Tăng mạnh
Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm, Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hằng năm. Hiện nay, có khoảng 500.000 lao động đang làm việc trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Mỗi năm, người lao động gửi về cho gia đình khoảng 2 tỷ đôla.
Trong 5 năm trở lại đây, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh. Thị trường lao động ngoài nước được phát triển, mở rộng. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu từng bước được nâng lên. Đến nay, số lượng lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã đạt trên 50%. Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh. Những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc rất thích tuyển chọn lao động Việt Nam, với phẩm chất khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít lao động Việt có trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật chưa tốt. Thực tế này là do tình trạng một số doanh nghiệp tuyển lao động không đáp ứng điều kiện về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, không trực tiếp tổ chức đào tạo, tuyển chọn lao động, không biên soạn tài liệu, không trực tiếp kiểm soát cán bộ, giáo viên giảng dạy mà phó mặc cho các cơ sở đào tạo nên chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ phổ biến một cách chung chung về các nội dung bồi dưỡng kiến thức cần thiết hoặc phổ biến không đúng sự thật, thậm chí không phổ biến các nội dung mang tính chất nhạy cảm trong nội dung hợp đồng, đặc biệt là phần chi phí trước khi đi, các mức khấu trừ và tính chất phức tạp của công việc người lao động phải làm ở nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp; vi phạm pháp luật trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
ThS Đoàn Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế, trường ĐH Văn Hiến cho rằng, việc xuất khẩu lao động của nước ta thời gian qua còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỷ luật của người lao động còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Nguyên nhân do lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc chủ yếu xuất thân từ vùng nông thôn, chưa qua đào tạo kỹ năng nghề chính quy, tác phong chậm chạp, thiếu kỹ năng làm việc trong môi trường lao động công nghiệp. Phần lớn chỉ làm những nghề phổ thông hoặc công nhân với trình độ chuyên môn thấp, mức thu nhập thấp. Đối với lượng lao động là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, bà Thảo cho rằng, khả năng hòa nhập sau tốt nghiệp của các bạn trong môi trường lao động mới chưa cao, do sinh viên ít được đào tạo trong trường tác phong công nghiệp. Nhiều sinh viên đã không được định hướng tốt trong việc chọn trường, chọn ngành nghề, chưa ý thức trang bị ngoại ngữ trước khi bước vào thị trường lao động quốc tế. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo ở nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Bà Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động, Bộ LĐ – TB – XH cho biết, hiện nay, có 4 thị trường lao động rất tiềm năng là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Nhật Bản tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như 5 năm trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ có 5.000 lao động sang Nhật thì nay tăng rất cao, dù Nhật Bản là thị trường cực kỳ khó tính nhưng chúng ta vẫn đáp ứng được. Với những thị trường khác như Đức, Tây Ban Nha, Úc... ngoài kỹ năng nghề nghiệp cao thì người lao động còn phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ.
Phải thay đổi
ThS Nguyễn Duy Cường, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Văn Hiến đặt vấn đề, đào tạo như thế nào để sinh viên ra trường có thể đi xuất khẩu lao động được? Đó là, hãy đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo yêu cầu của thị trường, hay đào tào theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Vì họ chính là đối tượng sử dụng “sản phẩm” do chúng ta tạo ra. Khi xây dựng chương trình đào tạo, cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, từ đó mới xác định dạy gì, kiến thức, thực hành ra sao.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho biết, các chương trình đào tạo kỹ năng mềm rất được nhà trường quan tâm, chương trình giáo dục định hướng việc làm tại trường được xây dựng theo chu trình Learn - Built - Measure để có thể nhanh chóng cập nhật phù hợp với thực tế dựa trên một mục tiêu cuối củng là hình thành kỹ năng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, được đưa vào tổ chức cho sinh viên hệ cao đẳng từ học kỳ I, năm học 2018 - 2019. Chương trình được tổ chức từng học kỳ trong suốt thời gian học tập của sinh viên, theo chương trình đào tạo và được quy đổi thành thành 5 tín chỉ đối với sinh viên hệ cao đẳng. Trong mỗi học kỳ, chương trình gồm 3 phần chính: Đào tạo kỹ năng, huấn luyện kỹ năng qua các hoạt động, trải nghiệm tại doanh nghiệp và tham gia các hoạt động của các câu lạc bộ, tham gia các hoạt động công tác xã hội theo quy định bắt buộc của trường. Sau mỗi học kỳ, các bạn được đánh giá thông qua bài kiểm tra nhận thức, sự tích cực tham gia hoạt động và nhận xét từ chuyên gia cố vấn kỹ năng. Riêng học kỳ cuối cùng, các bạn được đánh giá qua chương trình phỏng vấn từ doanh nghiệp.
Theo bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco), có những ngành, công ty tự đào tạo nghề, kỹ thuật, mua máy móc về dạy cho học viên. Những năm qua, Nhật Bản hạ chỉ tiêu tử đại học xuống cao đẳng khi chọn kỹ sư, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động. Công ty còn liên kết các trường, các bạn có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn vay để có cơ hội làm việc tại Nhật Bản. Ngoài ra, công ty còn đào tạo, hỗ trợ các bạn xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, công việc này rất dễ nhưng phải có nghị lực, thu nhập tới 40 triệu đồng, chưa kể nhiều quyền lợi khác, như kết hôn với người bản xứ, được đưa gia đình sang thăm...
Bà Cúc cho rằng, thị trường Nhật Bản có nhiều cơ hội cũng như tiềm năng, được nhiều người lao động chọn lựa khi đi xuất khẩu. Lý do là Nhật Bản tôn trọng người lao động, giúp nâng cao tay nghề và nhận thức hơn cho người lao động. Nhiều bạn sau khi về nước đã mở cơ sở kinh doanh theo mô hình học hỏi từ người Nhật. Trở về là không sợ thất nghiệp, các bạn giỏi tiếng Nhật có thể chọn công việc tại Nhật Bản hay trong nước, nếu có chuyên môn thì làm ở Nhật, còn các bạn nữ thì làm giáo viên cho các trường, làm công phiên dịch... Hiện nay, Nhật Bản tài trợ 70% vốn ODA cho Việt Nam, lương các bạn khi về Việt Nam xin việc sẽ cao hơn trong nước 30%. Đào tạo của Nhật Bản rất an tâm, họ không bao giờ lợi dụng hay trễ lương, mỗi người có một phòng sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, liên lạc gia đình mỗi ngày, các chế độ phúc lợi rất tốt, khi trở về rất chín chắn, trau dồi tương lai rất tốt.
Ông Đào Văn Tiến,Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ – TB – XH cho rằng, các bạn học sinh, sinh viên rất cần thông tin về xuất khẩu lao động. Các doanh nghiệp rất muốn chia sẻ thông tin, các trường cũng muốn có thông tin chia sẻ cho các bạn ngay từ đầu khóa học. Từ đó, doanh nghiệp có lao động gửi đi, nhà trường có cơ hội đào tạo sinh viên, sinh viên hiểu rõ hơn về ngành học, nghề học, có cơ hội học tập. Thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiêp cùng với các cơ quan liên quan đã triển khai một chuỗi các hoạt động nhằm mục đích gắn kết các trường đào tạo và doanh nghiệp. Mô hình gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, gắn tuyển sinh với định hướng đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng hợp tác đào tạo. Trong đó, nêu cụ thể trách nhiệm của nhà trường, của doanh nghiệp sẽ được xem là một giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Thực trạng cho thấy, hiện tại, có một số địa phương rất chủ động, quan tâm đến các vấn đề xuất khẩu lao động cho lao động địa phương mình. Từ 40 - 50 năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc đều gửi lao động đi xuất khẩu lao động ở các nước khác. Từ đó, mang về cho đất nước họ những tiến bộ kỹ thuật mới, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Do đó, cùng với giải quyết việc làm trong nước, giải quyết việc làm ngoài nước cho lao động cũng là một chiến lược phát triển kinh tế của nước ta.