Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Ngoại ngữ không bắt buộc sẽ giải phóng học sinh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đa số ý kiến về phương án mới nhất thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đều mong muốn kỳ thi tốt nghiệp cần thay đổi theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực. Có ý kiến ủng hộ Tiếng Anh chỉ là môn tự chọn không nên là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT.

Những ngày qua, chủ đề về số môn thi, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được nhiều học sinh, giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục đưa ra thảo luận, tranh luận sôi nổi. Ngoại ngữ nên là môn lựa chọn hay bắt buộc cũng có nhiều quan điểm trái chiều.

Không nên bắt buộc

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 xin ý kiến xã hội có 1 số phương án được đưa ra, thầy ủng hộ phương án 2+2.

Vì theo thầy công, phương án tương đối phù hợp bởi các khía cạnh, môn Toán và ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc, trở thành khung xương sống cho việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển gồm Toán + 2 môn tự chọn hoặc Văn + 2 môn tự chọn.

Môn Ngoại ngữ không nên trở thành môn thi bắt buộc mà nên để là môn tự chọn vì trong chương trình 4 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) nếu để môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc, môn Sử trở thành tự chọn sẽ tạo ra những dư luận trái chiều không đáng có.

Mặt khác, theo thầy Công, chương trình GDPT 2018 đưa vào giảng dạy có môn Trải nghiệm, hướng nghiệp là môn bắt buộc, học sinh được học môn này cẩn thận, bài bản qua các chuyên đề có thể hiểu được bản thân để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, thấy được các xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, xác định các thế mạnh, các điểm yếu của bản thân hoặc các yếu tố xung quanh để xác định hướng nghề nghiệp ở giai đoạn sớm hơn so với các thế hệ học sinh học theo chương trình trước đó.

Do vậy, thầy Công cho rằng, các học sinh đã xác định được hướng đi và tổ hợp thi, khi đó các học sinh học theo tổ hợp KHTN có thể chọn Lí – Hóa; Hóa – Sinh, Lí – Tin, Hóa – Công nghệ; tổ hợp KHXH có thể chọn Sử - Địa, Sử - GDKT-PL, Ngoại ngữ - GDKT-PL, … hay các tổ hợp Ngoại ngữ - Lí, Ngoại ngữ - Hóa, Ngoại ngữ - Sinh, Ngoại ngữ - GDKT PL,…

Còn với các thí sinh học theo tổ hợp khối D truyền thống Toán, Văn, Ngoại ngữ thì chỉ cần chọn thêm 1 môn mà mình có thế mạnh.

“Phương án thi 2+2 tiết kiệm được thời gian thi, giảm kinh phí tổ chức, tạo ra sự đồng đều giữa hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên”- thầy Công nhấn mạnh.

Cần thay đổi phương pháp dạy học ngoại ngữ

Là một giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội, cô Nguyễn Thị Linh cho rằng, cá nhân cô đồng tình với quan điểm sẽ để môn ngoại ngữ chỉ là môn tự chọn kì thi tốt nghiệp THPT.

Sở dĩ như vậy, vì theo cô Linh, Tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung đúng là quan trọng nhưng ai thực sự cần dùng đến nói mới nên học sâu.

“Sở dĩ không cần để ngoại ngữ là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi lẽ, dù bắt buộc thì kết quả môn ngoại ngữ không được tốt như kì vọng. Việc học sinh học thi xong lên đại học không sử dụng thì vẫn rơi rụng và sau vẫn không sử dụng tiếng Anh hiệu quả thực sự”- cô Linh chia sẻ

Mặt khác, theo giáo viên này, là thời buổi hội nhập, thực tế ai cũng dùng đến ngoại ngữ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, ngoại ngữ phải là sinh ngữ thì mới đúng ý nghĩa của việc học.

“Theo tôi Tiếng Anh không nhất thiết phải là môn thi bắt buộc.Tất nhiên, ngoại ngữ vẫn nên được dạy như bình thường, còn việc có chọn thi tốt nghiệp môn này hay không là tùy thuộc vào mỗi học sinh. Chính việc quan trọng hóa tiếng Anh, cào bằng tất cả khiến nhà nhà đi học, người người đi học để lấy chứng chỉ IELTS như hiện nay nhưng bao nhiêu người sau khi có chứng chỉ mà có thể giao tiếp tốt thì không hẳn”- giáo viên này chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thành Công, việc đưa môn ngoại ngữ thành môn tự chọn sẽ giải phóng nhu cầu tự học ngoại ngữ của học sinh đặc biệt là các học sinh ở khu vực biên giới, cửa khẩu sẽ tự do lựa chọn các môn ngoại ngữ phù hợp với nhu cầu thay vì tập trung học môn tiếng Anh.

Tuy nhiên, để triển khai phương án này một cách hiệu quả nhất cần giải quyết các khâu.

Cụ thể, theo giáo viên này, với nhà trường cần thay đổi phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực và tư duy theo chương trình GDPT 2018 một cách thực chất.

Đẩy mạnh và phải thực sự triển khai môn giáo dục trải nghiệm – hướng nghiệp, xây dựng các chương trình hướng nghiệp để học sinh sau 3 năm học tại trường phổ thông có lựa chọn nghề nghiệp chính xác theo sở thích, tiềm năng của bản thân.

Với học sinh, vị giáo viên cho rằng, cần học tập đầy đủ các môn học trong chương trình để có kiến thức cơ sở vững chắc, không coi môn nào là môn chính, môn nào là môn phụ.

Ngoài ra, có kế hoạch nghiên cứu kĩ các vấn đề hướng nghiệp, trao đổi với gia đình, tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc những người đi trước để lựa chọn nghề nghiệp 1 cách phù hợp, chính xác vì khi lựa chọn thi tốt nghiệp 2+2 được sử dụng thì số tổ hợp xét tuyển đại học của thí sinh bị giảm xuống, lúc này thí sinh thực sự chỉ tập trung vào 1 hoặc 1 vài tổ hợp kết quả tốt nhất mà thôi.

Đầu tháng 10 vừa qua, theo kết quả tổng hợp ý kiến góp ý về số môn thi cho phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, gần 60% ý kiến giáo viên (GV) ở một số địa phương tham gia khảo sát (TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang) đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán, cộng thêm 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học lớp 12 (gồm cả ngoại ngữ và lịch sử).

MỚI - NÓNG