Năm 2020, Alice in Borderland (Tựa Việt: Thế giới không lối thoát) ra mắt và lập tức gây được tiếng vang. Tác phẩm được chuyển thể từ nguyên tác truyện tranh cùng tên của Haro Oso, vốn thu hút lượng người hâm mộ đông đảo toàn cầu.
Chuyện phim cũng hấp dẫn, khai thác chủ đề trò chơi sinh tồn. Đây là điểm khiến Alice in Borderland thường xuyên bị đem ra so sánh với Squid Game (2021). Tuy nhiên, series Nhật Bản đi theo hướng bạo lực và máu me hơn hẳn phim Hàn.
Sau 2 năm vắng bóng, Alice in Borderland trở lại với mùa 2 nhằm thỏa mãn sự mong đợi của khán giả. Đáng tiếc, tác phẩm lại không được đánh giá cao như mùa đầu vì kịch bản còn hạn chế, diễn xuất tệ.
Hành động, kịch tính được nâng cấp
Chuyện phim nối tiếp những sự kiện ở phần trước. Sau khi lạc vào thế giới kỳ ảo, nhân vật chính Arisu (Yamazaki Kento) cùng các bạn buộc phải tìm cách vượt qua những trò chơi quái dị để tồn tại. Điểm chung của chúng đều là bạo lực, máu me và đôi khi vô nghĩa. Người chiến thắng có cơ hội sống sót, tiếp tục tham gia vào các trò chơi khác. Ngược lại, kẻ thua cuộc sẽ phải từ giã cõi đời ngay lập tức.
Arisu (Yamazaki Kento) và các bạn nữ mắc kẹt trong thế giới trò chơi tàn bạo. |
Mùa 2 gồm 8 tập, xoay quanh hành trình của Arisu khi bước vào những trò chơi có cấp độ cao hơn. Nếu lần trước nhân vật còn gặp nhiều bỡ ngỡ, lần này anh đã rút được kinh nghiệm, quyết tâm lật mở sự thật đằng sau những kẻ tàn bạo, đồng thời tìm cách trở về thế giới thực.
Trong phim, độ khó của các trò chơi được phân định dựa theo những quân bài hình J, Q, K. Một số trò khá đơn giản như chạm tay vào phe địch để tính điểm, hay chọn một con số bất kỳ để đặt cược. Song, biên kịch khéo léo biến chúng trở thành cuộc chiến sinh tử, một mất một còn.
Có trò chơi cũng thực sự cân não, khó đoán được cái kết. Đơn giản như trò tìm ma sói giữa đàn cừu. Tình thế nguy hiểm và tâm lý yếu khiến các nhân vật đều mờ mắt, đánh mất lòng tin và nghi ngờ lẫn nhau, dẫn đến kết quả man rợ.
So với phần đầu, tác phẩm được đầu tư mạnh ở phần hành động. Ngay từ tập một, ê-kíp cuốn người xem vào hành trình rượt đuổi giữa các nhân vật ngay thành phố hiện đại. Các cảnh quay cháy nổ, bắn giết diễn ra xuyên suốt, tạo cảm giác hồi hộp từ đầu đến cuối, không thua kém bom tấn chiếu rạp.
Tuy nhiên, series không giữ được phong độ ở giữa chặng đường. Một số tập bị dài dòng và lê thê, không tập trung vào điểm chính là diễn biến trò chơi. Ngoài ra, phim có nhiều cảnh quay máu me, rùng rợn, không phù hợp với trẻ em lẫn người yếu tim, chẳng hạn như cảnh axit đổ lên cơ thể người, cảnh đâm chém bạo lực...
Phần hành động trong phim được đầu tư mạnh hơn phần trước. |
Điểm trừ kịch bản, diễn xuất
Kịch bản tệ là điểm khiến Alice in Borderland 2 bị đánh giá thấp. Tính cách nhân vật chính Arisu không có quá nhiều sự thay đổi so với phần trước. Anh vốn là một thanh niên thất nghiệp, thích chơi bời nên suy nghĩ thiếu chín chắn. Lần này, Arisu vẫn chưa trưởng thành, cứ quanh quẩn trong những suy nghĩ trẻ con.
Ngoài ra, phim còn nhiều điểm phi lý. Đơn cử, các nhân vật chính gần như thoát nạn trong mọi tình huống. Mô-típ thiện thắng ác lặp lại nhiều lần, khiến độ căng thẳng phần nào giảm sút
Bên cạnh các trò chơi cân não, chuyện tình yêu giữa Arisu và cô bạn đồng hành Usagi (Tao Tsuchiya) cũng là yếu tố được phát triển ở mùa 2. Tuy nhiên, cách biên kịch khai thác mối tình còn hời hợt, mang tính khiên cưỡng. Ở một số phân đoạn, độ kịch tính và gay cấn bị giảm hẳn vì chuyện tình yêu.
Diễn xuất cũng là điểm kéo chất lượng phim đi xuống. Hóa thân Arisu, nam chính Yamazaki Kento giữ nguyên lối diễn cường điệu ở phần một. Anh không cho thấy sự đa dạng trong diễn xuất, nhất là khi nhân vật chưa được phát triển đúng mực. Đôi lúc, nam diễn viên còn cho thấy sự gượng gạo, diễn như trả bài nên chưa lột tả được nội tâm nhân vật. Khi đứng cùng Tao Tsuchiya, Kento chưa thực sự phối hợp tốt với bạn diễn.
Nam chính Yamazaki Kento chưa thực sự phối hợp ăn ý với bạn diễn. |
Các diễn viên phụ ở tuyến thiện cũng không nổi bật. Họ xuất hiện mờ nhạt trước ống kính, chủ yếu làm nền cho nhân vật chính Arisu. Trái lại, các vai phản diện được khắc họa khá tốt. Nổi bật là ông trùm trò K tép tên Kyuma (Yamashita Tomohisa) – một nhân vật có tính cách kỳ lạ, đi theo chủ nghĩa khỏa thân. Quản trò Q cơ Mira (Riisa Naka) thì lại có khả năng thao túng tâm lý người khác, gây sợ bằng nét điên loạn, quái gở.
Ngay sau khi ra mắt, series nhận được phản hồi không tích cực từ phía khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng phim không hấp dẫn bằng phần đầu. Độc giả trung thành của bộ manga gốc cũng bày tỏ sự thất vọng, đánh giá phim giảm nhẹ độ gay cấn của các trò chơi. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng series hay hơn mặt bằng chung, hay hơn một số tác phẩm cùng dòng.
Nhìn chung, Alice in Borderland 2 vẫn là lựa chọn phù hợp với những khán giả yêu thích thể loại trò chơi sinh tồn. Song, khán giả nên cân nhắc về những cảnh máu me, bạo lực trước khi xem.