đứa con tinh thần” chào đời. Người ta xin sách của ông. Nhưng sau hồi tay bắt mặt mừng, ăn uống xong xuôi, có người xin sách lại để quên sách, không mang về. Nhà văn Tạ Duy Anh kể lại chuyện nhiều người cũng đã biết: Một nhà văn nổi tiếng mỗi lần nhận sách tặng liền đưa cho gia nhân ném thẳng vào chuồng lợn. Bản thân Tạ Duy Anh từng chứng kiến một cô bạn của ông từ Mỹ về, có in một tập truyện ngắn. Nhân cuộc hội thảo văn học, với sự tham gia của nhiều “nhà” tên tuổi. Cô nhờ Tạ Duy Anh giới thiệu để cô được đến… tặng sách. Tạ Duy Anh muốn gàn, nhưng thấy vẻ háo hức của cô bạn nên không nỡ. Và cô đã tặng được gần trăm cuốn sách. Cô nói, về Mỹ sẽ đọc phản hồi của những người mà cô đã tặng sách. Cô tin họ sẽ phản hồi vì khi nhận sách tặng người ta đều reo lên: Sách quý, sách quý, hơn cả vàng. Nửa năm sau, từ Mỹ, cô bạn nhắn tin cho Tạ Duy Anh: Chẳng ai cho cô một câu phản hồi, dù cô đã ghi email. Tạ Duy Anh còn kể chuyện khác: Một nhà thơ (đã mất) tặng một nhà giáo kiêm viết phê bình (cũng đã mất) cuốn thơ mới ra, chỉ in vài trăm bản. Nhà giáo kiêm viết phê bình cầm cuốn sách được tặng cảm ơn rối rít. Nhưng số phận cuốn thơ ấy thật bi bét: Khi nhà thơ vừa đi độ mươi phút, thì một khách văn chương khác xuất hiện, trên tay cầm gói thịt vịt quay. Ông giáo kiêm nhà phê bình thích đánh chén, đã xé ngay cuốn thơ trải xuống thay mâm. Nhà văn Vũ Xuân Tửu góp thêm “những điều trông thấy”: “Mình từng đi dự Hội nghị viết văn trẻ, sau này là các đại hội nhà văn, đều thấy nhiều sách tặng bị giấu dưới chăn đệm khách sạn. Mình lặng lẽ đi các phòng thu về, sợ chị em dọn phòng họ chê cười các nhà văn ta…”.

Mua sách mới kích thích đọc sách?

Hỏi nhà văn Tạ Duy Anh: Anh có giữ văn hóa tặng sách nữa không sau “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”? Tạ Duy Anh cười: “Có chứ”. Với những người đủ để nhà văn tin “người ta” trân trọng sách của mình, chờ đón sách của mình, thì ông vẫn cứ tặng. Và lượng người được ông tặng sách đương nhiên không nhiều. Nhà văn cũng muốn độc giả hình thành thói quen mua sách đọc, thay vì xin. Vì mất tiền mua sách hình như kích thích người ta chăm đọc hơn. Dịch giả Lê Quang cũng có ý kiến tương tự: “Một cuốn sách là công sức của bao nhiêu người, người viết, người biên tập, rồi những người làm công tác in ấn, phân phối… Thế mà cứ vỗ vai tặng tôi đi”. Lê Quang cho biết, ông không có thói quen tặng sách. Mỗi lần ra sách mới, ai muốn mua thì mua. Thứ ông miễn phí chỉ là chữ ký hoặc vài lời thể theo mong muốn của người mua sách, cùng lắm ông “tặng” phí bưu điện: “Tôi thân, tôi quý thì tôi tặng phí bưu điện hoặc chữ ký, nhưng giá sách lại là chuyện khác, không liên quan”.

Tặng sách - dở khóc, dở cười… ảnh 1

Nhà văn Việt Nam tặng nhiều chữ ký nhất: Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Internet

Theo dịch giả Lê Quang: Hoạt động liên quan đến sách vở ở Đức sôi nổi hơn ở ta rất nhiều. Người ta có thể xếp hàng cả tiếng đồng hồ, để xem những buổi giới thiệu sách của nhà văn, hoặc “nhà” nào đó: “Bên đó tổ chức những buổi giới thiệu sách nhiều hơn ở ta. Nhà văn bình thường thì tổ chức ở thư viện, còn nhà văn nổi tiếng làm ở nhà hát, bán vé như xem phim. Không nhanh chân có khi không còn vé. Truyền thống của họ là không làm 2 tối chỉ làm duy nhất 1 tối”. Nhưng ở Đức lại không có “tục” tặng sách và xin sách: “Người Đức không bao giờ đòi tặng sách cả. Họ không có lối nghĩ, tôi thân với ông, ông vừa ra sách, tặng tôi một cuốn”. Lê Quang nghiệm ra: Những người khen sách hay, đề nghị được tặng, thường sẽ “vứt đâu đó”, không chịu đọc. “Về Việt Nam tôi rất ngạc nhiên, thậm chí cảm động khi có cậu bạn cũ nhất định trả tiền cuốn sách của tôi, vì: Ông dịch sách được mấy đồng mà tặng lung tung thế?”. Cứ vô tư xin sách, song lại quên rằng, mỗi người xin một cuốn sách tuy giá có khi chỉ bằng hai bát phở ở thủ đô, nhưng cứ 20 người hỏi xin thì cũng “chết” tác giả.

Tặng sách - dở khóc, dở cười… ảnh 2

Dịch giả Lê Quang đang “tặng” chữ ký

Tự ái vớ vẩn?

Thái Bá Lợi cũng là nhà văn thích tặng sách. Có khi ông tặng “người ta” cả tuyển tập gồm 3,4 cuốn, đựng trong cái hộp trang trọng. Ông cũng từng thấy sách của mình tặng “người ta” ở hiệu sách cũ. “Thấy sách của mình ở đó thì mua lại và gửi tặng lại người đã bán chúng”, nhà văn nói vui. Song ông không giận, không trách người đã mang “đứa con tinh thần” của mình đi bán: Sách mang tặng ra hiệu sách cũ thì chứng tỏ nó vẫn còn có giá trị. Dịch giả Lê Quang cũng nhìn nhận: “Sách không phải để giữ. Với những cuốn sách trong năm không đọc hoặc năm nữa không đọc, thì nên cho. Nếu sách ra đồng nát thì chúng cũng có một cuộc đời mới còn hơn ra gói xôi”.

Mà con đường ra hiệu sách cũ của “quà” sách cũng có nhiều nguyên nhân, chưa chắc đã do người được tặng mang bán: “Biết đâu do người được tác giả tặng sách đã khuất, vợ con người ta mang bán? Hoặc do chuyển nhà nhiều đồ nên bị bỏ quên… Cả 100 lý do, không thể biết hết được. Thay vì tự ái hoặc tủi thân vớ vẩn, nên nghĩ thoáng, cái cuốn sách bị cất đâu đó trong kho hay bị mối cắn, đã có đời sống mới”.

Nhà văn Tạ Duy Anh cũng nhận thấy ở Mỹ không có “tục” tặng và xin sách: “Có lần tôi tặng sách một người Mỹ, ở Trường viết văn Nguyễn Du. Người này rút ra tờ 20 đô đưa cho tôi và bảo: Ở Mỹ, người nhận sách tặng là người phải trả tiền. Tôi nói, nhập gia tùy tục, ông phải theo tập tục của người Việt. Nói mãi cuối cùng người Mỹ ấy mới rút lại tờ 20 đô”. Tạ Duy Anh còn thấy chiều ngược lại, nhà văn mang sách mới đi tặng có khi còn làm phiền người được tặng, vì: “Tặng rồi lại ép đọc. Ông đọc của tôi chưa? Ông cho tôi vài lời. Thế nên người nhận sách tặng chưa đọc hay không đọc đều ít nhiều áy náy. Tốt nhất mỗi người nên tự mua sách. Ông có nhu cầu ăn thì mới mua thức ăn. Ông có nhu cầu đọc thì mới mua sách”. Tạ Duy Anh còn nhắn gửi, tác giả sách cũng đừng “cả tin”, mỗi khi gặp ai đó đề nghị: Tặng tôi cuốn sách của ông. Bởi, “có khi cũng chỉ là lời xã giao”. Tuy nhiên, hình như với không ít độc giả Việt, được tặng sách mới “sang”, mua sách lại bình thường quá. Điều này khiến tác giả sách lắm khi lúng túng, ngại ngần. Rõ ràng người ta mua sách của mình rồi tới xin chữ ký của mình, mà cứ đòi mình ghi lời đề tặng.

Tặng sách - dở khóc, dở cười… ảnh 3

Cuốn sách mang tặng có thân phận trôi nổi của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (FB Phạm Xuân Nguyên)

MỚI - NÓNG