Tên tuổi bất ngờ trong cuộc đua AI

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một trong những nơi thích hợp nhất để chứng kiến sự cạnh tranh đang diễn ra giữa các quốc gia vùng Vịnh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là tòa nhà không biển hiệu trong khu công nghiệp gần sân golf ở ngoại ô Dubai.
Tên tuổi bất ngờ trong cuộc đua AI ảnh 1
Gian trưng bày của Cơ quan Quản lý dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Ả-rập Xê-út tại triển lãm công nghệ toàn cầu Gitex ở Dubai năm 2021.

Cơ sở này không có cửa sổ nhưng bên trong rất mát mẻ và cực kỳ sạch sẽ. Khi vào trong, khách bước lên tấm thảm trải sàn màu xanh được thiết kế để ngăn cát lọt vào bên trong. Giống như cái nóng thiêu đốt bên ngoài, bất kỳ hạt cát sa mạc nào cũng có thể gây nguy hiểm cho các thiết bị trị giá hàng triệu đô la trong cơ sở này.

Khu phức hợp rộng hơn 2.000m2 được khai trương vào tháng 9/2023, sau 18 tháng xây dựng. Đây là cơ sở thứ tư của Equinix, hãng phát triển trung tâm dữ liệu có trụ sở tại bang California của Mỹ. Equinix cũng đang cân nhắc mở rộng sang nước láng giềng Ả-rập Xê-út.

Siêu cường AI Trung Đông

Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đều muốn trở thành siêu cường AI trong khu vực. Sự cạnh tranh quyết liệt của họ tạo nên cuộc đua xây dựng các trung tâm dữ liệu tốn kém trên sa mạc để hỗ trợ công nghệ. Chỉ riêng trung tâm dữ liệu sẽ không thể biến bất kỳ nước nào thành cường quốc về AI, nhưng không nước nào có thể trở thành cường quốc AI nếu không có trung tâm dữ liệu.

Các quốc gia muốn có cơ sở dữ liệu trong biên giới của họ vì lý do công nghệ, vì khoảng cách gần giúp khách hàng dễ dàng truy cập dịch vụ với tốc độ nhanh. Lý do chính trị cũng được tính đến, vì dữ liệu có giá trị được lưu trữ trong máy chủ sẽ phải tuân thủ quy định của quốc gia sở tại và có thể tránh bị nước ngoài can thiệp.

Tại Ả-rập Xê-út, nơi nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, AI là một phần trong Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm tạo ra những nguồn thu mới. Quốc gia này đã thành lập các trung tâm nghiên cứu lớn và các bộ chuyên trách về AI, đồng thời phát triển những mô hình tương tự ChatGPT của hãng OpenAI. UAE cũng đã làm điều đó.

Cả hai quốc gia đều đang tích trữ hàng nghìn con chip tùy chỉnh, Financial Times đưa tin. Sam Altman, giám đốc điều hành OpenAI, gần đây có cuộc gặp các quan chức chính phủ và nhà đầu tư UAE để bàn về cách khu vực tư nhân có thể hợp tác với quốc gia này để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng AI quy mô lớn, Bloomberg đưa tin.

Đầu tháng 3 vừa qua, Abu Dhabi công bố quỹ đầu tư AI có thể tăng lên 100 tỷ USD trong vài năm tới, trong khi quỹ đầu tư quốc gia của Ả-rập Xê-út đang đàm phán với hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz về việc dành 40 tỷ USD đầu tư vào AI. Kamel Al Tawil, giám đốc điều hành Equinix khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhận định: “Khu vực này thân thiện với doanh nghiệp; nền kinh tế rất mạnh; giá điện ổn định. Chúng tôi đang thấy rất nhiều động lực”.

Những nỗ lực đó diễn ra trong bối cảnh các nước vùng Vịnh vẫn theo sau Tây Âu về trung tâm dữ liệu. Theo công ty nghiên cứu DC Byte, tính đến cuối năm 2023, UAE có công suất trung tâm dữ liệu là 235 MW, còn Ả-rập Xê-út đạt 123 MW, trong khi của Đức là 1.060 MW. Để thu hẹp khoảng cách, UAE có kế hoạch tăng công suất thêm 343 MW và Ả-rập Xê-út cho biết sẽ muốn bổ sung 467 MW trong vài năm tới.

Một báo cáo gần đây của hãng nghiên cứu PwC ước tính rằng đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 96 tỷ USD cho nền kinh tế của UAE và 135 tỷ USD cho nền kinh tế của Ả-rập Xê-út, đưa hai quốc gia này vươn lên vị trí chỉ sau Trung Quốc và Bắc Mỹ.

Tên tuổi bất ngờ trong cuộc đua AI ảnh 2
Bộ trưởng AI của UAE Al Olama. Ảnh: Thenationalnews và Dubaifuture

Lợi thế của UAE

UAE nhỏ hơn nhưng có một số lợi thế. Theo DC Byte, quốc gia này bắt đầu xây dựng các trung tâm dữ liệu cách đây hơn 2 thập kỷ, như một phần của sáng kiến Thành phố Internet Dubai, trong đó còn có các trung tâm đổi mới và không gian văn phòng. Quốc gia này hiện có 52 trung tâm dữ liệu đang hoạt động.

Colm Shorten, giám đốc cấp cao của Jones Lang LaSalle, hãng vận hành các trung tâm dữ liệu trong khu vực, nói rằng UAE là quốc gia thạo công nghệ nhất ở Vùng Vịnh nhờ sẵn sàng thử nghiệm kỹ thuật và thiết bị mới. “Đó là nơi nên đến và sẽ như vậy trong vài năm tới”, ông đánh giá.

Trọng tâm trong nỗ lực của UAE nhằm vươn lên trong cuộc đua AI là tập đoàn công nghệ G42, do Cố vấn An ninh quốc gia Sheikh Tahnoun bin Zayed, em trai Tổng thống UAE, làm chủ tịch. Mang đầy tham vọng, G42 đang hợp tác với Cerebras Systems, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, để sản xuất chip tùy chỉnh cạnh tranh với Nvidia. Đơn vị trung tâm dữ liệu của tập đoàn này là Khazna đang vận hành 23 tổ hợp trong nước và có 7 tổ hợp khác đang được xây dựng. Một số trong số này sẽ được dành để lưu trữ máy chủ cho Microsoft - một trong những đối tác của G42. Peng Xiao, giám đốc điều hành của G42, cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi hiện nay chắc chắn là phát triển một trong những cụm trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới ngay tại UAE”.

Trong khi đó, Ả-rập Xê-út có 60 trung tâm dữ liệu, theo thống kê của DC Byte, nhưng nhiều trung tâm có công suất thấp hơn các khu phức hợp của Tiểu vương quốc Dubai.

Hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Alibaba và Tencent cũng vận hành các trung tâm dữ liệu ở Dubai. Hãng phát triển bất động sản cao cấp Damac Properties Dubai cam kết chi 600 triệu USD phát triển các trung tâm dữ liệu ở đó.

Bộ trưởng AI của UAE Al Olama được tạp chí TIME đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực AI năm 2023. Trong đánh giá về ông, TIME nhấn mạnh “những quốc gia, khu vực có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này là Mỹ, EU và Trung Quốc vẫn chưa để ý đến tấm gương của UAE”.

Học từ sai lầm

Trong bài phát biểu quan trọng tại sự kiện ở Dubai năm 2019, Bộ trưởng Bộ AI của UAE Omar Sultan Al Olama (34 tuổi) cho biết, UAE sớm theo đuổi AI sau khi rút ra bài học từ sai lầm trong quá khứ. Ông giải thích, từ năm 813-1455, Trung Đông là khu vực tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng vào năm 1455, Trung Đông bỏ qua một phát minh được mọi khu vực trên thế giới đón nhận - máy in Gutenberg.

Những lo ngại về việc sao chép giả mạo văn bản tôn giáo khiến phát minh này bị cấm cửa ở Trung Đông, dù công nghệ này dẫn đến sự tiến bộ công nghệ đáng kinh ngạc ở phần còn lại của thế giới. “Hôm nay chúng ta vẫn đang phải trả giá”, ông nói.

Năm 2017, ông Al Olama được bổ nhiệm làm bộ trưởng AI đầu tiên trên thế giới. Ông cho biết, khi thế giới đang trải qua sự đổi mới công nghệ một lần nữa, tạo nên những tác động to lớn đến cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mọi người trên toàn thế giới, UAE sẽ không mắc lại sai lầm tương tự. Bộ trưởng Al Olama cho biết, UAE quyết tâm không chỉ trở thành quốc gia sớm áp dụng công nghệ mà sẽ dẫn đầu thế giới về công nghệ vào năm 2031.

“Mọi người đều đang nói về AI. Ai dẫn đầu trong cuộc đua AI sẽ dẫn đầu trong tương lai. Công nghệ này sẽ thay đổi thế giới. Ngày nay, không ai trong chúng ta có thể sống thiếu AI. Tại sao nhiều người không coi trọng nó? Đó là bởi vì họ không hiểu”, vị bộ trưởng 34 tuổi nói.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.