THẾ GIỚI 24H: Bát cà ri khiến quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh một bát cà ri đang “châm ngòi” cho cuộc tranh cãi về lãnh thổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Guardian.
Hình ảnh một bát cà ri đang “châm ngòi” cho cuộc tranh cãi về lãnh thổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Guardian.
TPO - Hình ảnh một bát cà ri đang “châm ngòi” cho cuộc tranh cãi về lãnh thổ trên biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dư luận Hàn Quốc phẫn nộ sau khi một trang tin trực tuyến đăng tải hình ảnh bát cà ri hải sản của Nhật Bản có hình dạng giống quần đảo Takeshima, nơi được Hàn Quốc gọi là quần đảo Dokko. Món ăn được trang trí với lá cờ Nhật Bản, có phần sốt cà ri là “biển” còn phần cơm được tạo hình giống quần đảo đang bị tranh chấp. Món ăn này được phục vụ trong một nhà hàng ở vùng Okinoshima thuộc tỉnh Shimane của Nhật Bản. Quần đảo Dokko/Takeshima nằm chính giữa vùng biển của hai nước, hiện được phía Hàn Quốc quản lý song Nhật Bản cũng tuyên bố thuộc chủ quyền lãnh thổ. Trang web Uriminzokkiri của Hàn Quốc bình luận món cà ri đã phản ánh tham vọng “xâm chiếm” quần đảo của Nhật Bản. Nhiều tờ báo khác ở Hàn Quốc cũng đưa tin phản đối gay gắt về món ăn này.


Trung Quốc đang chuẩn bị xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu từ ngân hàng máu ở Vũ Hán nhằm điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi Trung Quốc minh bạch thông tin về sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.


Ít nhất 28 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương khi một xe buýt trượt khỏi đường ở Mugu, một vùng đồi núi Tây Bắc Nepal ngày 12/10. Quan chức tỉnh Mugu, ông Rom Bahadur Mahat cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 12h45 ngày 12/10 (theo giờ địa phương) khi xe buýt đang trên đường từ tỉnh Banke (miền Nam) đi Mugu. Nguyên nhân tai nạn được cho là một lốp xe bị thủng. Khi đó xe đang chở ít nhất 45 người, hầu hết là người đi tham gia lễ hội Dashain của người Hindu.


Anh lên kế hoạch tăng cường triển khai quân sự tại châu Á, Tham mưu trưởng Không quân Hoàng gia Anh Mike Wigston xác nhận thông tin ngày 11/10. Ông Wigston cũng cho biết, ngoài việc triển khai thêm về mặt quân sự, Anh sẽ tăng cường cam kết với khu vực qua hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.


Ngày 12/10, lực lượng Taliban ở Afghanistan đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với đặc phái viên Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ở Qatar, trong nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Người phát ngôn của EU, Nabila Massrali, nhận định cuộc họp có thể cho phép phía Mỹ và châu Âu giải quyết các vấn đề như việc tự do đi lại cho những người muốn rời khỏi Afghanistan, tiếp cận viện trợ nhân đạo, tôn trọng quyền của phụ nữ và ngăn chặn quốc gia Tây Nam Á trở thành nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, bà khẳng định cuộc trao đổi này không đồng nghĩa với việc công nhận "chính phủ lâm thời" của Afghanistan.


Ngày 12/10, Đại sứ Ekkaphab Phanthavong, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Lào tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã chính thức nhậm chức Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Phó Tổng thư ký Phanthavong sẽ đảm nhiệm nhiệm kỳ ba năm từ năm 2021 đến năm 2024.


Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Na Uy, bà Erna Solberg ngày 12/10 đã công bố kế hoạch từ chức trong tuần này, mở đường cho tân Thủ tướng Jonas Gahr Stoere nhậm chức. Dự kiến, ông Stoere sẽ nhậm chức vào ngày 14/10.


Ngày 11/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này chuẩn bị triển khai chiến dịch quân sự mới tại Syria, nơi các lực lượng của Ankara đang gặp phải những cuộc tấn công từ các tay súng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh quyết tâm loại trừ những mối đe dọa xuất phát từ Syria sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các bước đi cần thiết tại Syria trong thời gian sớm nhất.


Tổng Lãnh sự quán Belarus tại New York sẽ dừng hoạt động từ ngày 21/10 tới theo yêu cầu của phía Mỹ. Thông báo đăng trên trang web của Tổng Lãnh sự quán Belarus tại New York nêu rõ các công tác lãnh sự đối với công dân Belarus sống tại khu vực do cơ quan này phụ trách sẽ được chuyển cho Đại sứ quán tại Mỹ giải quyết.


Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song ngày 11/10 cho biết quốc gia Đông Bắc Á này sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe "tự vệ," đồng thời tuyên bố các hoạt động quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ đang đạt đến "một mức độ nguy hiểm." Ông Kim nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố khả năng răn đe 'tự vệ' để bảo vệ an ninh quốc gia nhằm đối mặt với môi trường địa chính trị của bán đảo Triều Tiên và cân bằng sức mạnh trong khu vực cũng như quan hệ quốc tế ngày càng căng thẳng."

MỚI - NÓNG