Vừa khóc vừa hát Quốc ca
Ngay khi bước chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi tập trung ở quảng trường thị trấn để tham dự Lễ chào cờ. Giữa bốn bề sóng nước mênh mông, nền trời như xanh và cao hơn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên đỉnh cột mốc chủ quyền thiêng thiêng của Tổ quốc.
Hơn 200 đại biểu xếp hàng trang nghiêm, chờ đợi giây phút đặc biệt mà không phải ai cũng có cơ hội được tham dự một lần trong đời. Mọi người chỉnh đốn trang phục gọn gàng, ngay ngắn. Một vài phút trôi qua. Không gian và thời gian như ngưng đọng càng làm cho không khí buổi lễ thêm trang trọng.
Bỗng giữa không gian linh thiêng ấy, tiếng hô dõng dạc vang lên:
- Nghiêm! Chào cờ... Chào!
Nhạc và Quốc ca nổi lên hào hùng! Chúng tôi nhìn lên Quốc kỳ, cất tiếng hát trong niềm xúc động, tự hào: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/…
Quốc ca vừa dứt, 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam qua lời tuyên thệ của quân nhân Trường Sa dõng dạc dưới cờ đỏ quang vinh:
“Chúng tôi, Quân nhân trong QĐND Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xin thề!...”.
Mười Lời thề danh dự ấy tôi đã nghe nhiều lần nhưng lần này như thấm vào từng nhịp đập con tim, từng hơi thở. Không ai bảo ai, tất cả đều đưa tay lên ngực trái, trong niềm xúc động dâng trào.
Mười lời thế ấy cũng là tâm nguyện thiêng liêng, thể hiện phẩm giá của quân nhân QĐND Việt Nam trước Tổ quốc; thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam. Đó là sự khẳng định QĐND Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vị thế đầy vinh dự và trách nhiệm, không bao giờ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống. Không bao giờ chệch hướng đi. Lời thề ấy chính là phẩm chất, văn hóa đặc sắc Bộ đội Cụ Hồ.
Còn gì vinh dự, tự hào hơn khi người chiến sĩ đọc lời thề danh dự mà người soạn 10 lời thề ấy lại chính là “Anh Cả” của QĐND Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mười lời thề được đọc lần đầu tiên trong Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) với tên gọi "Những quy định của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân". Sau này bổ sung, hoàn chỉnh thành Mười lời thề danh dự.
Lễ chào cờ ở Trường Sa. |
Đứng dưới Quốc kỳ, hát Quốc ca và đọc 10 Lời thề danh dự, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, được thanh lọc từ đáy lòng, nguyện hứa sẽ làm thật nhiều vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong chuyến công tác này.
Tôi cũng cảm nhận một nguồn năng lượng cuồn cuộn trong người. Cảm nhận Tổ quốc hiện hữu thật gần “ở đây và bây giờ”: Tổ quốc là bầu trời xanh thẳm, là biển đảo quê hương mênh mông. Tổ quốc hóa thân vào lá cờ đỏ sao vàng, vào từng thớ đất, đụn cát, hòn sỏi, vào màu xanh của cây lá Trường Sa. Tổ quốc là máu thịt biển đảo không thể tách rời đất Mẹ.
Ra Trường Sa công tác, tôi được dự lễ chào cờ mỗi khi lên các đảo, nhưng đặc biệt nhất là Lễ chào cờ ở thị trấn đảo Trường Sa. Nhiều người đã bật khóc nức nở ngay khi Quốc ca vang lên.
Quốc kỳ có dấu đỏ và kỷ vật Trường Sa
Trong những lá cờ chúng tôi mang từ đất liền ra đảo có những lá cờ được lồng trong khung kính, gói ghém cẩn thận đặt trong ba lô. Đến mỗi đảo như Song Tử Tây, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây A, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa, Nhà giàn Huyền Trân…, chúng tôi đều trân trọng xin chữ ký của chỉ huy đảo, đóng dấu của đảo lên mỗi cánh sao vàng.
Ai cũng nâng niu, giữ gìn lá Quốc kỳ trong suốt hải trình, ghi “dấu ấn” của từng đảo, dấu mốc chủ quyền của Tổ quốc. Để mỗi khi trở về với kỷ niệm, của những ngày lênh đênh trên sóng biển, những giờ phút đặt chân lên đảo chìm, đảo nổi, chúng tôi đều thấy mình vẫn đang "có" Trường Sa.
Bộ sưu tập của Đại tá Đỗ Tiến Thùy. |
Sau chuyến đi hồi tháng 5 vừa qua, bộ sưu tập của Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang là những kỷ vật đặc biệt. Những bình nước biển lấy ở mỗi vùng tàu đi qua, những viên đá san hô trên mỗi đảo. Và đặc biệt là Quốc kỳ có chữ ký và dấu đỏ của chỉ huy các đảo, anh luôn đặt ở vị trí trang trọng giữa bộ sưu tập.
Ra Trường Sa, mỗi đoàn công tác đều tổ chức chào cờ, hát Quốc ca trên các đảo. Nhưng với tôi, Lễ Chào cờ trên đảo Trường Sa thật đặc biệt, linh thiêng, không thể nào phai mờ trong ký ức.
Tôi cảm nhận được điều thiêng liêng, hãnh diện từ những kỷ vật của Đại tá Thùy. Lá Quốc kỳ và những kỷ vật ấy có năng lượng của đất và trời Trường Sa, có vị mặn sóng biển Trường Sa, có tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.
Tôi còn biết một chuyện cảm động nữa: Nhà văn Niê Thanh Mai đã mang về chai nước biển Trường Sa, làm quà tặng cho người ở nhà chưa có may mắn được ra đảo.
Đại biểu xin chữ ký và dấu lên Quốc kỳ của chỉ huy đảo. Ảnh: Nguyễn Tuấn. |
Một trong số ít người được Niê tặng quà, xúc động kể lại: “Đó là một cái lọ bé xinh đựng nước biển Trường Sa. Chị đã rất kỳ công khi mang một chai nước biển về đất liền, rồi cẩn thận chắt ra từng cái lọ bé xíu, cột chiếc nơ lên đó và đem tặng cho những người bạn. Chị kể chai nước biển này chị lấy được ở đảo Cô Lin, nơi có những con sóng cận kề đảo Gạc Ma vỗ về. Tôi đã cẩn thận đặt cái lọ bé xinh nhưng vô cùng ý nghĩa này vào một nơi trang trọng nhất trong nhà. Bởi thấy lọ nước biển ấy, tôi như đã được "chạm" vào Trường Sa”.