Thầy giáo áo xanh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp hè này, nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương tình nguyện làm “thầy giáo làng” để bổ sung kiến thức cho thiếu nhi ở làng Chăm (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). “Thầy giáo áo xanh” là tên gọi của người dân nơi đây yêu quý đặt cho các ĐVTN.

Xây dựng niềm tin

Những ngày hè, làng Chăm (hay còn gọi là làng di cư) trở nên rộn ràng bởi tiếng đánh vần của các em nhỏ từ lớp học dạy tiếng Việt cho con em người đồng bào nơi đây. Những thầy cô giáo đứng lớp là các cán bộ Đoàn đang công tác tại các đơn vị thuộc Tỉnh Đoàn Bình Dương.

Người dân ở làng Chăm sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng, hầu hết em nhỏ phải theo phụ giúp bố mẹ. Do đó, việc học hành của các em gặp nhiều khó khăn.

Thầy giáo áo xanh ảnh 1

Trẻ em làng Chăm tham gia lớp học

Là thành viên trong nhóm tình nguyện hỗ trợ kiến thức cho thiếu nhi dịp hè tại làng Chăm, anh Nguyễn Minh Tâm - Bí thư Thành Đoàn Thủ Dầu Một cho biết, do đặc thù về văn hóa nên trẻ em nơi đây được bố trí trường học riêng ở cấp tiểu học, được dạy hai ngôn ngữ cả tiếng Chăm và tiếng Việt. Đối với tiếng Việt, các em được thầy, cô giáo dạy theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT.

“Trong dịp hè, để hỗ trợ kiến thức cho các em, việc dạy thêm tiếng Chăm sẽ do cán bộ, đoàn viên người Chăm phụ trách, còn với tiếng Việt, các tình nguyện viên thay phiên nhau dạy học. Ngoài ra, tại làng Chăm chúng tôi còn vận động các nguồn tài trợ để sửa chữa lại trường lớp trước khi các em vào năm học mới” - anh Tâm cho biết.

“Trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2023, Tỉnh Đoàn đã thành lập nhiều đội hình tham gia hỗ trợ người dân. Tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, cán bộ Đoàn được phân công dạy học cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới”.

Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương Trần Thị Diễm Trinh

Theo Bí thư Huyện Đoàn Dầu Tiếng Nguyễn Đình Huấn, các tình nguyện viên phải cùng ăn, cùng ở trong một khoảng thời gian nhất định với người dân để xây dựng niềm tin. “Cán bộ Đoàn phải giải thích cho đồng bào hiểu rằng, học tập chính là con đường giúp con em của họ có một tương lai tươi sáng”, anh Huấn nói.

Đổi thay từ làng di cư

Theo ông Kho Sanh, Phó Giáo cả Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Minh Hòa (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), đồng bào Chăm sống tập trung ở ấp Hòa Lộc, xuất hiện ở mảnh đất này từ năm 1984, ban đầu chỉ có 12 hộ. Đến năm 1992, một số gia đình người Chăm ở Châu Đốc (An Giang) ngược dòng sông Sài Gòn đi tìm vùng đất mới, dùng ghe làm nhà để sống trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Khoảng 6 năm trở lại đây, chính quyền huyện Dầu Tiếng liên tục tổ chức các đoàn đến vận động người dân làng bè lên bờ. Sau khi được vận động, các hộ dân đã lên vùng đất bán ngập của lòng hồ, xây nhà ở tại khu vực được địa phương bố trí. Hiện làng Chăm có khoảng 120 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu.

“Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đến nay đời sống đồng bào dân tộc Chăm đã dần ổn định. 100% hộ dân đều có điện sử dụng, có nước sạch để dùng. Đường vào trung tâm làng được nâng cấp, mở rộng. Con em đến tuổi đi học đều được đến trường. Đời sống bà con làng Chăm đã đổi thay đáng kể. Khoảng 50% số hộ có mức sống khá, còn lại là trung bình, không còn hộ nghèo”- ông Kho Sanh cho biết.

Làng Chăm nay có cơ sở hạ tầng khang trang, những vườn cao su xanh ngút, ánh đèn đường sáng rực khắp làng khi đêm xuống. Làng Chăm càng trở nên đẹp khi được ĐVTN làm “Tuyến đường hoa”. Sự “thay da, đổi thịt” của làng Chăm có đóng góp một phần không nhỏ của các bạn trẻ.

Anh Sa Liêm - tình nguyện viên tham gia Tổ Xung kích phòng chống tội phạm làng Chăm cho biết, người dân có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em ở làng Chăm luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đặc biệt là tổ chức Đoàn. “Người dân nơi đây yêu mến gọi cán bộ Đoàn là “thầy giáo áo xanh”. Các bạn đoàn viên, thanh niên đến đây luôn để lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân làng Chăm” - anh Liêm nói.

MỚI - NÓNG