Ồ ạt mở ngành
Mùa tuyển sinh 2020, có nhiều ngành học mới xuất hiện trong đề án tuyển sinh của các trường đại học. Cụ thể, ngoài 28 ngành đang đào tạo, năm 2020 trường ĐH Hoa Sen mở 6 ngành mới, gồm: Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Quản trị Sự kiện, Nghệ thuật số, Bảo hiểm. Tính tới thời điểm này, đây là trường đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Hoa Kỳ học.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) mở 4 ngành/chương trình đào tạo mới là: Vật lý Y khoa, Kỹ thuật Địa chất, Công nghệ Vật liệu, Khoa học Môi trường. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM) có các ngành mới là Tôn giáo học và Quản trị Văn phòng. Đây là trường đầu tiên ở phía Nam đào tạo cử nhân ngành Tôn giáo học.
Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) đào tạo 5 ngành/chương trình mới, gồm: Kỹ thuật Hàng không – Y Sinh – Logistics – Robot (Tiếng Anh) và Khoa học Máy tính (Tiếng Nhật).
Trường ĐH Nha Trang có 1 ngành mới là Kỹ thuật Cơ khí động lực và 1 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE - Kế toán.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM mở 2 ngành mới là Kinh doanh Thương mại, Ngôn ngữ Trung Quốc, nâng tổng số ngành đào tạo lên 22. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã mở thêm 3 ngành/chương trình đào tạo mới gồm ngành Kỹ thuật máy tính, chuyên ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo thuộc ngành Công nghệ thông tin và chuyên ngành Cơ khí Hàng không thuộc ngành Kỹ thuật Cơ khí.
ĐHQG Hà Nội mở thêm 15 ngành mới: Khoa học Dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học, Khoa học và Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ tích hợp Giám sát tài nguyên và môi trường, Marketing, Nhật Bản học…
Tuy nhiên, làn sóng ồ ạt mở ngành mới chưa dừng lại. Mùa tuyển sinh năm 2021, trường ĐH Công nghệ TP. HCM dự kiến mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Robot và trí tuệ nhân tạo, Khoa học Dữ liệu để nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 51 ngành. ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Truyền thông của trường cho biết, sở dĩ trường mở thêm 2 ngành đào tạo trên là do đã khảo sát nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực hiện tại và dài hơi trong khoảng 5 - 10 năm nữa.
“Nguồn giảng viên của 2 ngành được xây dựng từ nguồn lực đội ngũ của trường cộng với tuyển bổ sung mới những giảng viên được đào tạo ở nước ngoài. Với 2 ngành này, trường nỗ lực mang tính đột phá nên dành rất nhiều thời gian để xây dựng chương trình chuẩn mực”, ông Phương nói.
Thí sinh nên cân nhắc
Theo Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, quy định cơ sở giáo dục đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ đại học khi đảm bảo các điều kiện: Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học, phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ sở đào tạo.
Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo. Đối với trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo, cơ sở đào tạo cần phải làm rõ: Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới; đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành mới không trùng với giảng viên cơ hữu của các ngành khác đang đào tạo…
Ngoài ra, Thông tư 22 cũng quy định rất rõ về cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đào tạo ngành mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập theo yêu cầu của ngành. Chương trình đào tạo của ngành phải bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được yêu cầu liên thông giữa các trình độ và các chương trình đào tạo khác.
Chương trình đào tạo và đề cương chi tiết các học phần của ngành phải đảm bảo chuẩn đầu ra, phù hợp với khung trình độ quốc gia hiện hành. Điều kiện để thực hiện chương trình đào tạo mới là cơ sở đào tạo đã đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục đại học hoặc được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành…
Như vậy, việc trường đại học mở ngành đào tạo ngoài danh mục là hoàn toàn được phép nếu đáp ứng được các điều kiện trong Thông tư 22. Việc tuyển sinh ngành mới được xem như bước tạo đà không chỉ tạo tính đột phá cho trường đại học mà còn giúp người học được tiếp cận với những chương trình giáo dục ở các ngành nghề “thời cuộc”, mở rộng về cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, Bộ GD - ĐT cần phải giám sát chặt chẽ những ngành mới ở các đơn vị đào tạo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học khi đăng ký. Thí sinh thường có tâm lý là ngành mới mở hay lấy điểm thấp hơn các ngành khác. Đồng thời, thường bị thu hút bởi các ngành có tên “rất kêu”, nghe có vẻ “thời cuộc”. Nhiều trường ĐH đánh vào tâm lý này mà “lôi kéo” thí sinh, mở những ngành mới nhưng thực chất là “vẽ ra” từ chính các ngành cũ, hay thậm chí là mở những ngành không thực sự cần thiết trong nhu cầu nhân lực. Đối với những ngành mới tuyển sinh cần bắt buộc các trường đại học phải ghi thông tin rõ ràng trong danh mục tuyển sinh của trường, tránh việc lập lờ để người học hiểu nhầm.