THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận phi lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, chính sách "cô lập" Bắc Kinh bằng cấm vận của Mỹ sớm muộn cũng sẽ phản tác dụng.
THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận phi lý ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 hôm 16/2.

Phát biểu bên thềm Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Washington đang áp đặt lên nhiều doanh nghiệp của Bắc Kinh. Ông Vương Nghị cho rằng, việc Mỹ theo đuổi mục tiêu “cô lập Trung Quốc” cuối cùng sẽ phản tác dụng với Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington dỡ bỏ “các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp” đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc và không làm suy yếu quyền phát triển hợp pháp của Trung Quốc.


Thủ tướng Hungary lần đầu tiên lên tiếng sau vụ việc tổng thống nước này từ chức. Trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 25 năm bài phát biểu trước nhân dân trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông vào năm 1999, Thủ tướng Viktor Orban đã đề cập đến việc Tổng thống Katalin Novák từ chức trước đó. Ông cho rằng năm 2024 là một khởi đầu tồi tệ với việc từ chức của tổng thống. Ông cũng tìm cách giảm bớt sự phản đối kịch liệt về vụ bê bối đã làm rung chuyển đảng cầm quyền của ông và cho rằng Tổng thống Novák đã đưa ra một quyết định có trách nhiệm khi từ chức.


Triều Tiên phản đối Hàn Quốc và Mỹ trinh sát trên không. Ngày 17/2, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc và Mỹ làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bằng các hoạt động trinh sát trên không. Trong một bài bình luận được Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên đăng tải, Bình Nhưỡng nói rằng Seoul và Washington đã tăng cường "các hoạt động gián điệp" trong tháng này. Họ gọi động thái như vậy là một sự khiêu khích chống lại Triều Tiên.


Mỹ tăng cường tấn công các cơ sở vũ khí của Houthi tại Yemen. Mỹ đã tăng cường không kích nhằm vào các cơ sở vũ khí của Houthi tại Yemen nhằm ngăn chặn các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Động thái diễn ra trong bối cảnh Lực lượng Houthi tại Yemen hôm 17/2 thừa nhận thực hiện vụ tấn công xảy ra một ngày trước đó nhằm vào một tàu chở dầu ở Biển Đỏ, đồng thời tuyên bố sẽ không do dự mở rộng các cuộc tấn công nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine.


Thượng đỉnh châu Phi lên án cuộc xung đột ở Dải Gaza. Ngày 17/2, các nhà lãnh đạo châu Phi lên án mạnh mẽ cuộc xung đột ở Dải Gaza khiến hàng chục nghìn dân thường Palestine thương vong. Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ lần thứ 37 Hội đồng những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của Liên minh châu Phi (AU) tại Addis Ababa của Ethiopia, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), ông Moussa Faki khẳng định cuộc xung đột ở Dải Gaza là hành động chiến tranh hủy diệt, vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.


Hamas tái khẳng định yêu cầu ngừng bắn tại Dải Gaza. Ngày 17/2, người đứng đầu phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh đã tái khẳng định yêu cầu của lực lượng này về một lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại Dải Gaza. Trong tuyên bố, ông Haniyeh nhấn mạnh các yêu cầu của Hamas, bao gồm "chấm dứt giao tranh, lực lượng chiếm đóng rút khỏi Dải Gaza, dỡ bỏ phong tỏa, đồng thời những người phải di tản được cung cấp nơi trú ẩn an toàn". Ông nêu rõ những người phải sơ tán khỏi khu vực phía Bắc Dải Gaza phải được trở về nhà, đồng thời các tù nhân Hamas bị phạt tù dài hạn tại Israel phải được trả tự do.


Nhiều người tìm cách rời Myanmar sau lệnh tổng động viên. Nhiều người dân Myanmar đang tìm cách rời khỏi nước này sau khi chính quyền quân sự tuyên bố nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Lệnh tổng động viên được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân đang ngày càng leo thang. Ngày 16/2, hàng trăm người xếp hàng bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Nhiều thanh niên và gia đình nộp đơn xin thị thực dài hạn tại Thái Lan, đây được xem như tấm vé giúp họ rời khỏi đất nước.


Tổng thống Zelensky nêu lý do Ukraine rút quân khỏi Avdiivka. Theo Pravda, trong ngày 17/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich (Đức). Tại đây, ông Zelensky đã giải thích nguyên nhân rút quân khỏi Avdiivka, đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev. "Chúng tôi quyết định rút quân và chuyển sang phòng thủ ở vị trí khác nhằm tránh bị cô lập. Điều này không đồng nghĩa với việc Ukraine lùi lại vài km và Nga giành được thứ gì đó. Đối thủ không chiếm được gì. Quyết định này hoàn toàn là để bảo vệ tính mạng của các binh sĩ, các chỉ huy biết rõ họ cần phải làm gì", ông Zelensky nói.

MỚI - NÓNG