Thêm 1 triệu liều vắc-xin Pfizer được Mỹ chuyển đến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 25/8. (Ảnh: Đoàn Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 25/8. (Ảnh: Đoàn Bắc)
TPO - Hợp tác y tế đang là điểm sáng trong quan hệ Việt – Mỹ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Hôm nay, thêm 1 triệu liều vắc-xin Pfizer được Mỹ chuyển đến Việt Nam, nâng tổng số vắc-xin mà Mỹ cung cấp cho Việt Nam lên 6 triệu. Việt Nam cũng trở thành một trong 10 nước tiếp nhận vắc-xin nhiều nhất từ Mỹ.

Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam 1 triệu liều vắc-xin Pfizer, nâng tổng số vắc-xin mà Mỹ cung cấp cho Việt Nam lên 6 triệu. Việt Nam trở thành một trong 10 nước tiếp nhận vắc-xin nhiều nhất từ Mỹ.

Bên cạnh đó, thông qua Đạo luật kế hoạch cứu trợ Mỹ (ARPA) và những chương trình hỗ trợ khẩn cấp khác, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và CDC sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 23 triệu USD cho Việt Nam, nâng tổng số hỗ trợ của Mỹ cho Việt Nam trong giai đoạn đại dịch lên gần 44 triệu USD.

Sự hỗ trợ này sẽ đẩy nhanh việc tiếp cận và phân phối các loại vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, tăng cường năng lực của hệ thống y tế Việt Nam nhằm đối phó với COVID-19. USAID còn hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 1 triệu USD để giảm nhẹ tác động và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong những cộng đồng dễ bị tổn thương.

Đầu tháng 6, Mỹ thông báo sẽ viện trợ 80 triệu liều vắc-xin cho thế giới thông qua cơ chế COVAX hoặc song phương, và không kèm theo điều kiện ràng buộc nào. Trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh lại cam kết của Mỹ sẽ dẫn dắt thế giới chấm dứt đại dịch COVID-19.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết cung cấp 77 triệu máy bảo quản vắc-xin COVID-19 cực lạnh để hỗ trợ phân phối vắc-xin cho 63 tỉnh thành của Việt Nam. Những tủ bảo quản này được thiết kế đặc biệt kể đáp ứng yêu cầu bảo quản vắc-xin khắt khe nhất, qua đó tăng cường đáng kể hệ thống phân phối vắc-xin của Việt Nam.

Trong cuộc gặp Phó Tống thống Harris ngày 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Mỹ đã hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho Việt Nam để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng bày tỏ mong muốn phía Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là vắc-xin bằng nhiều hình thức linh hoạt, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thông báo về cuộc điện đàm gần đây với Chủ tịch, Giám đốc Điều hành của Pfizer và cho biết đã ký hợp đồng mua khoảng 50 triệu liều vắc-xin của Pfizer nhưng tới nay số lượng nhận được vẫn còn khiêm tốn; đề nghị Mỹ hỗ trợ, tạo điều kiện để Pfizer đẩy nhanh tiến độ giao vắc-xin cho Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn trong năm nay, lưu ý sớm bàn giao vắc-xin cho trẻ em và người dưới 18 tuổi khi năm học mới sắp bắt đầu.

Phó Tổng thống Harris cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang vào thời điểm đầu năm 2020, lúc Mỹ đang rất khó khăn.

Bà khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ thực chất để Việt Nam ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai, duy trì không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Tổng thống cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận vắc-xin nhanh hơn, trong đó có vắc-xin cho trẻ em. Đồng thời, Mỹ cũng hỗ trợ về trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực y tế để ứng phó với những nguy cơ dịch bệnh khác về lâu dài.

Cam kết lâu dài

Chiều 25/8, bà Harris cùng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ. Đây là một trong bốn văn phòng khu vực mà CDC Mỹ đang hoạt động trên thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định việc khai trương Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á của Mỹ rất có ý nghĩa, cho thấy ưu tiên cao của Chính phủ Mỹ trong hợp tác với khu vực về y tế nói chung và kiểm soát dịch bệnh nói riêng. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh hợp tác y tế luôn là điểm sáng trong quan hệ giữa Mỹ với khu vực và là lĩnh vực quan trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ, đồng thời đánh giá cao việc Mỹ đã viện trợ gần 24 triệu liều vắc-xin cho khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Phó Tổng thống Harris tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để các đối tác Mỹ cung cấp kịp thời vắc-xin, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cho khu vực và Việt Nam để sớm vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh Mỹ lựa chọn Hà Nội là địa điểm đặt Văn phòng, qua đó thể hiện sự phát triển tốt đẹp cũng như triển vọng tươi sáng của quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ, và khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Văn phòng hoạt động hiệu quả.

Phó Tổng thống Harris khẳng định việc thành lập Văn phòng khu vực mới của CDC Mỹ là minh chứng cho cam kết hợp lâu dài của Mỹ với khu vực. Bà Kamala Harris khẳng định tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN; cho rằng Đông Nam Á là khu vực dễ bị tổn thương do sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới; do vậy, việc nâng cao năng lực y tế của khu vực nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 và các mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai là rất cần thiết.

Bà Harris khẳng định việc thành lập Văn phòng khu vực mới của CDC Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ cung cấp các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết cho các nước trong khu vực trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG