Thêm những cái 'bắt tay' tỷ USD của thương mại Việt - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc nâng cấp quan hệ giúp đẩy mạnh phát triển hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bên cạnh các thách thức, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. 

Tiếp tục phát triển quan hệ thương mại

Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau 30 năm quan hệ ngoại giao đến nay đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Theo Bộ trưởng, đâu là những dấu ấn nổi bật nhất trong thương mại hai nước thời gian qua?

- Trải qua gần 30 năm kể từ khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD vào năm 2022. Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Một đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ giúp làm “sạch hóa” chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận.

Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tạo ra nền tảng thuận lợi gì trong tiếp tục phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay, thưa Bộ trưởng?

- Trong bối cảnh Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường trao đổi chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao và đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh khác nhau để đề nghị đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Thêm những cái 'bắt tay' tỷ USD của thương mại Việt - Mỹ ảnh 1

Việc Việt Nam - Hoa Kỳ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các doanh nghiệp giữa hai nước.

Nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy và nguy cơ phụ thuộc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã định hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ đó giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hoa Kỳ.

Đến nay, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng sẽ góp phần để Việt Nam xây dựng và đầu tư hệ thống năng lượng quốc gia hiệu quả hơn, tạo cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và công nghệ cao vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

Doanh nghiệp luôn phải sẵn sàng cho việc cạnh tranh

Bên cạnh những thuận lợi, theo ông còn có những khó khăn và thách thức gì ảnh hưởng đến việc tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai nước?

- Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu cực lớn với quy mô 3.277 tỷ USD (năm 2022). Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.

Tại thị trường Hoa Kỳ, sự hiện diện của các nhà nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ. Để cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất mà còn phải đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.

Việc Hoa Kỳ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam cũng là việc doanh nghiệp cần lưu ý. Hoa Kỳ cũng là nước áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam với 53 vụ kiện. Bộ Công Thương đang sát sao theo dõi và phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị cho các phản ứng chính sách phù hợp.

Thêm những cái 'bắt tay' tỷ USD của thương mại Việt - Mỹ ảnh 2

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Doanh nghiệp phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh lớn hơn.

Theo ông lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội phát triển gì mới sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden? Riêng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cần làm gì để tận dụng tốt những cơ hội đó thúc đẩy sự phát triển?

- Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Bộ Công Thương đánh giá, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG