Thi tốt nghiệp THPT 2023: Không bị động với tình huống bất thường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023. Chiều qua (16/6), đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu kiểm tra công tác tổ chức thi tại Hà Nội, địa phương có lượng thí sinh chiếm 1/10 toàn quốc.

Rà soát quy trình in sao đề thi

Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang căng mình tăng tốc ôn luyện, chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng. Trước đó, các trường THPT đã hoàn thành chương trình, có kế hoạch ôn tập cho học sinh đến sát ngày thi. Riêng Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng chương trình luyện thi qua truyền hình để đông đảo học sinh có thể chủ động bố trí thời gian học tập. Đối với các trường hằng năm có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chưa cao, Hà Nội yêu cầu nhà trường cử giáo viên dạy phụ đạo, bổ túc thêm kiến thức cho học sinh để các em tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi.

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Không bị động với tình huống bất thường ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác tổ chức thi Tốt nghiệp THPT 2023 tại Hà Nội chiều 16/6. Ảnh: Quỳnh Anh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nói rằng, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh (chiếm 1/10 toàn quốc). Riêng thí sinh tự do có gần 3.400 em. Thời điểm này, Sở GD&ĐT đang rốt ráo chuẩn bị tất cả các điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất, nhân lực, phương án về điện, an toàn giao thông… để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi. Dự kiến, toàn TP sẽ có 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi bố trí ở tất cả các quận, huyện, thị xã.

Do số lượng thí sinh dự thi đông, địa phương phải điều động hơn 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi. Lực lượng thanh tra cắm chốt tại các điểm thi làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát . Trong đó, điểm thi dưới 20 phòng sẽ có 2 cán bộ thanh tra, điểm thi từ 20-30 phòng sẽ có 3 cán bộ thanh tra, điểm thi trên 30 phòng sẽ có 4-5 cán bộ thanh tra. Ngoài ra, lực lượng cũng sẽ được tăng cường ở những điểm thi có phòng thi phân tán. Sở cũng thành lập tổ giám sát gồm 16 nhóm, mỗi nhóm gồm 3 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở và thanh tra của TP.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thông tin, việc tổ chức kỳ thi với quy mô lớn, cộng với tính chất quan trọng của nó gây áp lực không nhỏ đối với cán bộ làm công tác thi, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng từng tình huống cụ thể để dự phòng. Trong đó, phương án điện ở các điểm thi thế nào, nếu trời mưa ngập úng các tuyến đường, thí sinh đến trường thi ra sao đều phải được tính toán và có kịch bản. “Ví dụ, ngành điện đã đảm bảo không cắt điện ở tất cả các điểm thi trong suốt kỳ thi nhưng ở mỗi điểm thi vẫn phải có máy nổ dự phòng. Ngành cũng phải cử lực lượng kỹ thuật túc trực để hỗ trợ các tình huống bất ngờ có thể xảy ra”, ông Cương nói.

Với việc in sao đề thi, khâu quan trọng trong việc tổ chức thi, ông Cương nói, địa phương rút kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 gặp sự cố đề thi in mờ nên đã rà soát lại tất cả các công đoạn lẫn máy móc. Công tác in sao đề thi đang được thực hiện theo kế hoạch. Địa điểm in sao đề thi được bố trí biệt lập, bảo đảm 3 vòng độc lập và đáp ứng các điều kiện an toàn, bảo mật theo quy chế thi. Riêng máy in sao, ngoài máy chính có thêm máy dự phòng để có thể thay thế kịp thời. Hội đồng in sao đề kỳ thi Tốt nghiệp THTP cũng được quán triệt phải tiến hành cẩn trọng nhất, kiểm tra kỹ càng từng đề thi, không để xảy ra sự cố đề mờ, mất nét.

Điều những người tổ chức kỳ thi ở Hà Nội băn khoăn là hiện nay trong quy chế vẫn chưa có hướng dẫn rõ về phát hiện tình trạng thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ gian lận thi. Hay như, quy chế cũng không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi gây khó khăn cho cán bộ coi thi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi.

Tham gia công tác tổ chức kỳ thi, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Ngọc Anh cho biết, các địa điểm lựa chọn tổ chức kỳ thi đảm bảo khang trang, hiện đại, có điều hoà, quạt mát cho thí sinh. Ban chỉ đạo thi yêu cầu tất cả các lực lượng cùng vào cuộc, hỗ trợ từ chi tiết nhỏ cho thí sinh thuận lợi dự thi. Ông ví dụ, có năm dự kiến mưa gió, điểm thi cử người đi mua đủ số lượng áo mưa để thí sinh không bị ướt.

Có kịch bản ứng phó các tình huống

Liên quan đến học sinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành chia sẻ, kỳ thi đã ở rất gần. Lứa thí sinh này có 2 năm trước đó chịu ảnh hưởng của COVID-19 nên đề nghị các trường rà soát lại một lần nữa học sinh còn khó khăn về mặt kiến thức hay không, tránh tình trạng đề thi có nội dung ở lớp dưới lại chưa được học.

Ông Thành cũng lưu ý, cán bộ coi thi phải học kỹ quy chế. Để thuận lợi, các điểm thi cần tạo những tài liệu ngắn gọn, nội dung quan trọng, nhắc bài cho cán bộ coi thi những việc “nên”, “không nên”, được phép làm hay không được phép. “Nhiều tình huống đã xảy ra trong phòng thi từ khâu phát đề, ghi số báo danh. Những năm trước, đã có trường hợp thí sinh viết bài cả trang rồi cán bộ coi thi mới phát hiện có sự nhầm lẫn nào đó, lập tức yêu cầu thí sinh đổi giấy làm lại từ đầu là không đúng. Đối với những trường hợp như thế, cán bộ coi thi phải bình tĩnh, lập biên bản bất thường để lưu ý khi chấm thi”, ông Thành nhấn mạnh.

Đánh giá công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tốt, nhân lực của Hà Nội đã có kinh nghiệm trong các kỳ thi khác nhau tuy nhiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu việc tập huấn cán bộ coi thi với số lượng lớn cần cẩn trọng, chu đáo. Qua các lần tổ chức thi, địa phương rút ra những kinh nghiệm phổ biến cho cán bộ, giáo viên. Ngoài lực lượng chính, ngành cũng cần chuẩn bị lực lượng cán bộ coi thi dự phòng tương ứng. “Trong khâu in sao đề thi và chấm trắc nghiệm có nguy cơ rủi ro, phải lấy chất lượng trang thiết bị máy móc làm ưu tiên, tiếp đến là con người rà soát kỹ càng. Trong phòng thi, cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi phải làm đúng quy chế, không thừa, không thiếu, không tự sáng tạo”, ông Sơn nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, đến thời điểm này công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT ở tất cả các địa phương đang được triển khai tích cực, rốt ráo. Bộ GD&ĐT đã cử các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị, có những chỉ đạo sát sao tuy nhiên từ nay đến kỳ thi, đơn vị vẫn lưu ý tất cả các tỉnh/TP phải có các phương án dự phòng trường hợp thời gian diễn ra kỳ thi có thiên tai, bão lụt, diễn biến thời tiết bất thường để ứng phó. Từ đó, công tác hỗ trợ kỳ thi chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt, khu vực miền núi cần phải tăng cường giải pháp hỗ trợ thí sinh đến điểm thi. Người đứng đầu Bộ GD&ĐT cũng nói thêm, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các địa phương chỉ đạo công tác tổ chức, giám sát kỳ thi nghiêm túc ở tất cả các điểm thi, đảm bảo công bằng, khách quan cho tất cả thí sinh.

MỚI - NÓNG