Thí sinh tự do quyết tâm tìm lại ước mơ trên giảng đường đại học

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Con đường vào đại học chưa bao giờ là dễ dàng, và thậm chí, khi đã trở thành sinh viên, nhiều người trẻ vẫn mang trong mình những trăn trở, băn khoăn về lựa chọn của bản thân, dẫn đến việc đưa ra một quyết định không hề dễ dàng: ôn thi lại đại học.

Chật vật vì thi lại

Câu chuyện của Minh Dương (sinh năm 2003), hiện đang là thợ chính tại một tiệm bánh ngọt, mang đến nhiều suy ngẫm về những ngã rẽ trên hành trình học tập. Năm lớp 12, giữa lúc đang ôn thi đại học, Dương bất ngờ quyết định theo học làm bánh tại một trường quốc tế. Quyết định này xuất phát từ nhiều lý do cá nhân, và sau đó, dù đã trúng tuyển vào một ngành học tại Đại học Hà Nội (HANU), Dương vẫn kiên định với lựa chọn của mình, bước chân vào thế giới đầy màu sắc của bánh ngọt.

Tuy nhiên, thực tế công việc không như những gì Dương tưởng tượng. Đặc thù công việc vất vả, áp lực cao, thời gian làm việc kéo dài, trong khi mức đãi ngộ lại không tương xứng. Những khó khăn này dần bào mòn niềm đam mê ban đầu, khiến Dương bắt đầu trăn trở về con đường tương lai. Suy nghĩ về việc ôn thi lại đại học bắt đầu nhen nhóm, như một tia hy vọng le lói giữa những bộn bề của cuộc sống.

Quyết định ôn thi lại đến với Dương khá muộn, vào tháng 11 năm ngoái. Thời gian đầu, Dương gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm lại phương pháp học tập, định hướng ôn thi. Cô cũng thẳng thắn chia sẻ về nỗi lo lắng không kịp tiến độ, thậm chí đã chuẩn bị tinh thần cho việc ôn thi thêm một năm nữa.

“Mình kết hợp ôn thi trong khi vẫn làm một công việc chính thức nên thời gian của mình rất hạn hẹp. Hơn nữa, khoảng thời gian 4 năm kể từ khi tốt nghiệp THPT khiến kiến thức trong mình gần như đã mai một hết. Mình phải học lại từ đầu, một mình vật lộn với những kiến thức mới, cũ đan xen”, Dương bộc bạch.

Tuấn Anh (sinh năm 2006) đã bỏ lỡ cơ hội vào ngôi trường mình yêu thích trong năm học vừa rồi. Hiện tại, chàng trai trẻ đang phụ giúp gia đình chăn nuôi song vẫn không quên nung nấu một ước mơ cháy bỏng về giảng đường đại học.

Con đường ôn thi lại không bằng phẳng, nhất là khi Tuấn Anh phải ôn theo chương trình cũ trong khi các bạn đồng trang lứa đã chuyển sang chương trình mới. Việc tìm kiếm tài liệu, hỏi bài thầy cô cũng gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, Tuấn Anh cảm thấy các môn học năm nay, đặc biệt là môn Văn, khó hơn so với năm trước. Mặc dù năm ngoái cậu bạn đã đạt được 7.75 điểm khi tự ôn và đặt mục tiêu năm nay đạt 8+ nhưng đến tháng 3 vẫn cảm thấy chưa theo kịp.

Thí sinh tự do quyết tâm tìm lại ước mơ trên giảng đường đại học ảnh 1

Số lượng thí sinh tự do từ năm 2020 đến 2024 dao động từ 3-6% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Hồng Hoa)

Tương tự, Kim Hân (sinh viên năm 2 Đại học Hà Nội), cũng đang trên hành trình tìm kiếm đam mê. Ngành học hiện tại do bố mẹ lựa chọn không phù hợp khiến Kim Hân cảm thấy lạc lõng và muốn tìm kiếm một hướng đi mới.

Cô bạn chia sẻ: “Trong quá trình ôn tập, mình đã quên khoảng 80% lượng kiến thức cũ, còn những kiến thức trong chương trình mới mình không theo kịp. Đặc biệt, mình còn gặp khó khăn là về vấn đề thông tin, đề án tuyển sinh vì chương trình năm nay có nhiều khác biệt so với những năm trước”.

Quyết định ôn thi lại đại học là một quyết định dũng cảm nhưng cũng đầy thách thức. Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng: “Khó khăn phổ biến nhất là các bạn có thể căng thẳng và lo âu quá mức về kết quả, vì bản thân đã từng một lần ‘sảy chân’, khiến các bạn hình dung về kỳ thi này như một trong những cơ hội cuối cùng để bản thân có thể chinh phục ước mơ đậu vào trường mình muốn”.

Bên cạnh đó, áp lực này còn đến từ sự so sánh với "con nhà người ta", hay cảm giác tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa đã bước vào giảng đường đại học. Những suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả ôn luyện của thí sinh tự do.

Chọn khởi đầu mới

Dương hiểu rõ: “Việc bắt đầu lại một thứ hoàn toàn mới bao giờ cũng khó khăn. Mình mất rất nhiều thời gian để chấp nhận những gì mình đã chọn là không phù hợp và thử cho mình cơ hội mới”.

Chia sẻ về hành trình của mình, dù còn loay hoay với quyết định này, song nữ sinh gen Z vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và tin tưởng rằng “việc còn có thể sai là một điều may mắn”. Dương trích dẫn một câu nói của giáo viên cũ mà cô nàng tâm đắc: “Trên đời không có thất bại, chỉ có thành công và được học tập”.

Theo nữ sinh 2K3, lựa chọn trước đây của cô tuy không còn phù hợp nhưng chính quãng đường vòng ấy đã tạo nên những bài học trong hiện tại và giúp cô nàng biết mình thích gì và cần gì. Giờ đây, động lực của cô nàng là mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, ổn định và khiến bố mẹ yên tâm hơn. “Mình muốn một cuộc sống khác thì mình sẽ tiếp tục học cho đến khi có được điều đó”, Dương khẳng định.

Còn với Tuấn Anh, quyết định thi lại đến với cậu như một lẽ tự nhiên, một sự thôi thúc mãnh liệt từ sâu thẳm trái tim. Nam thí sinh tự do tự tin rằng mình đã nắm vững trên 60% kiến thức và đang tập trung luyện đề. Mỗi ngày, dù thời gian eo hẹp, Tuấn Anh vẫn kiên trì dành ra 2 tiếng cho mỗi môn học.

Động lực lớn nhất đối với cậu chính là mong muốn vươn lên, khẳng định bản thân và trở thành niềm tự hào của gia đình. Tuấn Anh thẳng thắn chia sẻ: "Mình muốn mình trở nên tốt hơn, không để ai khinh thường bố mẹ”.

Từ chính trải nghiệm của bản thân, Kim Hân tâm sự: “Nếu được quay lại thì mình muốn nhắn nhủ với chính mình rằng, đừng vì ai mà quyết định con đường của mình. Nếu chúng ta đã quyết tâm làm việc gì thì hãy cố hết sức để thực hiện điều đó”.

Anh Quân (hiện là sinh viên Đại học Luật) dù đã có một chỗ đứng nhất định trong môi trường đại học, nhưng ước mơ được cống hiến cho ngành Công an vẫn luôn thôi thúc cậu.

Quyết định thi lại vào trường Công an là một lựa chọn táo bạo, đòi hỏi sự nỗ lực và bản lĩnh phi thường. Hiện tại, quá trình ôn thi lại của Anh Quân đang diễn ra tương đối ổn. Nam sinh trường Luật nhắn nhủ tới các sĩ tử: “Phải thật cố gắng và chăm chỉ”.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An khẳng định thi lại không đồng nghĩa với thất bại. Anh nhấn mạnh: “Trên hành trình hoàn thiện và phát triển, việc mất một, hai năm không phải là tổn thất quá lớn. Thi lại là một thử thách để khẳng định sự lựa chọn và chứng minh bản thân với mọi người xung quanh”.

Trái lại, lựa chọn phấn đấu quyết liệt một lần nữa cũng mang đến cho thí sinh tự do kinh nghiệm quý báu và thời gian để trau dồi kiến thức, kỹ năng. Bởi lẽ, thí sinh "đã sở hữu kinh nghiệm trong việc trải qua lần thi trước" và "có lợi thế về mặt thời gian khi có thể tối đa cho việc ôn luyện".

Thí sinh tự do quyết tâm tìm lại ước mơ trên giảng đường đại học ảnh 2

Anh Đào Lê Tâm An - Chuyên viên tâm lý, Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (Ảnh: NVCC)

Để ôn tập hiệu quả trong giai đoạn nước rút, chuyên viên tâm lý khuyến khích thí sinh lập nhóm học tập để trao đổi kiến thức, hỗ trợ nhau về mặt tinh thần, đặc biệt là với những người thiếu kỷ luật tự học. Ngoài ra, việc tạo môi trường học tập yên tĩnh, loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng cũng rất quan trọng. Thí sinh cũng nên chú ý đến sức khỏe, rút kinh nghiệm từ những lần thi trước để tránh những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến kết quả thi.

Ngoài ra, sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè là nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá. “Thay vì tạo thêm áp lực, hãy cho thí sinh không gian riêng tư, lắng nghe và hỗ trợ khi cần thiết. Sự hiện diện của những người thân yêu sẽ là hậu phương vững chắc, giúp thí sinh tự tin bước vào kỳ thi quan trọng”, anh Tâm An nói thêm.

MỚI - NÓNG
Phát động phong trào ‘Bình dân học vụ số’ và ra mắt nền tảng đào tạo quốc gia
Phát động phong trào ‘Bình dân học vụ số’ và ra mắt nền tảng đào tạo quốc gia
SVVN - Chiều 26/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phát động phong trào 'Bình dân học vụ số' và ra mắt nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia. Đây là bước đi quan trọng nhằm phổ cập tri thức số, trang bị kỹ năng công nghệ cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên cả nước.

Có thể bạn quan tâm

 Thi diễn kịch văn học Hàn Quốc 2025 với sự tham gia của sinh viên đến từ 10 trường Đại học

Thi diễn kịch văn học Hàn Quốc 2025 với sự tham gia của sinh viên đến từ 10 trường Đại học

SVVN - Ngày mai, 22/03, “Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2025” do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức với sự phối hợp tham gia của các khoa tiếng Hàn Quốc, Hàn Quốc học đến từ các trường Đại học trong khu vực Hà Nội sẽ được diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ về chiến lược phát huy hiệu quả của truyền thông trong tuyển sinh tại trường USTH

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ về chiến lược phát huy hiệu quả của truyền thông trong tuyển sinh tại trường USTH

SVVN - Mới đây, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng ban Sinh Viên – Hoa Học Trò, báo Tiền Phong đã có buổi chia sẻ với nhân sự đang làm truyền thông và tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) về chủ đề Chiến lược làm việc hiệu quả với báo chí trong truyền thông và tuyển sinh.
Từ bếp lửa quán cháo... đến bục giảng tương lai

Từ bếp lửa quán cháo... đến bục giảng tương lai

SVVN - Vượt qua những ngày dài từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm mưu sinh, rồi lại thức trắng đến 2-3 giờ sáng ôn thi, Nguyễn Tuyết Nhung (sinh năm 2005, Thanh Hóa) đã chạm đến giảng đường đại học với danh hiệu Thủ khoa Sư phạm Tiểu học, Á khoa khối C trường ĐH Đồng Nai. 
Gợi ý chọn trường theo ngành nghề dành cho sinh viên

Gợi ý chọn trường theo ngành nghề dành cho sinh viên

SVVN - Lựa chọn ngành học và trường đại học phù hợp là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng lớn đến con đường sự nghiệp sau này. Mỗi trường đại học đều có những thế mạnh riêng trong đào tạo các lĩnh vực khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý giúp thí sinh có thể tìm được ngôi trường phù hợp với ngành nghề mà mình mong muốn theo đuổi.