Thầy hiệu trưởng ở Hà Nội chi tiền tỉ đào tạo giáo viên cho huyện Mèo Vạc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie chi từ 6 - 12 tỉ đồng để đào tạo giáo viên Tiếng Anh, giải bài toán thiếu giáo viên ngoại ngữ cho huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Trường Marie Curie (Hà Nội) và UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã ký biên bản cam kết về việc thực hiện Dự án đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc.

Trước mắt, có 9 sinh viên đang theo học tại ngành ngôn ngữ tiếng Anh, sư phạm tiếng Anh tại Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Học viện Hành chính quốc gia nhận học bổng. Đối tượng được nhận học bổng là học sinh sinh ra và lớn lên tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong 2 năm 2024, 2025, dự án tiếp tục với số sinh viên được tuyển sinh mới.

Thầy hiệu trưởng ở Hà Nội chi tiền tỉ đào tạo giáo viên cho huyện Mèo Vạc ảnh 1

Trường Marie Curie (Hà Nội) và UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã ký biên bản cam kết về việc thực hiện Dự án đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc.

Theo bản cam kết, các em sẽ được Trường Marie Curie cấp học bổng trong quá trình theo học tại các trường ĐH với mức thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng; 6 triệu đồng/tháng đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Trung bình trong mỗi kỳ học; 7 triệu đồng/tháng đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Khá trong mỗi kỳ học; 8 triệu đồng/tháng đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Giỏi trong mỗi kỳ học. Và cao nhất là 10 triệu đồng/tháng đối với những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại Xuất sắc trong mỗi kỳ học. Số tiền trên nhằm hỗ trợ sinh viên trang trải chi phí ăn, học.

Về phía sinh viên, các em phải cam kết tham gia đào tạo, rèn luyện có chất lượng đảm bảo đạt chuẩn trình độ đáp ứng được vị trí việc làm sau đào tạo (giáo viên dạy tiếng Anh). Trong thời gian đào tạo phấn đấu rèn luyện tốt, không được nợ môn, không được quá thời gian quy định của cơ sở đào tạo (4 năm). Sau khi tốt nghiệp, sinh viên cam kết trở về làm việc tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang theo sự phân công, bố trí của UBND huyện.

Thầy hiệu trưởng ở Hà Nội chi tiền tỉ đào tạo giáo viên cho huyện Mèo Vạc ảnh 2

Sinh viên đăng ký tham gia dự án sẽ trở về dạy học tại huyện Mèo Vạc.

Gỡ thế khó lâu dài

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ, năm 2022-2023, thực hiện chương trình GDPT mới, Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc đối với học sinh lớp 3 bậc tiểu học. Thế nhưng, khi đó, toàn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chỉ có duy nhất 1 giáo viên dạy bộ môn. Ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc đã “cầu cứu” thầy Khang nghĩ cách.

Sau nhiều đêm trăn trở, thầy Khang quyết định tuyển dụng 22 giáo viên dạy Tiếng Anh trực tuyến cho 76 lớp 3 với hơn 2.000 học sinh của địa phương. Khắc phục những khó khăn ban đầu đó là thầy trò chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình nhưng năm học 2022-2023 học sinh vẫn hoàn thành chương trình, đạt kết quả tốt được Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT ghi nhận. Đặc biệt, có 4 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn tại Hà Giang và được khen thưởng.

Đến năm 2023-2024, Trường Marie Curie tiếp tục đảm nhận việc dạy tiếng Anh cho lứa học sinh lớp 3 lên lớp 4 năm nay và dự kiến sẽ theo các em đến hết lớp 5. Từ dự án dạy học tiếng Anh trực tuyến của nhà trường được lan toả, năm học này Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã cử 16 giáo viên và một tổ chức Tiếng Anh ở TP Hồ Chí Minh cũng cử giáo viên đảm nhận dạy tiếng Anh trực tuyến cho 48 lớp 3 cho huyện Mèo Vạc.

Thầy hiệu trưởng ở Hà Nội chi tiền tỉ đào tạo giáo viên cho huyện Mèo Vạc ảnh 3

Năm đầu tiên, có 9 sinh viên được cấp học bổng, số còn lại sẽ thực hiện trong năm 2024, 2025.

Tuy nhiên, thầy Khang trăn trở, dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh vùng cao chỉ là giải pháp tạm thời. Nhà trường không xác định được sẽ dạy trực tuyến cho học sinh vùng cao trong thời gian bao lâu. Làm thế nào để có đội ngũ nhà giáo tại chỗ, đảm đương nhiệm vụ đứng lớp đủ cho các khối lớp mới là giải pháp căn cơ.

“Tôi đề xuất với lãnh đạo huyện Mèo Vạc thực hiện dự án đào tạo giáo viên Ngoại ngữ theo hình thức cử tuyển và xã hội hoá. Theo đó, UBND huyện sẽ cử học sinh đi học và trường Marie Curie sẽ cấp học bổng tài trợ cho các em ăn học với mức kinh phí dự kiến từ 6-12 tỉ đồng. Sau này, các lứa sinh viên tốt nghiệp sẽ quay trở về dạy học tại huyện Mèo Vạc. Ý tưởng lập tức được lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc ủng hộ”, thầy Khang nói.

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện chương trình GDPT mới, địa phương thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng. Thời gian qua, đơn vị đã 2 lần tổ chức tuyển dụng nhưng do thiếu nguồn tuyển nên đến nay dù rất nỗ lực chỉ có 3 giáo viên dạy Tiếng Anh bậc tiểu học; 24 giáo viên bậc THCS.

Theo tính toán, thời gian tới cần phải bổ sung 30 giáo viên bộ môn mới đáp ứng nhu cầu dạy học. “Do đó, dự án thu hút, tài trợ học bổng cho con em sinh ra và lớn lên tại huyện Mèo Vạc đi học chuyên ngành tiếng Anh rồi quay về quê phục vụ cho địa phương như ý tưởng của thầy Nguyễn Xuân Khang sẽ giúp Mèo Vạc sẽ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên về lâu dài”, ông Cường nói.

Vàng Thị Lía, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên chia sẻ, em rất xúc động khi nhận được thông tin được Trường Marie cấp học bổng để ăn, học. Lía là người dân tộc Mông, nhà ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc. Đi học xa nhà, mỗi tháng mẹ Lía vay mượn nhiều nơi chỉ gửi cho con được tháng chừng 500.000 đồng, có tháng còn ít hơn. Cuộc sống nơi TP chi tiêu đắt đỏ, để trang trải em phải đi làm thêm, ăn dè để theo đuổi ước mơ học tập. “Trước đó em đã có dự định sẽ quay về địa phương công tác, sau khi gia nhập dự án càng phải nỗ lực, quyết tâm lấy được tấm bằng tốt nghiệp loại tốt để trở về làm cô giáo dạy học ở quê hương Mèo Vạc”, Lía nói.

Chứng kiến lễ ký kết, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang nói rằng, dự án đưa giáo viên dạy Tiếng Anh trực tuyến và đào tạo giáo viên cho huyện Mèo Vạc đã giải bài toán khó khăn trước mắt lẫn lâu dài cho Hà Giang trong thời điểm khởi đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Nhờ mô hình dạy tiếng Anh trực tuyến của trường Marie, hiện nay một số địa phương đã chủ động giúp đỡ địa bàn khó khăn nhất của Hà Giang thực hiện dạy môn học bắt buộc. Trong thời gian tới, mô hình đưa học sinh đi đào tạo rồi quay trở về địa phương dạy học sẽ được chính quyền và ngành GD&ĐT Hà Giang áp dụng, nhân rộng", ông Bình nói.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đánh giá dự án có ý nghĩa nhân văn, lan toả tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong việc từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo ông Tuấn, thực tế, ngoài trường Marie curie, năm học 2023-2024 giáo viên các trường ở Hà Nội cũng đã cử giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho các trường vùng khó. Hi vọng trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng đến các trường học khác trên địa bàn TP Hà Nội, lan toả đến các địa phương khác cùng chung tay, góp sức tháo gỡ khó khăn cho các trường học vùng khó khăn trong bối cảnh hiện chương trình GDPT mới.

MỚI - NÓNG