Tháng 7 tri ân - bài 1: Những chuyến hành hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ đầu đến cuối tháng 7, những đoàn người lại nườm nượp về với các nghĩa trang, khu tưởng niệm liệt sỹ ở Trường Sơn dâng hương. Đây là hành trình tâm linh, cũng là hành trình tri ân, hành trình về với cội nguồn của độc lập, tự do…

Thôi thúc

Cuối tháng 6, anh Bùi Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TNG đề nghị tôi đi cùng trong chuyến hành hương vào miền Trung sắp tới. Tôi đã đi cùng anh 3 lần nhưng vẫn nhận lời ngay vì đây là chuyến đi đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp, Tập đoàn TNG tổ chức hoạt động này.

Đồng ý nhưng tôi gợi ý với anh nên tổ chức thêm một hoạt động trong chuyến đi. Anh “ừ” ngay và quyết định cùng báo Tiền Phong tặng quà cho 20 cựu thanh niên xung phong (TNXP) ở Hà Tĩnh, mỗi người 5 triệu đồng.

Tháng 7 tri ân - bài 1: Những chuyến hành hương ảnh 1

Cán bộ, công nhân viên của TNG ngày càng tham gia đông hơn vào hành trình tri ân ở Trường Sơn

Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, việc kêu gọi tài trợ khó, nên tần suất “đề nghị”, “nhờ” anh có dày hơn. Có khi anh buột miệng: “Nhìn chú là anh biết đến xin tiền rồi” nhưng không lần nào Tập đoàn và anh từ chối. Có lần, đang ở nước ngoài, anh vẫn chuyển tiền từ tài khoản cá nhân để báo đi tặng. Nhờ những đơn vị như Tập đoàn TNG và rất rất nhiều các đơn vị khác như Tập đoàn Phúc Sơn, Him Lam, Tập đoàn TH, BIDV, BacA Bank, Tân Hiệp Phát, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, VIDIFI…, báo Tiền Phong mới có nguồn lực để cùng thăm hỏi, động viên các trung tâm thương binh nặng và các cựu TNXP dịp 27/7.

Việc chuẩn bị nhanh chóng, gọn nhẹ. Tờ mờ sáng 14/7, đoàn xuất phát tại Hà Nội, đúng 14 giờ có mặt ở ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Chúng tôi làm lễ, thắp hương cho 10 cựu TNXP huyền thoại. Trong lúc đó, Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Bắc Trung bộ cùng Hội Cựu TNXP, Tỉnh Đoàn tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, tặng quà các cựu TNXP ngay tại hội trường gần đó.

Trời miền Trung nắng nung người nhưng các cựu TNXP vẫn tươi cười. Thường thì, mỗi lần chúng tôi kêu gọi quà tặng, chia ra, mỗi bác nhận khoảng 1 triệu đồng cùng một phần quà gì đó. Lần này, số tiền trao tăng lên 5 triệu đồng/người cùng một túi quà rất nặng, gồm các nhu yếu phẩm (do Văn phòng Tập đoàn TNG âm thầm chuẩn bị thêm).

Bác Lê Văn Liêm, Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh cho hay, đây là khoản hỗ trợ cá nhân lớn hơn bình thường nên lãnh đạo hội đã lựa chọn những trường hợp đặc biệt khó khăn. “Các hội viên đều thấy vinh dự, thấy được quan tâm, chăm sóc…”, bác Liêm xúc động nói.

Buổi lễ diễn ra trong hội trường chật, cũng có khi lập bập nhưng ai cũng hoan hỉ. Các đoàn viên của TNG chạy đi, chạy lại bưng bê, ướt sẫm áo Đoàn. Chúng tôi nán lại nói chuyện với bác Ngôn, cựu TNXP dự chương trình thay cho vợ là cựu TNXP Nguyễn Thị Mậu đang nằm liệt giường một lát rồi phải lên xe theo đoàn vào Đồng Hới, Quảng Bình.

Lễ thiêng và ấm áp

Đoàn nghỉ đêm ở Đồng Hới, sáng sớm lại đi một mạch đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (gọi tắt là Nghĩa trang Đường 9), cách trung tâm thành phố Đông Hà, Quảng Trị 6 km về phía Tây. Đây là nơi yên nghỉ của khoảng 10.800 chiến sỹ, sỹ quan của các đơn vị chủ lực. Mới hơn 7 giờ sáng mà nghĩa trang đã nườm nượp người xe. Nhiều đoàn mặc đồng phục doanh nghiệp, ngân hàng, nhiều nhất là đồng phục quân đội và áo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tháng 7 tri ân - bài 1: Những chuyến hành hương ảnh 2

Anh Bùi Thanh Hà (Đội mũ cối) đang thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ trong chuyến hành hương

Ông Nguyễn Văn Quản, lãnh đạo Ban Quản lý Nghĩa trang đường 9 đón đoàn như người nhà. Ông kéo anh Hà ra chỗ chiếc xe ô tô điện màu xanh. Đây là quà của Tập đoàn TNG tặng nghĩa trang năm ngoái để chở đồ lễ, người già, tàn tật. Chiếc xe còn mới, hoạt động hiệu quả.

Đoàn chúng tôi chưa được làm lễ ngay mà phải đợi đoàn của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vào hành lễ trước. Bộ trưởng Y tế xuất hiện trong bộ quần áo đen giản dị khác hẳn so với thường ngày. Đội nghi lễ vào làm việc. Đàn bồ câu từ đâu bay đến mổ những hạt thóc trước ban thờ chung. Phút mặc niệm diễn ra trong nền bản nhạc Hồn tử sỹ vang rền và xung quanh là anh linh của hơn chục nghìn liệt sỹ. Giây phút đó, thời gian như ngưng lại thiêng liêng. Có lẽ, dù không có một quy định chung nào, nhưng rất nhiều cơ quan, bộ ngành từ trung ương đến địa phương đều hòa vào dòng người hành hương về Trường Sơn để được trải nghiệm những giây phút như thế này.

Rồi chúng tôi cũng được hành lễ chu toàn. Anh Hà chỉ đạo các đoàn viên thanh niên, cán bộ trẻ đi thắp hương cho các phần mộ liệt sỹ rồi ngồi trao đổi thêm các câu chuyện với ông Quản ở Ban Quản lý nghĩa trang. Ông Quản cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày trung bình có hơn 100 đoàn đến viếng, mỗi đoàn khoảng 30 người, đông gấp 10 lần những tháng khác. Hai người ôn lại chuyện năm 2021, anh Hà tổ chức cho đoàn 40 người của Tập đoàn TNG “thông chốt” kiểm dịch COVID-19 vào đây dâng hương, làm lễ theo nghi thức 5K...

Tản bộ trong không khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ của nghĩa trang, tôi gặp những cựu chiến binh già. Một người trong số đó là bác Trần Đình Long, người ở Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An có mái tóc bạc trắng. Cách đây 20 năm, khi được đến Nghĩa trang Đường 9 này lần đầu tiên, cây hương đầu tiên bác cắm xuống mộ các chiến sỹ ở đây là cắm cho bác Thịnh, cùng đại đội chiến đấu với bác Long. Lần này đến đây, nghĩa trang thay đổi nhiều, nhưng bác vẫn mong tìm được bạn, để thắp thêm cho bạn một nén hương.

Chúng tôi lại tiếp tục đến Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn ở huyện Gio Linh, Quảng Trị. Người và xe đông hơn Nghĩa trang Đường 9. Trong đoàn người ở các khu mộ, tôi tình cờ gặp anh Phạm Huy Hoàng, Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất của Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) ở Hà Nội đang sơn cột đèn. Các cột đèn này do Hapulico cung tiến. Lần này, anh Hoàng dẫn đầu đoàn 12 người vào đây lau chùi rêu mốc bám vào bóng đèn, sơn lại cột đèn.

Đi một đoạn nữa, chúng tôi gặp mấy đoàn cựu chiến binh mang theo loa đang hát réo rắt cạnh những ngôi mộ, dưới những tán cây. Có khi họ khóc, có khi họ ôm nhau cười khi nhớ về những kỷ niệm thời chiến.

Ngoài những địa chỉ trên, chúng tôi còn đến nghĩa trang Vạn Ninh, Thọ Lộc và Tân Ấp, cạnh đường Hồ Chí Minh trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Đây là những nghĩa trang quy tập hầu hết là các cựu thanh niên xung phong quanh khu vực nghĩa trang và nước bạn Lào. Mỗi nghĩa trang có từ 300 - 500 liệt sỹ an nghỉ. Với anh Hà bạn tôi, những nghĩa trang này còn mang nhiều kỷ niệm và trách nhiệm. Anh từng công tác ở Công ty 501 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco5), đơn vị được thành lập từ chính Ban 67 - một đơn vị thanh niên xung phong hoạt động tại miền Trung và Lào. Lúc đó, anh tham gia cùng tập thể Cienco5 xây dựng, chỉnh trang, quy tập các liệt sỹ vào các nghĩa trang này. Vậy nên, với anh, về đây như về với các cô, các bác trong nhà.

Nay, làm việc ở Tập đoàn tư nhân như TNG, anh rất vui khi nhiều lãnh đạo Tập đoàn và nhiều cán bộ vẫn tham gia cùng anh đi hành hương. Mỗi lần đi, anh cố gắng sắp xếp cho các cán bộ trẻ, đoàn viên của Tập đoàn đi cùng. Để mai này lớp trẻ sẽ nối gót anh tiếp tục hành trình...(Còn nữa)

Hành hương là khái niệm dùng để chỉ hoạt động về với quê hương của các tôn giáo, chỉ hoạt động đi dâng hương, hành lễ ở các giáo đường. Nhưng ở đây, đoàn người hành hương về với anh linh những người đã cho chúng ta quốc gia độc lập, hòa bình. Đó là hành trình tâm linh, cũng là hành trình tri ân, khơi gợi sự biết ơn với quá khứ, trách nhiệm với hiện tại và tương lai.

MỚI - NÓNG