Thanh niên dân tộc thiểu số cùng các nhà báo trẻ góp tiếng nói thúc đẩy bình đẳng

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số và các nhà báo trẻ trở thành những nhân tố thay đổi, giúp giảm thiểu bất bình đẳng, năm 2023, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) triển khai dự án “Góp tiếng nói - thêm bình đẳng” tại Hà Nội và huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Dự án được thực hiện với sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ và Chương trình gây quỹ “Mùa trăng hy vọng”.

Vân Hồ là huyện vùng cao, nằm ở phía đông nam của tỉnh Sơn La. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc anh em sinh sống, trong đó phần lớn là dân tộc Thái, Mường và Mông. Dự án xuất phát từ bối cảnh vẫn còn tồn tại những định kiến và phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở cả cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng. Trong khi đó, tiếng nói và sự tham gia của thanh thiếu niên trong thúc đẩy bình đẳng giới vẫn chưa thực sự được phát huy để các em có thể trở thành những nhân tố tạo sự thay đổi.

Thanh niên dân tộc thiểu số cùng các nhà báo trẻ góp tiếng nói thúc đẩy bình đẳng ảnh 1

20 phóng viên trẻ và 40 thanh thiếu niên dân tộc thiểu số sẽ là đối tượng hưởng lợi của dự án

Để thực hiện dự án này, VSF đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và các bên liên quan. Ngoài ra, VSF tiếp tục kết nối các phóng viên trẻ từ các cơ quan báo chí với nhóm thanh niên dân tộc thiểu số để đảm bảo tiếng nói và câu chuyện của các bạn trẻ đến được gần hơn với công chúng và các bên liên quan. Trong thời gian qua, VSF cũng đã và đang phát triển mạng lưới phóng viên hoạt động vì bình đẳng giới và môi trường.

Dự án còn được điều hành và cố vấn kỹ thuật bởi ba cựu thành viên của các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Ba cựu thành viên là những chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới, bao gồm: Chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc VSF; Chị Nguyễn Phương Chi, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Quản lý Khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam; và Chị Hoàng Thị Hường - Nhà hoạt động về Giới và Sáng lập Toha Coffee.

Thanh niên dân tộc thiểu số cùng các nhà báo trẻ góp tiếng nói thúc đẩy bình đẳng ảnh 2

Chị Trần Hồng Điệp

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện của hai nước, đây là lý do Đại sứ quán cung cấp những khoản tài trợ cho các dự án mà các cựu sinh thực hiện để đóng góp cho cộng đồng tại Việt Nam.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tự hào được hỗ trợ các cựu sinh hoạt động tích cực trong các chương trình trao đổi của chúng tôi, những người đại diện như một phần quan trọng trong mối quan hệ đang phát triển của Hoa Kỳ và Việt Nam. Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thông qua việc xây dựng năng lực và hợp tác trong lĩnh vực báo chí và truyền thông. Chúng tôi mong được thấy họ tiếp tục đóng góp những hoạt động có ích đối với cuộc sống của những người trẻ tuổi trên khắp Việt Nam” - Bà Kate Bartlett – Tùy Viên Văn Hóa – Đại sứ quán Hoa Kỳ Hà Nội chia sẻ.

Một trong 3 cựu thành viên, chị Trần Hồng Điệp - Phó Giám đốc VSF cho biết: “Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của thanh thiếu niên nói chung, đặc biệt là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và phóng viên trẻ là một giải pháp chiến lược của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong mối liên hệ với các vấn đề bình đẳng khác. Là một cựu thành viên của các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, tôi nhận thấy việc kết nối các nguồn lực trí tuệ từ các cựu thành viên sẽ không chỉ giúp cho sáng kiến “Góp tiếng nói – Thêm bình đẳng” đạt hiệu quả mong đợi, mà còn lan tỏa các giá trị vì cộng đồng”.

Thanh niên dân tộc thiểu số cùng các nhà báo trẻ góp tiếng nói thúc đẩy bình đẳng ảnh 3

Phóng viên tham gia tập huấn ngày 18/2/2023

Tháng 2 vừa qua, VSF đã tổ chức tập huấn cho gần 30 phóng viên trẻ tại Hà Nội về “Kỹ năng kể chuyện” nhằm chia sẻ những kỹ năng, kiến thức và góc nhìn mới mẻ về kể chuyện. Từ đó, giúp các phóng viên thực hiện các phóng sự, tin, bài có chất lượng.

Từ nay đến tháng 6 năm 2023, dự án tổ chức thêm 5 hoạt động bao gồm: (1) Tập huấn bình đẳng giới với thanh niên dân tộc thiểu số tại Vân hồ; (2) Tọa đàm về vai trò của thanh niên trong việc giảm thiểu bất bình đẳng giới và xây dựng mạng lưới đồng hành; (3) Tổ chức chuyến thực địa cho phóng viên tìm kiếm và lan tỏa cách làm và những bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng trong cộng đồng; (4) Cung cấp các Khoản tài trợ nhỏ để tìm kiếm và hỗ trợ các sáng kiến do nhóm thanh niên lãnh đạo với mục tiêu giảm bất bình đẳng giới; (5) Chiến dịch truyền thông trực tuyến “Góp tiếng nói - thêm bình đẳng”.

Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của dự án là 40 thanh niên dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La và 20 phóng viên trẻ đến từ các cơ quan báo chí. Đối tượng hưởng lợi gián tiếp là 200 thanh niên dân tộc thiểu số và đông đảo khán giả của các cơ quan thông tấn báo chí - nơi các phóng viên trẻ đang làm việc.

MỚI - NÓNG