Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Cần thêm vai trò từ địa phương

TPO - Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai và đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, đến nay, các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương. Do đó, cần có thêm các giải pháp nâng cao vai trò của địa phương trong triển khai các chính sách đồng bộ từ Trung ương, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”, do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết, thực tế cho thấy, những năm qua với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành cùng sự chủ động từ phía doanh nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Đến nay, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp không còn là vấn đề đáng ngại như những năm về trước.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, có thể nói chính sách về công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua đã tương đối hoàn thiện. Cụ thể, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Bộ Công Thương đã và đang thực hiện giai đoạn tổng kết cũng như chuẩn bị đề xuất để tiếp tục kéo dài Chương trình đến năm 2035. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng có nằm ở rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Đầu tư, các luật quy định về thuế,…

Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Cần thêm vai trò từ địa phương ảnh 1

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

“Với Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, từ năm 2017 khi áp dụng chính sách này đến nay, tác động của chính sách này đối với các doanh nghiệp là rất lớn. Chúng tôi đã có những bảng tổng kết, những con số rất chi tiết về hiệu quả của chính sách này và nó thể hiện bằng kết quả khi mà các chính sách này được đưa vào áp dụng trong thực tế”, ông Tuấn Anh cho hay.

Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, đến nay các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta hiện nay đã tham gia dần được vào các chuỗi cung ứng và đạt được giá trị gia tăng tương đối cao. Bên cạnh đó, chúng ta tự chủ được những nguồn nguyên vật liệu, cụ thể như trong ngành dệt may - da giày hiện nay chúng ta cũng tự chủ được khoảng 30 - 45%. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo chúng ta tự chủ được phần nguyên liệu khoảng 30%; trong lĩnh vực ô tô tỉ lệ nội địa hóa tương đối lớn,…

Theo ông Tuấn Anh, để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, vai trò của các địa phương là rất quan trọng, phải rất sát sao. Thực tế cho thấy, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, một số địa phương đã chủ động ban hành chính sách của riêng mình. Cụ thể, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,… trong thời gian vừa qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

“Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, các địa phương phải rất sát sao. Theo tôi, để làm tốt công tác này thì trong chính sách thu hút đầu tư của địa phương cũng nên đâu đó có sự ràng buộc các nhà đầu tư khi mà đầu tư vào, được hưởng các chính sách ưu đãi, cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Ví dụ như có thể trong một thời gian nhất định đưa một số lượng nhất định doanh nghiệp của Việt Nam tham gia được vào cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đây là một nội dung mà tôi nghĩ là các địa phương rất nên lưu ý”, ông Tuấn Anh nói.

Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Cần thêm vai trò từ địa phương ảnh 2

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Khi địa phương là những ‘cánh tay nối dài’ cho doanh nghiệp

Theo ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hải Phòng, để thu hút được nhiều doanh nghiệp, bản thân địa phương phải trở thành nơi kết nối với nhiều chính sách hỗ trợ trong phát triển công nghiệp hỗ trợ,

Theo ông Bảo, thời gian gần đây, Hải Phòng đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn với những dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến sự đóng góp của các ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm với sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Bảo kiến nghị Bộ Công Thương xem xét thành lập trung tâm phát triển công nghiệp hoặc công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố. Cùng đó, khi các doanh nghiệp lớn đến Hải Phòng đầu tư, cần có một số ràng buộc về chuyển giao công nghệ, hoặc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai, ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Một số doanh nghiệp đã thành công áp dụng mô hình cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, dần tiếp cận và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, Toyota thấy có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển dịch dần trong việc là không chỉ sản xuất những linh kiện mà có hàm lượng công nghệ thấp và chỉ cần tập trung vào những thế mạnh về nhân công giá rẻ, và đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn, ví dụ như dập rèn, hay là các linh kiện cho những dòng xe mới.

“Chúng tôi cũng nhận thấy được là có một vai trò rất quan trọng từ định hướng của Bộ Công Thương và đồng thời gần đây thì có sự tham gia rất tích cực của các sở, ban, ngành tại địa phương. Một vài sở, ban, ngành chúng tôi có cơ hội được làm việc cùng như Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc hay là Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi nhận thấy rõ sự quan tâm cũng như hỗ trợ hết sức sát sao, kịp thời”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN cho biết, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh những chính sách ưu đãi, doanh nghiệp cần sự kết nối của Bộ Công Thương, của địa phương với các doanh nghiệp lớn.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, để tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đang đề xuất những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, xây dựng các cụm liên kết ngành, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng…Bên cạnh đó, sẽ có ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài trong phát triển tỉ lệ nội địa hóa. Bộ Công Thương cũng kiến nghị địa phương xem xét bố trí bổ sung nhân sự làm công nghiệp.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

TPO - Ngày 22/1, Chủ tịch nước Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Ất Tỵ 2025.