Rachel Waston là một người phụ nữ nghiện rượu, đã ly hôn và thất nghiệp. Cô đã quá quen với những chuyến tàu trở mình từ Ashbury vào Thủ đô London và quay về hằng ngày. Mỗi khi chiếc tàu 8.04 dừng lại ở cột tín hiệu đặc biệt đó, Rachel lại có một góc nhìn hoàn hảo để ngắm “ngôi nhà cạnh đường ray” yêu thích của mình: nhà số mười lăm. Cô đã thuộc làu ngôi nhà này, từ cánh cửa kiểu Pháp, chiếc rèm buồng ngủ màu be, cho tới màu sơn của khung cửa sổ phòng tắm. Chủ nhân của ngôi nhà này là một cặp tình nhân mà Rachel đã đặt tên là Jason và Jess. Với nỗi đau về sự đổ vỡ tình yêu trong quá khứ, Rachel khao khát cuộc sống hôn nhân của cặp đôi này. Cô thần tượng hoá họ và tưởng tượng rằng mình và người chồng cũ, Tom Waston, đang sống hạnh phúc như đôi uyên ương kia. Thói quen này diễn ra đều đặn cho tới một hôm, Rachel bắt gặp một cảnh tượng sửng sốt khiến cho ảo tưởng của cô vỡ vụn. Giờ đây, một người đã mất tích, và Rachel tin rằng những gì mình đã thấy ngày hôm đó là thiết yếu để phơi bày sự thật. Tuy nhiên, mọi người đều lờ đi những lời khai và cho rằng cô là một nguồn tin không đáng tin cậy, hay chính xác là: “Một kẻ nghiện rượu. Có lẽ tâm lý không ổn định.”
Khác với sự náo nhiệt ở New York trong bộ phim chuyển thể, cuốn sách có bối cảnh tại London. Điều này khiến không khí của vụ mất tích vốn đã u ám từ đầu, nay càng thêm phần nặng nề, với những chuyến tàu ục ịch luôn chật kín những công nhân ảm đạm, những hơi thở dài, vài lon Gin và Tonic lạnh, và tiếng sột soạt của báo giấy.
Truyện được kể qua ba người: Rachel, Anna và Megan, nhưng nhân vật chính là Rachel. Tôi sẽ không đi vào chi tiết Anna và Megan nhằm giữ sự bí ẩn cho cuốn sách. Ba người phụ nữ này được liên kết bởi những tình tiết rất mong manh nhưng hết sức khéo léo. Ở đầu truyện, việc đổi người kể diễn ra chậm rãi, nhưng càng về sau, góc nhìn của họ được thay đổi chóng mặt và cùng với đó, những mẩu thông tin kinh hoàng được hé lộ, khiến cho độc giả không khỏi bàng hoàng. Lời kể của ba người phụ nữ được đan xen rất tài tình, với Rachel thực sự là người dẫn truyện say xỉn và không đáng tin cậy nhất tôi từng biết. Trong số họ, tôi căm ghét một người, thương một người, và giận người còn lại.
“Trên tàu là những gương mặt thân quen, những người tôi thấy hằng tuần, đi đi về về. Tôi nhận ra họ và chắc họ cũng vậy. Tôi chỉ không biết họ có thực sự thấy tôi không, con người thật của tôi.”
Những dòng trên xuất hiện ở ngay đầu cuốn sách, nhưng âm hưởng của chúng vang tới tận trang cuối cùng. Những nhân vật trong truyện đều sống với một quá khứ, một bí mật. Họ che đậy chúng bằng một chiếc mặt nạ mà ngay cả những người thân nhất cũng không thể nhìn thấu, chứ chưa nói người lạ. Tôi không thể tin bất kỳ điều gì. Ranh giới giữa thật và giả dao động và rung lắc như chuyến tàu mà Rachel bắt mỗi sáng vậy. Paula Hawkins đã dựng lên những nhân vật khiếm khuyết và tội lỗi tới mức khó chịu.
Nếu có một điểm trừ, thì đó là việc đôi khi, có những sự kiện diễn ra quá thuận lợi. Chẳng hạn như, những nhân vật thường gặp nhau trên tàu, trên phố, và thậm chí ở quanh nhà của họ, và cốt truyện xoay quanh điều này để phát triển. Dù vậy, những cuộc gặp mặt này được lý giải hoàn toàn thỏa đáng, và điều đó khiến tôi ít nghĩ về những sự việc “đúng người đúng thời điểm” hơn. Còn nữa, nếu tôi mong chờ mọi chuyện diễn ra đúng như ngoài đời thực, thì tôi đã bỏ cuốn sách xuống và quay lại với quá trình truyền nước của mình.