Thế khó của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nào cũng biết, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ cần quyết tâm, khát vọng, tầm nhìn mà còn nhiều trợ lực khác như nguồn vốn, công nghệ, nguồn nhân lực… Bên cạnh bệ đỡ là chính quyền, ngân hàng… thì mỗi doanh nghiệp (DN) phải không ngừng nâng cấp bản thân. Ông Trần Bá Linh - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang có những chia sẻ liên quan đến lĩnh vực này.

Vài năm trở lại đây, lĩnh vực CNHT ngày càng được TPHCM ưu tiên và đẩy mạnh phát triển. Theo ông, CNHT có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của thành phố?

Lĩnh vực CNHT gần như là những ngành công nghiệp mũi nhọn, liên quan đến điện tử, cơ khí… Đây là những ngành cực kỳ “hot” trong những năm gần đây do ngành điện tử liên quan đến bán dẫn, IC… là những lĩnh vực mình đang gia công, đảm bảo tương lai sau này cho ngành điện tử của Việt Nam.

Ngành CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Đối với lĩnh vực điện tử của Việt Nam, theo ông vì sao đến nay vẫn chậm phát triển?

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình chuyển đổi số, ngành Điện - Điện tử đã thể hiện được tầm quan trọng hàng đầu. Điện - Điện tử được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chi phối nhiều lĩnh vực khác như cơ khí, điện, nhựa và hóa chất,... và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Ở Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử đã có lịch sử hơn 40 năm, song cho đến nay chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp sản phẩm với các bảng mạch và linh kiện nhập khẩu. Sở dĩ, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam phát triển chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế của đất nước là do thiếu sự đầu tư đúng mức vào việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng công nghệ cốt lõi, đặc biệt là thiếu nhân lực có chuyên môn đảm nhiệm trong ngành này.

Trong khi, nhu cầu cung cấp các linh kiện điện tử ngày càng tăng, để tránh sự lệ thuộc vào linh kiện từ một tập đoàn hay một công ty thì xu hướng của các quốc gia là phải đẩy mạnh phát triển sản xuất linh kiện điện – điện tử hoặc đa dạng các nguồn cung từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã và đang không ngừng thay đổi về tư duy, giải pháp, máy móc, nguồn nhân lực nhằm hướng đến mục tiêu chung của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Thế khó của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ảnh 1
Ông Trần Bá Linh (áo đỏ ở giữa) chia sẻ về những sản phẩm công nghệ mà Điện Quang đang nghiên cứu và sản xuất. Ảnh: Uyên Phương

Tại Công ty Điện Quang đang đầu tư, triển khai những dự án liên quan đến CNHT, ngành bán dẫn, điện tử… như thế nào?

Từ năm 2007, Điện Quang đã bắt đầu đi vào lĩnh vực CNHT. Tuy nhiên lúc đó chỉ mới ở bước sản xuất cho chính mình. Trong suốt quá trình phát triển, Điện Quang đã tiến hành nhiều hoạt động đầu tư như xây dựng nhà máy Điện Quang công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng Lab và kiểm nghiệm tại khu công nghệ cao TPHCM.

Hiện tại, Điện Quang đầu tư phát triển riêng ở mảng công nghiệp hỗ trợ, OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc). Chúng tôi đã chủ động trang bị các dây chuyền sản xuất chip led hiện đại với quy mô ước tính sản xuất hơn 150 triệu chip led/năm. Nhờ vậy mà trong đại dịch COVID-19, Điện Quang vẫn không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, vẫn có thể vừa sản xuất vừa chống dịch thậm chí còn có thể cung ứng các sản phẩm theo đơn đặt hàng của đối tác.

Đến thời điểm này, Điện Quang có các dây chuyền và thiết bị hiện đại đủ năng lực sản xuất chip led, bo mạch điện tử và các thiết bị điện, điện tử cho nhiều ngành nghề khác nhau như y tế, ô tô, ngành công nghệ thông tin và viễn thông… Điện Quang còn tham gia sản xuất các thiết bị điện tử có độ khó cao như máy tính bảng, laptop, máy tính…

Điện Quang cũng chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu xu hướng về ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Theo đó, Điện Quang đã chuẩn bị đội ngũ nhân sự với các kỹ sư R&D (nghiên cứu và phát triển) và đội ngũ thiết kế chất lượng để nghiên cứu phát triển các sản phẩm và thiết bị liên quan trực tiếp đến ngành vi mạch bán dẫn, công nghệ cao. Thêm nữa, Điện Quang đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao. Chỉ cần bất kỳ một đối tác lớn đặt hàng, Điện Quang sẵn sàng nhận gia công sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Thế khó của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ảnh 2
Công nghệ hiện đại được ứng dụng tại Công ty Điện Quang. Ảnh: Uyên Phương

Là DN có nhiều đầu tư, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNHT, ông có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi DN đầu tư vào lĩnh vực này?

Thuận lợi đầu tiên là chúng ta làm để phục vụ chính mình, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt là sau dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đã dự đoán và chủ động bán thành phẩm, thành phẩm liên quan đến CNHT.

Để đầu tư bài bản vào lĩnh vực này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là chọn công nghệ phù hợp và kiên trì theo đuổi; tiếp đó là dịch vụ đào tạo sẵn có và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay chưa có trường đại học nào đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Đa số DN tự đi đào tạo ở nước ngoài, sau đó trở về phục vụ cho chính công ty.

Khó khăn kế tiếp là cơ sở hạ tầng. Chúng ta chưa có nguồn nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng chất lượng cao. Đơn cử như muốn làm một cái IC, một chip led hoàn toàn tất cả nguyên liệu phải nhập 100% từ nước ngoài. Tại Việt Nam rất ít DN và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc phải sản xuất những vật tư đó ngay trong nội địa.

Nhiều DN CNHT cho rằng, sản phẩm của họ làm ra không tìm được nơi tiêu thụ nên không mặn mà với CNHT. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Tôi cho rằng điều này đúng một phần. Tại rất nhiều hội thảo có những tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, họ cũng mong muốn hợp tác với DN trong nước để làm ra những sản phẩm vật tư cung cấp cho họ như cái nút áo, con ốc vít... Chúng ta không phải không làm được, nhưng điều chúng ta đang thiếu là tiêu chuẩn để khách hàng chấp nhận.

Cái mà chúng ta đang thiếu chính là nền tảng cơ sở để làm ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng để người ta mua. Đây chính là cái khó mà hầu như DN nào cũng đều gặp phải. Muốn làm được những sản phẩm đó bán cho các công ty ngay tại đất nước của mình, DN Việt phải chú tâm vào chất lượng, tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông có những kiến nghị, đề xuất gì đối với lĩnh vực CNHT?

Chúng tôi cần rất nhiều chế độ chính sách liên quan đến DN vừa và nhỏ là vốn. Hiện nay vốn là điều mà DN startup nào cũng cần bởi đầu tư vào những lĩnh vực CNHT rất tốn kém. Đặc biệt để làm ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao cho những đối tác khó tính thì phải đầu tư rất nhiều. Nếu DN không chịu đầu tư hoặc đầu tư nửa vời thì rất khó.

Có tình trạng những DN mua bán khi họ mua bán sản phẩm từ nước ngoài về Việt Nam gần như ở dạng phá giá, rất nguy hiểm cho môi trường cạnh tranh nội địa. Do đó, cần phải có những rào cản kỹ thuật để ngăn chặn những sản phẩm được nhập về cạnh tranh với những sản phẩm sản xuất trong nước, để làm vực dậy nền sản xuất nội địa.

Dòng vốn hiện tại rất nhiều DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, tuy nhiên vấn đề giải ngân, rào cản về quy trình thủ tục… vẫn còn nhiều khó khăn do DN. Nên cải thiện hơn để hỗ trợ cho những DN có nhu cầu. Ngân hàng cần thực hiện nhanh và giải quyết nhanh gọn những thủ tục phía sau, để DN có thể được vay vốn và đầu tư ngay.

Cám ơn ông!

MỚI - NÓNG