Quy định cảnh báo yếu tố bạo lực, khỏa thân:

Thêm bộ lọc bảo vệ khán giả

TP - Lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) yêu cầu hiển thị cảnh báo các yếu tố bạo lực, khỏa thân... trên phim chiếu mạng, phim truyền hình. Giới chuyên môn kỳ vọng, bộ lọc này không những sàng lọc chất lượng tác phẩm mà còn giúp khán giả tiếp cận nội dung phù hợp với lứa tuổi.

Dán nhãn phim, hiển thị cảnh báo

Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo có hiệu lực từ ngày 20/5. Các mức phân loại phim bao gồm P: phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi, K: phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ, T13 (13+): phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên, T16 (16+): phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên, T18 (18+): phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên, C: phim không được phép phổ biến - mức phân loại chính thức đầu tiên trong các văn bản.

Với phim T18, nội dung phim được đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, chi tiết nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với nội dung phim.

Thông tư đánh giá phân loại phim dựa trên các nguyên tắc bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương trước nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực. Thông tư nhấn mạnh tầm quan trọng của bối cảnh và mức độ tác động đến người xem là những yếu tố ưu tiên trong việc phân loại phim.

Nếu phim ở giữa các mức phân loại, phim có cách xử lý tình huống và kết quả thể hiện thông điệp giáo dục, nhân văn, ca ngợi các giá trị đạo đức, xã hội, tác động tích cực tới người xem thì sẽ được xem xét phân loại ở mức thấp hơn. Thông tư yêu cầu mức phân loại phim phải hiển thị trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P.

Bên cạnh quy định về phân loại, quy định về cảnh báo các yếu tố bạo lực, tình dục, chất gây nghiện... cũng được nêu cụ thể trong thông tư. Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện trước và trong quá trình phổ biến phim. Phim điện ảnh tại các rạp được yêu cầu hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim, vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.

Phim truyền hình và phim chiếu mạng phải hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim. Vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim, hiển thị tối đa 3 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Nội dung cảnh báo tương ứng với 7 tiêu chí phân loại phim được nêu trong thông tư gồm: chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; kinh dị; ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Cần tính phương án giám sát

Thêm bộ lọc bảo vệ khán giả ảnh 1

“Chị chị em em” có sự tham gia của Thanh Hằng, Chi Pu ngập cảnh “nóng”

Nhiều chuyên gia, nhà làm phim khẳng định với phóng viên Tiền Phong về sự kịp thời, đúng đắn của thông tư mới được ban hành. TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nhận định, quy định tiêu chí phân loại phim và hiển thị mức phân loại phim hướng tới mục tiêu bảo vệ trẻ em trước những tác động xấu, chi tiết mang tính kích động.

“Đây là những nỗ lực để bảo vệ trẻ trước sự tràn lan của các bộ phim chiếu mạng độc hại hiện nay. Tuy nhiên, để quy định này phát huy hết hiệu quả bảo vệ trẻ em, chúng ta vẫn cần thời gian theo dõi lâu dài”, TS. Tuấn Anh nói.

Anh cho rằng, việc phân loại phim và hiển thị mức phân loại phim chỉ là bước đầu, phương án xa hơn là việc kiểm soát việc phân loại khán giả nếu không muốn dán nhãn chỉ là giải pháp mang tính hình thức. Nhiều nước trên thế giới thực hiện phân loại phim theo độ tuổi cũng như quy định rõ giờ chiếu của từng loại phim.

Thêm bộ lọc bảo vệ khán giả ảnh 2

Quy định về cảnh bạo lực, hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước được nêu rõ trong Thông tư

Những quy định này cần được lượng hoá một cách cụ thể để dễ dàng thực thi. “Mức độ nhẹ, mức độ vừa phải được nêu trong Thông tư cần được hiểu như thế nào? Thời lượng kéo dài là bao nhiêu phút? Tất cả các quy định cần được lượng hoá cụ thể. Đối với thời lượng cần quy định cảnh có ảnh hưởng chiếm bao nhiêu phần trăm dung lượng phim. Nếu chỉ dựa trên mức độ nhẹ, mức độ vừa phải rất khó để phân loại phim chính xác”, TS. Tuấn Anh nhận định.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, những quy định cụ thể trong lĩnh vực điện ảnh là cần thiết, bởi đây là loại hình nghệ thuật tác động mạnh mẽ tới đời sống và nhận thức của khán giả. “Ở nhiều quốc gia, điều kiện làm phim và luật còn chặt chẽ, khó khăn hơn Việt Nam. Quy định tạo ra khuôn khổ, không để các nhà làm phim tự tung tự tác. Ở góc độ đạo diễn, tôi cũng muốn làm phim tự do, không giới hạn. Thế nhưng, các nhà làm phim cũng cần tuân theo luật để khán giả được thưởng thức sản phẩm nghệ thuật chất lượng”, đạo diễn nói.

Khẳng định quy định phân loại, cảnh báo phim không ảnh hưởng tới sự sáng tạo của ê-kíp làm phim, song đạo diễn Đình Dũng cho rằng, việc hiển thị cảnh báo nếu không được đưa vào một cách khéo léo có thể khiến trải nghiệm xem phim của khán giả thiếu trọn vẹn.

Về thời lượng, tần suất đối với cảnh bạo lực, khiêu dâm… đạo diễn, biên kịch Đức Thịnh nói rằng, không dễ để ê-kíp làm phim tiết chế, đưa những cảnh này vào khuôn khổ máy móc. “Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi phim nói về mặt trái xã hội, phản ánh những điều ai cũng biết nhưng không được công chiếu cho khán giả trong nước. Nhà làm phim hiện nay phải tính toán kỹ lưỡng các chi tiết tình cảm hay bạo lực để cân đối giữa sáng tạo nghệ thuật, quy chuẩn đạo đức, pháp luật”, đạo diễn Đức Thịnh nói.

Góp phần loại bỏ phim “rác”

Đạo diễn, biên kịch Đức Thịnh nêu quan điểm, quy định phân loại, cảnh báo phim ở Việt Nam được đưa ra dù muộn nhưng “có còn hơn không”. Với thông tư này, các nhà làm phim có thêm việc cần làm, nhưng điều này là cần thiết. Ở nước ngoài, trên một số nền tảng chiếu phim như Netflix hay các kênh truyền hình quốc tế như HBO, việc hiển thị cảnh báo được đưa ra từ sớm. “Điều này góp phần rà soát, phân tích nội dung để bảo vệ khán giả nhỏ tuổi. Nhiều tai nạn xảy ra khi trẻ em tiếp xúc với những nội dung tiêu cực, phản cảm”, đạo diễn Đức Thịnh nói. Anh kỳ vọng, quy định trong thông tư đóng vai trò loại bỏ phim “rác” hoặc những nhà làm phim muốn nổi tiếng bằng nội dung xấu, độc. Đây là cơ hội để những người làm nghệ thuật chân chính lấy lại chỗ đứng.

Đạo diễn Đức Thịnh đề xuất, khâu kiểm duyệt phim cũng cần chú trọng. “Hội đồng kiểm duyệt nên chú trọng vào nội dung, thông điệp phim. Điện ảnh Việt Nam trên đà tiệm cận nhanh chóng với điện ảnh thế giới, vì vậy, không nên đưa ra những cấm đoán quá vô lý khiến nghệ sĩ bị kìm hãm”, anh bày tỏ.

NGỌC ÁNH