Vừa qua, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Quỹ Hy vọng và các đơn vị tổ chức Lễ ra quân chương trình “Trường em thay áo mới". Đây là hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2022.
Lễ ra quân chương trình “Trường em thay áo mới". |
Theo anh Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong công tác chăm, lo, bồi dưỡng thanh thiếu niên nhi đồng, đặc biệt là với những em thiếu nhi tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. “Nhiều chương trình đã mang đến niềm vui, sự thay đổi tích cực cho hàng triệu học sinh tại những địa bàn khó khăn, bồi đắp tình yêu đất nước, lí tưởng sống cho các em học sinh như:
Chương trình “Nối vòng tay thương”, “Nhà hạnh phúc cho em”, “Trường đẹp cho em”…, các sân chơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, dạy kĩ năng mềm cho các em mang lại hiệu quả thiết thực”, anh Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.
“Trường em thay áo mới” là một chương trình đầy ý nghĩa, thiết thực, giúp các em có một môi trường học tập tốt nhất để sau này đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước”, anh Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Ngay sau chương trình, hơn 300 đoàn viên, thanh niên tình nguyện sẽ bắt tay vào dọn dẹp, cạo sủi, chà sát mặt tường để trả mặt bằng sạch cho các đội thi công triển khai sơn sửa. |
Chương trình “Trường em thay áo mới” là chương trình cộng đồng cùng sự chung tay, đồng hành của toàn xã hội, xuất phát từ những ước mơ, nhu cầu thực tiễn của các thầy, cô giáo, học sinh các địa bàn khó khăn.
Trong lần xuất quân đầu tiên này, chương trình hướng đến sơn sửa cho 35 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai tại các trường học xuống cấp, với phòng học, phòng chức năng có các mảng tường bị ẩm mốc, bong tróc, làm mất mỹ quan sư phạm, ảnh hưởng không tốt đến vệ sinh và an toàn của học sinh.
Bên cạnh các đội thi công chuyên môn, chương trình còn có sự tham gia của 23 đội hình thanh niên tình nguyện với hơn 300 tình nguyện viên gồm đoàn viên, thanh niên các xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy và các thầy cô giáo tại các điểm trường.
Ngay sau chương trình, hơn 300 đoàn viên, thanh niên tình nguyện sẽ bắt tay vào dọn dẹp, cạo sủi, chà sát mặt tường để trả mặt bằng sạch cho các đội thi công triển khai sơn sửa. Bên cạnh đó, các đội tình nguyện sẽ hỗ trợ trong suốt quá trình thi công để đảm bảo tiến độ đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Vững - Trưởng phòng GD - ĐT huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết: Toàn huyện có 85 đơn vị trường học. Trận lũ lịch sử năm 2020 khiến 70% trong số đó bị ngập, ảnh hưởng cơ sở vật chất, tiến độ chương trình. "Sau mỗi trận lũ, tường ẩm, trang trí không đẹp, khiến môi trường, cảnh quan sư phạm xấu đi", thầy Vững nói. Hai năm sau trận lũ lịch sử đó, nhiều ngôi trường vẫn còn thương tích. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 320 phòng học cần sơn sửa. Với nguồn thu ngân sách toàn huyện 380 tỷ đồng năm ngoái, "việc dành kinh phí sơn sửa lại các trường học với chúng tôi là khá khó khăn".