Tết: Cao điểm 'cày' tiền của lao động thời vụ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuối năm là cao điểm “cày” Tết của những lao động ngành dịch vụ. Ðược trả công tới tiền triệu/ngày, nhiều người sẵn sàng và mong có việc làm xuyên Tết.

Trên các trang thông tin, hội nhóm tuyển dụng, càng về cận Tết, tin tìm lao động thời vụ xuất hiện càng dày đặc. Công việc phổ biến: nhân viên đóng gói, bán hàng, thu ngân, bảo vệ… có thể nhận lương tới tiền triệu/ngày. Lương trả theo ngày, tuy nhiên để giữ chân lao động làm xuyên Tết, chủ thuê thường tạm ứng 1 phần lương (theo thoả thuận), lì xì đầu năm, còn lại sẽ trả công vào ngày làm việc cuối cùng.

Tết: Cao điểm 'cày' tiền của lao động thời vụ ảnh 1
Lao động thời vụ vào mùa “cày” Tết

Xác định là thời điểm “vàng” kiếm thêm thu nhập, Nguyễn Thanh (21 tuổi, Ninh Bình), nhân viên cửa hàng tiện lợi tại Thanh Xuân (Hà Nội) quyết định năm nay ở lại làm việc xuyên Tết. Đây là cái Tết đầu tiên Thanh ở lại thành phố, một phần vì ngại di chuyển, và cũng muốn tranh thủ làm thêm khi lương tăng gấp 3 lần ngày thường.

“Thu nhập của mình tính theo số giờ làm và thưởng doanh thu hằng tháng, khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. Dịp Tết, lương tăng lên 75.000 đồng/giờ. Tính ra chỉ làm mấy ngày Tết mà mình đã nhận được 3 triệu đồng, cao gần bằng 1 tháng lương”, Thanh nói.

Ngọc Anh (23 tuổi, Hà Nội), nhân viên khối vận hành của một khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc cũng chọn ở lại làm việc xuyên Tết. Ngọc Anh cho biết, nhân sự ngành du lịch, dịch vụ đều quen với guồng quay công việc bận rộn mỗi dịp lễ, Tết nên không nề hà công việc. Phòng khách sạn và toàn bộ biệt thự biển đã kín phòng từ nửa tháng trước.

Thấy khách đông trở lại, được làm Tết, nhân viên rất vui. "Nhân sự làm Tết không được tăng lương, nhưng quy đổi 1 ngày làm Tết bằng 3 ngày phép trong năm nên nhiều nhân viên “tranh nhau” làm Tết để nghỉ bù”, Ngọc Anh nói.

Không chỉ người trẻ, ngay cả nhiều lao động trung niên, cao tuổi cũng sẵn sàng ở lại làm việc thêm những ngày Tết. Nhận tiền công 500.000 đồng/ngày (từ 29 đến mồng 4 Tết), ông Đức Chung (65 tuổi, Thanh Hoá) quyết định ở lại Hà Nội trực bảo vệ cho một công ty tại quận Hai Bà Trưng.

Theo ông Chung, việc trực Tết khá nhàn, ngoài lương còn được sếp xông đất lì xì. Đồ ăn Tết cũng được cho đầy đủ. “Mình còn sức thì còn làm, chỉ vài ngày mà được gần cả tháng lương”, ông Chung nói.

Cận Tết, nhiều cửa hàng, điểm dịch vụ phải liên tục tuyển thêm nhân viên do lao động nghỉ Tết sớm. Chị Thúy Hiền, chủ quán cà phê trên phố Lê Đại Hành (Hà Nội) cho biết, năm 2021, dịch bệnh kéo dài, quận, phường liên tục “chuyển màu”, khiến việc kinh doanh bế tắc.

Quán nay đóng, mai mở, nhân viên không có lương, phải về quê tránh dịch. Quán chị Hiền phải vận hành theo kiểu gia đình, giờ chị muốn tìm được lao động gắn bó lâu dài, chứ không chỉ vài ngày Tết.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".