Tết 'buộc chỉ tay' nơi cổng trời

Già Hồ Khoa buộc chỉ tay cho các thành viên trong gia đình
Già Hồ Khoa buộc chỉ tay cho các thành viên trong gia đình
TP - Khi tiết trời sang xuân, tộc người Khùa dưới những tán rừng thâm u nơi cổng trời xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), nằm tít tắp giữa vùng cao giáp biên với nước bạn Lào, lại quây quần đón tết Rít chọo aty (Buộc chỉ tay).

> Tết sớm ở Cổng Trời 

Già Hồ Khoa buộc chỉ tay cho các thành viên trong gia đình
Già Hồ Khoa buộc chỉ tay cho các thành viên trong gia đình . Ảnh: Nguyễn Huy

Cổng trời vào Tết

Ngược đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đến xã Dân Hóa, cách TP Đồng Hới (Quảng Bình) gần 200km. Những bản làng của tộc người Khùa nằm thấp thoáng dưới màn sương mờ ảo, bên những ngọn đồi núi trập trùng của dãy Giăng Màn. Gọi là cổng trời vì Dân Hóa không chỉ là địa bàn cao nhất mà còn xa nhất của huyện miền núi phía tây Quảng Bình, nằm tiếp giáp nước bạn Lào.

Năm nào cũng thế, đúng dịp đầu năm, ngay từ sáng sớm, căn nhà sàn của già Hồ Khoa (70 tuổi, bản Ta Leng, xã Dân Hóa) đông đủ con cháu từ các bản lân cận về đón Tết. Không ồn ào, tấp nập như dưới xuôi, tộc Khùa đón Tết trong sự giản dị, ấm cúng khi cái nương, cái rẫy đã thu hoạch xong, đất trời giao mùa.

Già Hồ Khoa cẩn thận chỉnh lại những mâm lễ thịnh soạn bày biện chính giữa căn nhà sàn. Một mâm thủ lợn xung quanh cắm 10 cây đăng (nến) nhỏ làm bằng sáp ong rừng. Bên cạnh là mâm gà, mâm xôi nếp bên trên để bốn lá trầu kết hình chóp nón; chính giữa cắm những cây đăng cao khoảng 40cm, xung quanh là các sản vật nương rẫy…

"Năm nay già làm đại lễ, cứ ba năm một lần. Còn lại là các tiểu lễ. Tiểu lễ chỉ cần xôi gà thôi, nhưng đại lễ thì già phải làm thịnh soạn hơn. Làm sao phải đông đủ con cháu, ấm cúng, đó mới là ý nghĩa chính của Rit chọo aty" - già Hồ Khoa bộc bạch.

Qua bao mùa rẫy, tộc người Khùa vẫn giữ được nét nguyên sơ của Tết Buộc chỉ tay. Phía dưới mâm lễ chính có hai chiếc khay. Một chiếc gọi là khăn, dùng để đựng các lễ vật cho thầy cúng, gồm một quả trứng gà luộc, hai chiếc bánh nếp hình chóp nhọn, một cuộn chỉ buộc, bốn cây đăng và một ché rượu cần. Một chiếc đựng các lễ vật gồm ba nén bạc, hai tấm vi pha khen (vi kẻ ca rô màu tím dùng may váy cho đàn ông), hai tấm vi pha xa loong (vi sọc đen trắng dùng may váy cho phụ nữ) và chỉ cuộn bằng sợi thô tự dệt...

Tiết trời miền cao sáng sớm lạnh buốt, sương vẫn đọng lại dưới tán lá rừng. Khi lễ vật chỉnh tề, thầy cúng rảo mắt nhìn quanh rồi ngửa mặt lên trời, lầm rầm khấn trước sự thành kính của con cháu quây quần trong căn nhà sàn. Đầu tiên là lễ tế thổ thần đất đai, đến kính nhớ tổ tiên. Lễ kéo dài hơn 30 phút, mới đến phần Rit chọo aty.

Bản làng người Khùa nơi
Bản làng người Khùa nơi "cổng trời" vẫn lưu giữ được nhiều phong tục độc đáo . Ảnh: Nguyễn Huy

Những vị cao niên trong nhà lấy chỉ cuộn bằng sợi thô tự dệt trên khay đã được tế lễ, vân vê thành những sợi dây với đầy đủ màu sắc, trang trọng đeo vào cổ tay cho các thành viên trong gia đình, từ già cho đến trẻ em, sau đó là các vị khách mời. Buổi lễ đơn giản nhưng cũng có quy định riêng. Già Hồ Khoa bảo: "Phải là các vị trưởng tộc, cao niên, đầu bạc... mới được đeo chỉ tay cho con cháu để thể hiện sự chúc phúc".

Cổng trời Dân Hóa dần bừng sáng khi những tia nắng đầu tiên của một ngày mới, năm mới xuyên qua lớp sương mờ ảo, chiếu rọi xuống từng bản làng. Bản Khùa rộn rã trong tiếng kèn, tiếng nói cười vang vọng. Không khí Rít chọo aty mỗi lúc một thêm tưng bừng.

Già Hồ Khoa khệ nệ bưng hũ rượu cần thơm nồng, lấy hai chén, múc từng lượt rượu để mọi người chúc tụng, thi thố... Lễ buộc chỉ tay kết thúc khi mọi người đã chếnh choáng men rượu và niềm vui chúc phúc đầu xuân.

Gắn kết, thủy chung

Cạnh bản Ta Leng, từng nếp nhà tộc Khùa bên bản Bãi Dinh (xã Dân Hóa) đang tưng bừng trong lễ hội Rít chọo aty. Chị Hồ Nhe (35 tuổi), sơn nữ tộc Khùa Bãi Dinh cười tươi giơ cổ tay vừa được già bản buộc chỉ, chúc phúc.

"Cái bụng dân bản vui lắm, ai cũng mong đến dịp lễ này. Trước ngày này, dân bản phải nhanh chóng dọn mùa màng cho xong, chuẩn bị nhà cửa để đến nhà trưởng tộc buộc chỉ tay. Tôi sẽ đeo nó đi rẫy, đi nương, đeo đến khi nào chỉ đứt thì thôi để mọi người cùng đoàn kết, thương yêu nhau" - Chị Nhe nói.

Niềm vui của người được buộc chỉ tay trong dịp Tết của người Khùa
Niềm vui của người được buộc chỉ tay trong dịp Tết của người Khùa . Ảnh: Nguyễn Huy

Đã hàng chục mùa rẫy, mùa đón Tết Rít chọo aty nhưng già Hồ Hoàng (80 tuổi), người cao niên của bản Bãi Dinh chưa thể lý giải cặn kẽ phong tục này có từ đâu và khi nào, chỉ biết nó đã được truyền lại từ xa xưa, vốn có như con nước đầu nguồn, cái cây trong rừng.

" Trong khi một số đồng bào dân tộc miền núi vẫn còn phong tục đón lễ tết khá tốn kém, mất nhiều thời gian thì lễ hội Rít chọo aty của người Khùa được xem như một mỹ tục bởi sự đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Người nghèo có thể mở lễ vì lễ tết với họ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy nhưng là dịp mọi người sum vầy, nhắc nhở đến cội nguồn để mọi người cùng đoàn kết, sẻ chia" - Thiếu tá Hồ Thanh Sơn

"Từ nhỏ ông bà làm lễ sao thì giờ mình làm theo vậy. Người dưới xuôi có lễ tết của họ. Người Khùa có Rít chọo aty. Đã là con cái của người Khùa thì phải giữ gìn vậy" - già Hồ Hoàng tự hào - "Nét đẹp của phong tục này chính là tinh thần gắn kết, thủy chung giữa các thế hệ với nhau: tổ tiên và người đương sống, bố mẹ với con cháu, vợ chồng với nhau.

Sợi chỉ tượng trưng cho sự giao ước, kết nối, nhắc nhở mọi người sống có nguồn gốc, cùng đùm bọc, sẻ chia như thể "ăn hết thức cay, uống hết nước đắng, ăn cơm muối trắng, chân đi không bén đất". Đồng thời, đây là dịp để kính nhớ tổ tiên, cầu mong mùa màng tốt tươi, năm mới sung túc, con cháu sum vầy…".

Anh Hồ Công (39 tuổi, bản Bãi Dinh) nắm tay người anh em thân cận Hồ Soi (40 tuổi, người Khùa bản Ta Leng) vui kể: "Cũng vì lễ Rít chọo aty mà chúng tôi trở thành anh em kết nghĩa. Ba mùa lễ trước, lần đầu hai anh em gặp nhau, cái bụng thấy quý mến nên được trưởng tộc trực tiếp buộc chỉ tay để anh em kết nghĩa, giúp đỡ nhau.

Thiếu tá Hồ Thanh Sơn - Đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo (xã Dân Hóa) cho hay: Bao năm gắn bó với đồng bào miền biên giới, lễ Buộc chỉ tay nét văn hóa đẹp của đồng bào nơi cổng trời miền biên giới. Có thể do đời sống vùng biên, lễ hội của người Khùa có sự giao thoa, tương đồng với lễ Buộc chỉ tay của người Lào...

Theo ông Hồ Tuân - Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, tộc Khùa là một trong bốn tộc người của dân tộc Buru - Vân Kiều. Nhưng cũng chỉ có tộc Khùa có lễ hội Rít chọo aty độc đáo với nhiều nét đẹp truyền thống. Ban đầu, người Khùa hay đón Tết vào độ tháng giêng, tháng hai khi kết thúc mùa vụ, đất trời giao mùa…, nhưng giờ họ đón cùng thời điểm Tết âm lịch Việt Nam. Cứ khoảng từ mùng 4 Tết, người Khùa bắt đầu mở lễ.

"Rít chọo aty vẫn được tộc người Khùa gìn giữ đến ngày nay với nhiều nét đẹp thể hiện sự chân tình, cởi mở, hiếu khách của người dân bản. Chúng tôi đề xuất nghiên cứu để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống này" - ông Tuân cho hay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG