Thi tốt nghiệp THPT 2020: Tiềm ẩn rủi ro

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở địa phương năm 2019
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở địa phương năm 2019
TP - Ngày 5/6, tại cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu bàn về thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói rằng, kỳ thi được Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương, do đó địa phương phải chuẩn bị kỹ, tránh việc chỉ đạo chưa chu đáo, tiềm ẩn rủi ro. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra ngày 9-10/8 không đơn thuần chỉ xét tốt nghiệp mà căn cứ vào kết quả kỳ thi, ngành giáo dục điều chỉnh, bổ sung cách dạy và học; địa phương đánh giá kết quả giáo dục so với các địa phương khác và làm cơ sở cho các trường ĐH tuyển sinh. Vì thế, yêu cầu kỳ thi phải đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.

Ông Nhạ nói, dù kỳ thi đã được Chính phủ giao cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện nhưng Bộ GD&ĐT, bản thân bộ trưởng cũng chịu trách nhiệm rất lớn. Vì thế, các địa phương phải chuẩn bị sớm, kỹ từng khâu. “Kỳ thi này đã được tổ chức nhiều năm và bài học của kỳ thi 2018 vô cùng đắt giá vẫn còn đó”, ông nói.

Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi cũng đặc biệt quan trọng, đặc biệt khâu chuẩn bị và lắp đặt camera bảo đảm chất lượng theo quy định; tránh hiện tượng có camera nhưng không hoạt động hoặc hoạt động trục trặc. Một số vùng miền núi hay xảy ra mưa lũ, địa phương cần có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn cho điểm thi, hỗ trợ thí sinh đến dự kỳ thi an toàn, kịp thời.

Về tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT lưu ý địa phương giám sát kỹ một số khâu như in sao, vận chuyển đề thi; bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Cần nghiên cứu thật kỹ và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi. Ngoài ra, một điểm mới là năm nay thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, việc này giúp phát hiện ra những “điểm trũng” để có chính sách tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Nhạ cũng yêu cầu, tất cả cán bộ, giáo viên, thanh tra năm nay được cử đi làm thi phải được tập huấn kỹ về quy chế thi. Sau khi tập huấn phải được kiểm tra để xem cán bộ nắm đến đâu, không được tham gia cho có hoặc kiểu “đánh trống ghi tên”. Khi tham gia, cán bộ phải nắm được vai trò, nhiệm vụ cụ thể của mình là gì.

Về học tập, Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu các Sở chỉ đạo các nhà trường ôn tập, chuẩn bị tốt kiến thức theo chương trình để học sinh tham gia kỳ thi tốt nhất. Kỳ thi năm nay tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi.

Kiến nghị của các địa phương

Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch  UBND TP Hà Nội, cho biết, dự kiến năm nay Hà Nội có khoảng 80.000 thí sinh, tăng 2.000 so với năm ngoái. Kỳ thi năm nay giao cho các địa phương nên thành phố xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, giám sát kỹ từ việc chuẩn bị đến khâu tổ chức thi. Hà Nội sẽ chuẩn bị 3.354 phòng thi với khoảng 8.700 cán bộ coi thi; 1.340 cán bộ phục vụ thi.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nói rằng, năm nay thành phố có lượng thí sinh dự thi tương đương Hà Nội (khoảng 80.000). Ông Hiếu cho biết, địa phương sẽ bố trí điểm thi ở trung tâm; việc giao đề, nhận bài thi sẽ diễn ra trong 1 ngày ở một nơi tập trung có công an giám sát. Năm nay, giáo viên địa phương coi thi, chấm thi, do đó để tránh việc giáo viên chấm trúng bài thi của học sinh, thành phố sẽ bố trí 2 khu chấm thi A và B và giáo viên phải chấm chéo.

Ông Hiếu đề nghị Bộ GD&ĐT ra đề thi nhằm xét tốt nghiệp, nhưng đảm bảo phân hóa để các trường ĐH tuyển sinh, bởi trước đó, đề thi một số năm, chuyên gia góp ý có một số câu thí sinh không làm được. Ngoài ra, ở khâu chấm thi, cần có lực lượng công an từ Bộ Công an và công an địa phương giám sát 24/24h. Kỳ thi năm nay muộn nên cần điều chỉnh việc chấm thi phúc khảo kết thúc trước thời gian khai giảng năm học mới, ông Hiếu nói.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, cho biết năm nay tỉnh có 18.700 thí sinh dự thi, trong đó có tới 9.000 em ở miền núi, trung du nên việc bố trí điểm thi phải tính toán. Ông Quốc ủng hộ điểm mới trong kỳ thi năm nay là sẽ đối sánh học bạ và điểm thi, nhưng ông đề nghị Bộ không nên tiếp tục xếp thứ tự điểm trung bình của các môn thi của các địa phương. Theo ông Quốc, việc xếp thứ tự điểm trung bình giữa các địa phương bất cập và gây áp lực cho các sở GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói rằng, kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT không buông xuôi, khoán trắng cho các địa phương mà sẽ làm hết chức trách, nhiệm vụ. Điều này không chỉ thể hiện ở khâu ra đề thi, cung cấp khâu kỹ thuật liên quan chấm thi mà thể hiện rõ ở khâu thanh tra. Mục đích của thanh tra nhằm làm rõ hơn việc phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra ở tất cả các khâu, giúp các cấp làm đúng việc, nhiệm vụ.

Tuy năm nay có 3 lực lượng thanh tra cấp bộ, sở, tỉnh nhưng sẽ có hướng dẫn rõ trách nhiệm, rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm, vì thế không có chuyện chồng chéo giữa các lực lượng. Yêu cầu mọi công đoạn thanh tra không có khoảng trống, điểm mờ mà có mặt hết trong tất cả các khâu từ chuẩn bị thi, thi, đến chấm thi, làm phách…

Công bố kết quả thi tốt nghiệp ngày 27/8

Ngày 5/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, sau khi kết thúc kỳ thi hơn 2 tuần, ngày 27/8, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi cho thí sinh.
Theo ông Trinh, sau khi Bộ ban hành Quy chế thi, các địa phương cần bắt tay nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo thi. Trên cơ sở phải thực hiện các phần việc đúng quy chế, phân rõ chức năng, nhiệm vụ từng người. “Trong làm thi, khâu nào cũng quan trọng nhưng có 3 khâu quan trọng nhất chính là: in sao đề thi, bảo quản bài thi, chấm thi”, ông Trinh nói.
Các địa phương đặc biệt chú ý địa điểm lưu trữ bài thi, triển khai chấm thi. Hai khâu này được  dự báo nhiều rủi ro có thể xảy ra. Ông Trinh cho rằng, nếu thực hiện đúng quy trình, quy chế đảm bảo sẽ không có gian lận xảy ra. Tuy nhiên, nếu ai đó có ý định gian lận từ đầu thì không lường hết được. Do đó, khi lựa chọn cán bộ tham gia làm thi, địa phương nên phối hợp lực lượng công an xác định phẩm chất, đạo đức cán bộ. 
Ông Trinh lưu ý, trong quá trình chuẩn bị các địa phương phải rà soát từng khâu. Trong đó, vai trò của Sở GD&ĐT thể hiện rõ trong việc đảm bảo đội ngũ coi thi, chấm thi, cơ sở vật chất; in sao đề thi. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh có phương án tốt nhất phục vụ và chấm thi trắc nghiệm. Phiếu trắc nghiệm phải in giống phiếu mẫu, đúng hướng dẫn. “Địa phương nào gây ra lỗi về phiếu, trách nhiệm trực tiếp giao cho Sở GD&ĐT”, ông Trinh nói.


Nguyễn Hà

MỚI - NÓNG