Tây Giang kỳ cục án

Một góc trung tâm Tây Giang hôm nay
Một góc trung tâm Tây Giang hôm nay
TP - Bị cáo xin tù ngồi thay tù treo, khăng khăng đòi tăng án 10 lần, ngô nghê tranh luận với cảnh sát khi vi phạm giao thông… Những chuyện có thật 100% ở huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam) nhiều phen khiến những người thực thi pháp luật không biết nên cười hay mếu.
Một góc trung tâm Tây Giang hôm nay
Một góc trung tâm Tây Giang hôm nay.

Xin tù ngồi, xin tăng án

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các thôn của 4 xã Gary, Tra’Hy, Ch’Ơm và Axan có luật: mỗi nhà đưa xe máy tới gửi ở nhà gươl (nhà hội họp của làng) chìa khóa giao già làng giữ. Ai muốn đi phải viết giấy xin phép. Nhờ mô hình này mà dịp Tết không có tai nạn giao thông nào ở vùng cao.

“Câu chuyện xin được cho tù ngồi thay vì tù cho hưởng án treo ngỡ là chuyện đùa, nhưng với huyện Tây Giang (Quảng Nam, tách từ huyện Hiên, thành Đông Giang và Tây Giang - PV) là sự thật trăm phần trăm” - Chánh án TAND huyện Nguyễn Thành Chín kể lại.

Trong vụ án này, bị cáo Bhling M. (ở xã Ch’ơm) bị tuyên tù treo vì tham gia một vụ ẩu đả. “Lúc tôi vừa tuyên án xong, anh ta rũ xuống như tàu lá, mặt cắt không còn hạt máu, liên tục kêu oan và xin được tù… ngồi. Bhling M. tưởng tù treo là… treo anh ta lên xà nhà” - ông Chín kể.

Rốt cuộc, phiên tòa phải kéo dài thêm 30 phút để ông chánh án giải thích cặn kẽ cho Bhling M. hiểu. Khi anh ta tạm xuôi xuôi, ông chánh án dẫn Bhling M. ra quán cơm, đãi anh ta ăn uống, dặn dò về nhà chí thú làm ăn. Đến giờ, Bhling M. đã như một cộng tác viên ruột trong mỗi khi ông Chín lên bản nói chuyện, phổ biến pháp luật với bà con.

Một trường hợp khác, bị cáo Bhling Đhơng lại khăng khăng xin tăng án để… dọa quan tòa. Câu chuyện bắt nguồn từ một tập tục lâu đời của người Cơtu: Sau khi cưới, người bên nhà gái có quyền đến xin bất cứ thứ gì của bên nhà trai. Vin vào tập tục đó, sau ngày cưới chị gái Bhling Thị Cơ với anh rể Zơ râm Xá, Bhling Đhơng (ở xã A tiêng) đến nhà anh Xá đòi vác chiếc ché cổ và tivi về nhà mình.

Khốn nỗi, đây lại là 2 vật dụng đáng giá nhất của gia đình nên chị Cơ và anh Xá kiên quyết không cho. Xin năm lần bảy lượt không được, Đhơng nổi khùng vác luôn chiếc ché cổ ở bàn thờ mang về. Đi được nửa đường, thấy gia đình anh Xá đuổi theo lấy lại, Đhơng đập tan chiếc ché cổ trong sự nuối tiếc của bà con xã A Tiêng.

Tiếc chiếc ché cổ trăm năm tuổi, vợ chồng anh Xá kiện Đhơng ra cơ quan pháp luật. Mất non nửa năm điều tra, giám định ché cổ, TAND huyện mở tòa, tuyên phạt Đhơng 15 tháng tù, bồi thường 10 triệu đồng.

Đhơng nói ngay: Tui xin được kháng án ngay tại tòa, xin tòa xử tui 15 năm tù, đền bù 100 triệu đồng. Bị cáo lý sự: Anh rể và chị gái mình đã… đi ngược lại truyền thống lâu đời của dân tộc Cơ Tu. Việc mình làm là đúng, không có gì phải bàn cãi. Ché đã ra khỏi nhà anh chị là ché của mình, mình muốn làm gì chẳng được.

Nghe quan tòa giải thích, vi phạm chừng nào phạt chừng đó, muốn tăng cũng không được, Đhơng vẫn kiên quyết dọa sẽ kháng án xin tù 15 năm. Biết Đhơng lớn tiếng làm mình làm mẩy, Tòa đành nghĩ ra kế vờ vào nghị án lại, rồi ra tuyên bố đồng ý cho bị cáo ngồi tù 15 năm, bồi thường 100 triệu đồng.

Quả nhiên, Đhơng đang nhơn nhơn bỗng khuỵu xuống vành móng ngựa, lên tiếng kể khổ, xin được ăn năn hối cải và nhận hình phạt ban đầu. Tất nhiên, tòa chấp nhận.

“Sau khi mãn án, Đhơng giờ chí thú làm ăn lắm, là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi của thôn rồi”- Chánh án Nguyễn Thành Chín nói.

Phần lớn thời gian làm việc của Chánh án Chín là tuyên truyền pháp luật cho dân bản
Phần lớn thời gian làm việc của Chánh án Chín là tuyên truyền pháp luật
cho dân bản.

Bi hài chuyện trâu sắt

Khi vùng biên Tây Giang mở đường nhựa, thông các tuyến từ đường Hồ Chí Minh lên khu 7 giáp Lào, bà con người Cơ Tu có tiền giải tỏa đền bù ầm ầm đua nhau sắm xe máy. Cùng với đó, cảnh sát giao thông nhiều phen cười như mếu trước những lý sự hài hước, hồn nhiên và hết sức… ngang xương của bà con dân tộc thiểu số khi họ vi phạm luật giao thông.

Ông Zơ râm Tê, Trưởng công an huyện Tây Giang kể, một lần CSGT tuýt còi 3 người đàn ông vắt vẻo trên một xe máy, không mũ bảo hiểm. Hỏi biết phạm luật gì không, người cầm lái Bhriu M. cười toe: Luật gì hả cán bộ, xe mình mình chạy, trộm cắp của ai?

Cảnh sát: Lỗi thứ nhất: chở ba. Bhriu M xua tay: Con trâu này khỏe lắm, hồi trước 4 người cưỡi không sao, giờ nó già rồi, chỉ cho 3 người cưỡi thôi. Ba người chung tiền mua nó thì phải đi cả ba. Cảnh sát tiếp: Lỗi thứ 2, không đội mũ bảo hiểm. Vẫn Bhriu M.: Tây Giang không bán mũ, bọn mình đang phải xuống Prao mua đây…

Một vụ khác, trâu sắt của A lăng Tiến bon bon xuống dốc đâm sầm vào trâu của Zơ râm Quân. CSGT tới, Quân trình bày: Tui đang lên dốc, nó đâm thẳng vào, gãy đôi xe, giờ nó phải đền chớ. A lăng Tiến không vừa: Ai bảo ông đi giữa đường, lên dốc thì phải đi bên lề chứ. “Sao không phanh?”, cảnh sát hỏi. A lăng Tiến hồn nhiên: Phanh chớ, mà nó không ăn. Còn sao nó không ăn thì cán bộ hỏi xe chớ…

Huyện Tây Giang nổi tiếng là nơi quan tòa… thất nghiệp, Tiền Phong từng có bài phản ánh. Từ năm 2009 đến nay, TAND huyện này cũng chỉ xử trên dưới 10 vụ án, chủ yếu là TNGT, trộm cắp và đánh nhau.

“Vụ nào cũng có những tình tiết hài hước mà nếu chúng tôi không kiên trì thuyết phục và vận động, sẽ rất khó để bà con dân tộc thấu hiểu. Thời gian thất nghiệp chúng tôi chủ yếu đi phổ biến luật cho bà con. Nói cho bà con hiểu còn khó hơn nhiều so với xử án” - ông Chín nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG