Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 – 31/10/2023):

Thanh xuân gửi lại những cung đường…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 30/12/1968, quả bom đột ngột phát nổ khi kỹ sư Hoàng Kim Giao cùng đồng đội đang cố gắng phá hủy nó. Tiếng nổ vừa dứt, sức công phá khủng khiếp, khói bụi mù mịt. Thân xác anh và đồng đội tan vào đất Mẹ…

“Khắc tinh” của bom từ trường

Chỉ tay về phía khoảng đồi xanh, ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) nói: “Đó là mộ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Giao. Ngôi mộ bên cạnh hố bom, cách khu di tích khoảng 1km. Theo các nhân chứng kể lại, quả bom phát nổ khi anh Giao cùng đồng đội Lương Văn Tín (mới 18 tuổi, quê Thái Bình) đang cố gắng phá một quả bom từ trường, sau khi đã vô hiệu hóa được nhiều quả bom. Tiếng nổ long trời lở đất, xương thịt của hai anh hòa tan vào đất”.

Nửa cuối năm 1968, không quân Mỹ đánh phá ác liệt khu IV - nơi có vị trí hết sức quan trọng trong việc trung chuyển đạn dược, vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Trước yêu cầu của cuộc chiến, ngày 29/9, Viện Kỹ thuật quân sự cử một đoàn công tác do Thiếu úy, kỹ sư Hoàng Kim Giao (SN 1941, quê Hải Phòng) làm trưởng đoàn vào nghiên cứu cách phá bom từ trường, đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch này.

Thanh xuân gửi lại những cung đường… ảnh 1

Ngôi mộ của liệt sĩ Hoàng Kim Giao và liệt sĩ Lương Văn Tín

Cuối năm 1968, đoàn công tác của Viện kỹ thuật quân sự rời Khu 4, quay trở lại Hà Nội sau khi thu thập được nhiều khí tài để phục vụ nghiên cứu. Ngày 29/12/1968, trên đường hành quân ngược ra Bắc, về đến xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, Nghệ An), đoàn công tác được nhờ giúp phá quả bom MK36, chứa 300 kg thuốc nổ đang án ngữ tại khu vực khe Diêm, cạnh tuyến đường 15A. Sáng 30/12, quả bom đột ngột phát nổ khi kỹ sư Hoàng Kim Giao và chiến sỹ lái xe Lương Văn Tín đang cố gắng phá hủy nó. Ngôi mộ chung của hai người lính quả cảm được lập ngay bên cạnh hố bom. Chính giữa mộ phần là dòng chữ tạc vào đá: “Thân xác anh đã tan vào đất Mẹ/ Tâm hồn anh còn mãi với quê hương”.

Những cánh thư gửi từ tuyến lửa

Trong không gian trưng bày những hình ảnh, kỷ vật của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn có gần 100 bức thư anh gửi cho người thân. Mỗi lá thư đều chất chứa những xúc cảm riêng, vừa tái hiện cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương, vừa bày tỏ quan niệm sống với những hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ. “Khi biết gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Giao có nguyện vọng tặng những bức thư anh gửi về, tôi đã liên hệ và trực tiếp ra Hải Phòng để thuyết phục tặng lại Khu di tích và được gia đình đồng ý. Mặc dù liệt sĩ Hoàng Kim Giao có thời gian rất ngắn thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường 15A nhưng thân thể anh, linh hồn anh đã hòa tan trên mảnh đất này. Đối với Ban Quản lý Khu di tích, những lá thư và hiện vật của liệt sĩ Hoàng Kim Giao thực sự là báu vật”, ông Phan Trọng Lộc chia sẻ.

Liệt sĩ Hoàng Kim Giao sinh ngày 25/12/1941 tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Anh là một cán bộ khoa học trẻ có 2 bằng đại học, thông thạo 4 ngoại ngữ, công tác tại Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Tháng 9/1968, thay vì đi học tại Liên Xô, thiếu uý Hoàng Kim Giao đã xung phong nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn công tác vào tuyến lửa Khu 4 để huấn luyện và trực tiếp phá dỡ bom.

Dứt lời, ông Lộc lấy cho chúng tôi xem những bức thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Những bức thư dày đặc chữ, sau hơn 50 năm nhuốm màu thời gian, nhiều nét đã nhòe mờ. Trong thư thấm đẫm tình thương mến gửi em gái, bố mẹ ở quê nhà và tình cảm nồng nàn với người vợ trẻ. Chàng trai Hoàng Kim Giao có một mối tình đẹp với cô hàng xóm Nguyễn Thị Lan. Tình yêu ấy đơm hoa bằng một đám cưới giản dị nhưng chứa chan hạnh phúc. Cưới nhau được một thời gian ngắn, anh từ biệt vợ để ra chiến trận. Những cánh thư đã nối dài tình yêu của họ, hòa trong tình yêu đất nước. “Lan ơi! Trước kia anh đã nói với em và đến bây giờ anh vẫn nhắc lại lần nữa những điều mà trước kia ta đã hứa hẹn với nhau trong buổi đầu gặp gỡ. Anh quan niệm hạnh phúc của chúng ta sẽ to lớn, vững chắc nhất khi chúng ta đóng góp được nhiều nhất sức lực cho cách mạng. Hạnh phúc lớn lao đó sẽ bảo đảm hạnh phúc riêng tư của chúng ta…”.

Thanh xuân gửi lại những cung đường… ảnh 2

Ông Phan Trọng Lộc – Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn lần giở những cánh thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao

Thanh xuân gửi lại những cung đường… ảnh 3

Những cánh thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao

Trong bức thư đề ngày 14/9/1967, anh Hoàng Kim Giao viết: “... Ngày đêm mong tin em, càng xa em càng thấy nhớ thương em. Anh tin rằng dù xa nhau rất lâu chúng ta cũng không để mất mát gì. Ngược lại, tình cảm yêu thương của chúng ta sẽ lớn lên theo ngày tháng và ngày sum họp với tình yêu đã được ngày tháng tôi luyện. Chúng ta sẽ bù đắp lại được tất cả, phải không em? Anh nghĩ nhiều đến ngày sum họp, những đêm khuya anh chợt rùng mình thấy ớn lạnh sống lưng. Khi đó, ý nghĩ duy nhất để sưởi nóng trái tim anh là tình yêu quê hương, gia đình và em... Đừng buồn và đừng khóc em nhé. Lúc nào anh cũng ở bên em. Yêu thương em nhiều, rất nhớ em. Hẹn em ngày trở về!”.

Công trình “Nghiên cứu chống phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông những năm 1967-1972” của kỹ sư Hoàng Kim Giao và đồng đội được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1, năm 1996.

Bức thư đề ngày 10/11/1968 được xem là lá thư cuối cùng Thiếu úy Hoàng Kim Giao viết trước khi hi sinh, anh cho biết đang ở Khu IV - nơi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang diễn ra hết sức ác liệt. “Ở đây có những quãng chỉ 2km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom! Ở đây có những đội thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu từng ấy bom đạn và trong đội ngũ kiên cường đó những chiến sĩ phá bom là những người được yêu quý nhất. Có những lúc chúng con phải phá bom trên sông, trước mặt bao cảnh thương vong. Có những lúc chúng con phải phá bom mở đường ở các trọng điểm đánh phá trên bộ, dưới làn bom đạn dày đặc của máy bay giặc Mỹ”.

Trong một khoảnh khắc nào đó, dường như người lính đã dự cảm được cái chết: “... Như mọi người, con cũng nghĩ tới chuyện sống chết. Con nghĩ nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi… Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình và con nghĩ ước mơ ngày về gặp mặt cậu mợ (bố mẹ) và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình, ngày ấy nhất định sẽ tới. Con mong cậu mợ được khỏe mạnh, đừng lo lắng nhiều cho con. Con sẽ về, chỉ sớm hay muộn mà thôi”.

Và như biết bao người lính khác, người lính trẻ Hoàng Kim Giao đã không trở về. Anh đã ngã xuống cho giấc mơ hòa bình, độc lập, thống nhất non sông.

MỚI - NÓNG