Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) tham gia gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 có thêm TPbank và VPBank đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Một khu nhà ở xã hội tại Bắc Giang (ảnh: Ngọc Mai). |
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội là chương trình do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn tham gia và lãi suất giảm từ 1,5-2% so với thị trường. Từ tháng 4/2023, gói tín dụng được giải ngân kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030.
Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm.
Qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 73 dự án. Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án: Hà Nội (6 dự án), TPHCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...
Các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền 1.234 tỷ đồng. Trong đó, có 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án. Trong đó, giải ngân cao nhất là Agribank với 531 tỷ đồng, thấp nhất là Vietcombank 2 tỷ đồng. Dù mới tham gia nhưng TPbank đã giải ngân 170 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, tính từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó, đã hoàn thành 75 dự án với quy mô 39.884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ sớm sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn.