Thầy giáo nông dân của sinh viên Bách khoa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TS. Nguyễn Ngọc Kiên và các sinh viên của mình giành giải tại cuộc thi sáng tạo trẻ Bách khoa 2020
TS. Nguyễn Ngọc Kiên và các sinh viên của mình giành giải tại cuộc thi sáng tạo trẻ Bách khoa 2020
TPO - Sinh viên hay gọi thầy là “thầy giáo mang phong cách nông dân”; các giảng viên thì gọi “ông bầu mát tay” vì học trò của thầy năm nào cũng thắng lớn cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa. 

Đó là TS. Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Trưởng bộ môn Công nghệ Chế tạo máy, Viện Cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên, trong tuổi thơ của mình, TS. Nguyễn Ngọc Kiên vẫn nhớ hình ảnh ngày học nửa buổi, buổi còn lại đi cấy lúa giúp bố mẹ đến nhăn nheo cả tay. Chính vì vậy, ngày đó, anh đã có quyết tâm học để thoát ly, và học gì để giúp cho người nông dân đỡ vất vả. Thi đỗ trường ĐH Bách khoa Hà Nội, anh Kiên đam mê máy móc cơ khí từ đó.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, TS. Nguyễn Ngọc Kiên cho biết vào học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, được gặp thầy Nguyễn Văn Phúc là bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh.

Thầy Nguyễn Văn Phúc rất giỏi, thầy coi anh như con, cho anh đi các nhà máy, dìu dắt anh từ hồi anh mới vào trường. Tình cảm, sự tận tâm của thầy Phúc với sinh viên đã truyền cảm hứng cho anh Kiên làm nghề giáo; truyền cho anh đam mê cơ khí, chế tạo. Một ngày không nhìn thấy máy móc là anh cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm. Cứ được “lượn” qua Lab, nhìn thấy máy móc là thích, là sướng!

Sinh viên Bách khoa Hà Nội đa phần từ nông thôn. Anh Kiên thường dặn các sinh viên đi từ thực tế đời thường nếu có ý tưởng gì hỗ trợ được người nông dân tăng sản lượng sản xuất, giảm lao động tay chân thì thầy trò cùng nghiên cứu.

Thế nên các sản phẩm làm ra đều mang đậm tính vùng miền như máy tơ sen, sản phẩm phục vụ quê lụa Hà Tây, máy làm bánh giò cổ truyền Hải Dương, máy đan giỏ là ý tưởng tận dụng cây sả sau khi làm tinh dầu ở Hòa Bình…

Anh Kiên cho rằng quan trọng nhất là tư duy, rồi định hướng, sau đó ứng dụng nghiên cứu. Năm 2009, anh Kiên lập ra nhóm nghiên cứu Cim Lab, hướng dẫn sinh viên từ lúc hình thành ý tưởng đến khi cho ra sản phẩm hoàn thiện.

Thầy trò ở Cimlab như một gia đình, ở bên nhau ít thì 2-3 năm, nhiều thì 5 năm. Truyền thống Cim Lab là nâng đỡ, gồng gánh nhau. Mỗi khóa cố gắng được 1 – 2 doanh nghiệp, đến nay đã có 17 doanh nghiệp.

Cho đi để nhận lại

Những năm do kinh phí khó khăn, có khóa anh Kiên ứng nửa năm lương cho sinh viên mua thiết bị chế tạo máy móc, làm ra sản phẩm hoàn thiện để thuyết phục doanh nghiệp tin tưởng đầu tư.

Từ đó, anh Kiên nảy sinh ý tưởng triển khai Quỹ phát triển Cim Lab, rồi ngày doanh nhân Cim Lab để kết nối các thế hệ sinh viên, kết nối sinh viên – doanh nghiệp.

Ý tưởng này được sinh viên rất ủng hộ, đặc biệt là những sinh viên đã tốt nghiệp. Quỹ cũng hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Các sản phẩm nghiên cứu có quỹ hỗ trợ sẽ được hoàn thiện nhanh hơn, có điều kiện ra mắt thị trường, doanh nghiệp.

Đợt dịch COVID-19 năm 2020, cảm động hình ảnh các anh bộ đội biên phòng, bác sĩ ở bệnh viện xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, anh Kiên và nhóm sinh viên K63 nghiên cứu làm máy sát khuẩn tay tự động, tặng một số bệnh viện, trường học. Nơi nào đặt nhiều, thầy trò không có tiền làm tặng thì sẽ lấy đúng giá sản phẩm.

Có doanh nghiệp đề nghị phối hợp để thương mại hóa sản phẩm nhưng anh Kiên không đồng ý. “Thầy trò Bách khoa không giàu tiền, nhưng giàu trí tuệ nên làm sản phẩm tặng cho xã hội.” – Anh Kiên chia sẻ.

Luôn tâm niệm “mình đã nhận mãi rồi, giờ phải cho đi, TS. Nguyễn Ngọc Kiên thấy rất hạnh phúc với nghề “trồng người” ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, để hàng ngày dìu dắt học trò, cố gắng “cứu” những cậu sinh viên đang mấp mé báo động đỏ.

Gia tài thời sinh viên có cái hòm tôn bố anh cho trong đựng sách với ít quần áo, theo anh đến tận năm 2016, sau anh tặng cho một học trò K56. Cậu học trò này cũng dùng hòm tôn đến khi học xong tiến sĩ, rồi lại tặng lại sinh viên lứa sau. Cứ truyền nhau như thế, sinh viên gọi đó là hòm tiến sĩ.

MỚI - NÓNG