Thảo luận dự án Luật giáo dục đại học sáng 6-11, ông Phong cho rằng ngay cả với sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam, vẫn có thể thiết kế nội dung học chính trị và xem đó như một học phần tự chọn nếu có nhu cầu.
Học chính trị không chỉ là điều kiện mà còn là nhu cầu
Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sinh viên có quốc tịch Việt Nam, học tập trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài việc học chuyên môn, kiến thức chuyên ngành thì cần phải đảm bảo một số lượng học phần tín chỉ nhất định về kiến thức chính trị.
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Lê Quốc Phong - Ảnh: TTXVN
"Việc học chính trị không chỉ là điều kiện nhằm bảo đảm mọi sinh viên học tập trên đất nước Việt Nam đều được tiếp cận, học tập hiểu biết hơn về chính trị của Việt Nam mà đây cũng là điều hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục", ông Lê Quốc Phong nói.
Mặt khác, ông Phong cho rằng nếu không quy định rõ trong Luật giáo dục đại học ngay từ đầu thì rất có thể các đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với các trường phía Việt Nam sẽ viện dẫn nhiều lý do để không đưa vào chương trình đào tạo.
Bởi vậy, theo ông Phong, trong các chương trình liên kết, tỉ trọng và thời lượng có thể cân đối cho hài hòa với tổng thể chương trình đối tác nhưng không thể không có nội dung học chính trị.
Tạo điều kiện tối đa cho sinh viên nghiên cứu khoa học
Với quy định về thành phần hội đồng trường trong dự án luật, ông Lê Quốc Phong góp ý cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ bí thư Đoàn trường sẽ tham gia vào hội đồng trường.
"Lý do là thực tiễn hiện nay, tất cả các trường đại học, bí thư Đoàn trường đều là cán bộ chuyên trách hoặc giảng viên hoặc là cán bộ kiêm nhiệm. Nếu quy định như dự thảo thì sẽ khó phát huy được tiếng nói đại diện của tổ chức Đoàn, đại diện cho tập thể đoàn viên, thanh niên và sinh viên là lực lượng quan trọng, đông đảo trong các trường đại học", ông Phong nói.
Ông Phong cũng tán thành dự thảo luật tạo thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên. Thực tế, số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng tăng.
"Nhu cầu của sinh viên được tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học khá lớn. Tiềm năng, sức sáng tạo của sinh viên Việt Nam cần được cổ vũ, khai thác triệt để, làm cơ sở để phát hiện sớm các tài năng", Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nói.
"Đề nghị sửa thông tư theo hướng quy định rõ hơn về mức kinh phí tối thiểu, điều kiện cần thiết tối thiểu của các trường dành cho hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên, tạo thêm các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ nội dung này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới".