Sang chấn: Vết thương tâm lý chưa lành
Theo bà Huyền, sang chấn tâm lý là những tổn thương về tinh thần do trải nghiệm những sự kiện vượt quá khả năng chịu đựng của con người, như thiên tai, bạo lực, xâm hại hay những vấn đề xã hội khác. Đây không chỉ là vết thương ngắn hạn mà còn để lại hậu quả lâu dài trên cả thể chất lẫn tinh thần và các mối quan hệ xã hội.
Bà Hoàng Thu Huyền thuyết trình tại Tọa đàm. (Ảnh: Ngọc Lân) |
Những trường hợp sang chấn có thể đến từ các sự kiện cá nhân như tai nạn, thi trượt, mất việc hay các vấn đề cộng đồng như thiên tai, dịch bệnh, bạo lực gia đình. Dẫn chứng bằng hình ảnh một cậu bé háo hức tỏ tình nhưng bị từ chối phũ phàng, bà Huyền nhấn mạnh: "Chỉ một lời nói nhỏ cũng có thể gây tổn thương sâu sắc và ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài."
Thạc sĩ Huyền giải thích về cơ chế hoạt động của não bộ khi gặp sang chấn. Phần hạnh nhân – nơi chịu trách nhiệm nhận biết nguy hiểm – thường xuyên bị kích hoạt, dẫn đến trạng thái căng thẳng cao độ. Khi đó, con người dễ rơi vào ba phản ứng: chiến đấu, bỏ chạy, hoặc tê liệt.
Bà Huyền chia sẻ thêm: "Chúng tôi từng gặp những trường hợp nạn nhân bị xâm hại nhưng không thể chống cự hay kêu cứu. Đó là do trạng thái 'đóng băng' của cơ thể, một phản ứng sinh tồn tự nhiên, chứ không phải họ cố ý không hành động."
Sang chấn tâm lý và trách nhiệm của người làm báo
Một trong những nội dung trọng tâm được Thạc sĩ Huyền nhấn mạnh là trách nhiệm của người làm báo khi tiếp cận và viết về nạn nhân của sang chấn tâm lý. Bà lưu ý, việc đưa tin thiếu cẩn trọng có thể làm tổn thương thêm những người vốn đã chịu đau khổ.
Thạc sĩ Hoàng Thu Huyền lý giải định nghĩa của "Sang chấn". (Ảnh: Hagar Việt Nam) |
"Sang chấn do thiên tai tuy đau đớn, nhưng đó là sự cố ngoài ý muốn. Ngược lại, các sang chấn do con người như mua bán, bạo lực thường để lại hậu quả nặng nề hơn, bởi nạn nhân bị xâm phạm quyền con người và mất niềm tin vào xã hội," bà Huyền nhận định.
Đối với người làm báo, việc phỏng vấn hay kể câu chuyện của nạn nhân cần đảm bảo tôn trọng và tránh khơi gợi lại ký ức đau buồn. "Khi não bộ của họ đang ở trạng thái căng thẳng, những ký ức có thể rời rạc, thiếu logic, hoặc không chính xác. Điều này đòi hỏi phóng viên phải có sự thấu hiểu và kỹ năng xử lý phù hợp," bà nói.
Tại hội thảo, Thạc sĩ Huyền cũng giới thiệu các phương pháp giúp nạn nhân phục hồi, trong đó nhấn mạnh vai trò của sự thấu hiểu, thấu cảm và hỗ trợ từ cộng đồng. Những hoạt động trị liệu tâm lý, tạo không gian an toàn và kết nối lại các mối quan hệ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình chữa lành.
Ngoài ra, tổ chức Hagar Việt Nam còn cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ chuyên sâu nhằm giúp những người trải qua sang chấn lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Kết thúc bài tham luận, Thạc sĩ Hoàng Thu Huyền để lại thông điệp: "Là những người làm báo, bạn không chỉ kể câu chuyện, mà còn chạm vào trái tim và khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn trong những người bị tổn thương. Hãy đồng cảm với nỗi đau của họ, bởi mỗi câu từ bạn viết ra có thể là hạt giống của sự chữa lành hoặc thêm gánh nặng cho một tâm hồn đã chịu nhiều đổ vỡ. Hãy để ngòi bút của bạn trở thành cầu nối giữa những trái tim tan vỡ và hy vọng phục hồi, giúp họ cảm nhận rằng họ không bị bỏ lại phía sau".