Khi chúng ta yêu thương một ai đó và muốn bảo vệ họ, liệu chúng ta có nên nhốt họ vào đâu đó để giữ cho họ an toàn? Liệu chúng ta có nên che chắn cho họ khỏi mọi ảnh hưởng tiêu cực, ít nhất là cho đến khi nào chúng ta tin rằng họ có thể... tự bảo vệ mình?
Khi Tiến sĩ Willis Tate còn làm việc ở Đại học Southern Methodist ở Dallas, bang Texas (Mỹ), ông từng kể chuyện về một bà mẹ cố bảo vệ con mình một cách "nỗ lực" nhất. Bà viết một bức thư dài gửi Tiến sĩ Tate, nói về cậu con trai sắp trở thành tân sinh viên tại trường mà Tiến sĩ giảng dạy. Bà muốn Tiến sĩ, với tư cách là Hiệu trưởng của trường, sẽ đảm bảo rằng con trai bà được ở cùng phòng với một "người bạn tốt" trong ký túc xá, mà người bạn này sẽ cần khuyến khích con bà làm những điều hợp lẽ phải và không nói bậy. Bà cũng không muốn một người bạn cùng phòng mà lại hút thuốc lá hoặc có ảnh hưởng tiêu cực đến con bà theo bất kỳ cách nào khác.
Tiến sĩ Willis Tate, một người rất thông tháiNhưng những dòng cuối cùng trong thư của bà mẹ này mới khiến cho bức thư trở thành điều không-thể-quên: "Lý do mà tôi thấy tất cả những điều này đều thực sự quan trọng, là vì đây là lần đầu tiên con trai tôi sống xa nhà, trừ ba năm nó ở trong lực lượng Hải quân".
Con trai bà ấy đã ở trong lực lượng Hải quân những ba năm, mà bà còn chưa tin vào khả năng tự bảo vệ của cậu ấy!
Ai cũng muốn bảo vệ những người mà mình thương yêu: bố mẹ muốn bảo vệ con cái, anh chị muốn bảo vệ em, mọi người đều muốn bảo vệ người yêu mình. Không hiểu có nhiều người như bà mẹ trong câu chuyện trên đây không? Bởi nói cho cùng, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải để cho những người thương yêu của mình được phát triển đủ những tiềm năng bên trong họ, để họ tự bảo vệ được mình trong những tình huống có thể gây nguy hại. Chúng ta nên mong muốn cho những người đó được trang bị đầy đủ những kỹ năng để trở nên độc lập, có thể đưa ra những quyết định có trách nhiệm của riêng mình. Đó cũng chính là những điều mà mỗi người đều nên tự học hỏi và rèn luyện hàng ngày để đạt được.
Thực ra, cách bảo vệ người khác tốt nhất chính là khuyến khích và giúp họ trở nên độc lậpNhà giáo dục Leo Buscaglia từng nói: "Đừng bóp nghẹt lẫn nhau. Không ai có thể lớn lên trong bóng tối cả". Điều đó có nghĩa là, khi mỗi người chúng ta trưởng thành dần lên, thì chúng ta đều phải tự trải qua những khó khăn, rắc rối, không thể mãi ỷ lại vào bố mẹ; đồng thời, bố mẹ cũng phải dần bỏ suy nghĩ rằng họ có thể bao bọc chúng ta mãi mãi.
Vậy có cách nào để mỗi chúng ta bảo vệ những người mà mình yêu thương? Và có cách nào để chúng ta thể hiện rằng mình đang dần trở thành những người trưởng thành độc lập và có trách nhiệm? Có lẽ điều quan trọng nhất chỉ đơn giản là hãy cứ yêu thương nhau thật nhiều, chứ đừng lo lắng quá nhiều.
Mà chẳng phải tình yêu thương là điều mà bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào, cũng thực sự cần hay sao?