Thông tư 22: Vẫn còn áp lực, học sinh vẫn đi học thêm?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Thông tư 22 quy định học sinh giỏi khi 6 môn có điểm 8.0 trở lên. Nhiều người băn khoăn cho là quy định đó có thể tạo áp lực khiến phụ huynh, nhà trường chạy theo thành tích mới, có thể ép học sinh đi học thêm.

Tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu tốt hơn?

Ngay sau khi Bộ ban hành Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT, nhiều ý kiến cho rằng các môn học ở trường phổ thông không còn môn chính, môn phụ bởi theo Thông tư này đã bỏ tính điểm trung bình các môn học, điểm số các môn đều có vị trí như nhau.

Đặc biệt, trong việc xếp loại học lực ở các mức không còn chịu tác động bởi 2 môn Văn và Toán (Thông tư 58) hoặc 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ (Thông tư 26) như trước đây nữa. Vì thế, nhiều người cho rằng chuyện môn chính, môn phụ sẽ không còn trong trường phổ thông nữa.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Võ Thị Kim Hiệp, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng, thông tư 22 sẽ giảm được áp lực cho học sinh. Bên cạnh đó tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu tốt hơn.

Theo cô Hiệp, học sinh không thể giỏi cả lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Vì thế, thông tư 22 giúp học sinh mạnh dạn đầu tư học tập theo năng khiếu của mình mà không lo sợ bị đánh giá thấp

Thông tư 22 ra đời, bỏ được cách tính điểm trung bình môn học, bỏ được sự ràng buộc của các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong xếp loại học lực cho học trò nhưng tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn hiện hữu trong suy nghĩ của mọi người và trong chính chương trình học phổ thông.

Cô Hiệp cho rằng, bản thân ngành giáo dục không phân biệt môn chính môn phụ nhưng thực tế lại phân biệt các môn này với khoảng cách lớn. Và việc thi cử hiện nay cũng làm tăng thêm việc phân biệt môn chính, môn phụ.

“Ví dụ ở TP.HCM thi tuyển sinh lớp 9 thi 3 môn toán, văn, anh. Và thi môn chuyên mà hiện nay môn chuyên cũng chỉ tập trung ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên là chủ yếu. Điều này làm cho việc tập trung học thêm, luyện thi ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên nhiều và nhu cầu rất lớn. Thực tế đó khiến người ta phân biệt môn chính môn phụ”- cô Hiệp cho biết.

Còn lắm băn khoăn

Trước đây, để đạt loại Giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8 trở lên, trong đó điểm trung bình môn Toán hoặc Ngữ văn phải từ 8 trở lên. Tuy nhiên, theo cách đánh giá mới thì học sinh chỉ cần có 6 môn bất kì đạt trung bình trên 8.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Võ Thị Kim Hiệp cho rằng, 6 môn đạt 8.0 trở lên là đòi hỏi cao quá bởi vì hiện nay học sinh học những môn không phải là thế mạnh thì thường cũng cố gắng lắm là 7.0 trở lên. Nếu lấy mức sàn 8.0 sẽ có áp lực ở chỗ này khiến cho phụ huynh và học sinh kể cả nhà trường chạy theo thành tích mới cho và có thể ép học sinh đi học thêm. Còn ở tiêu chí tất cả các môn trên 6.5 theo quy định như cũ thì không vấn đề gì.

“Vì thế, nếu muốn giảm tình trạng học thêm và giảm phân chia môn chính môn phụ thì nên chăng hạ mức sàn ở tiêu chí thứ 2 là 6 môn thay vì 8.0 trở lên thì hạ xuống còn 7.0 trở lên”- cô Hiệp nêu quan điểm.

Trước vấn đề lo ngại, vậy sẽ có nhiều học sinh chọn môn dễ, môn ít tiết để học; cô Hiệp cho rằng, điều này có xảy ra nhưng chiếm tỉ lệ thấp vì ngoài thực tế ngành nghề vẫn còn tuyển thiên về các môn Khoa học tự nhiên nên học sinh không thể bỏ hẳn để chạy theo thành tích lệch như vậy.

Thêm nữa, theo cô Hiệp là khi có thông tư mở thì học sinh mạnh dạn yêu thích môn học một cách chính xác theo năng khiếu bản thân và theo đuổi yêu thích môn học một cách chính đáng.

“Thông tư sẽ cởi trói một phần cho học sinh bớt sự áp đặt của phụ huynh khi phụ huynh ai cũng muốn hướng con theo những môn chính để có tương lai vô tình bóp chết đam mê năng khiếu của học sinh”- cô Hiệp nói.

Thông tư 22 ra đời, bỏ được cách tính điểm trung bình môn học, bỏ được sự ràng buộc của các môn Toán,Văn, Ngoại ngữ trong xếp loại học lực cho học trò nhưng tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn hiện hữu trong suy nghĩ của mọi người và trong chính chương trình học phổ thông.

Chương trình, sách giáo khoa trước đây hay chương trình giáo dục phổ thông 2018 không có từ nào khẳng định các môn học như: Toán, Văn, Anh là môn học chính. Các môn học khác như Công nghệ; Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật…là môn học phụ.

Về vấn đề này, cô Hiệp cho rằng, không có sự ràng buộc giữa các môn Toán, Văn, tiếng Anh trong xếp loại học sinh cũng chưa hẳn là một việc làm hay, phù hợp với thực tế chương trình của từng môn học tới đây.

“Vì có học sinh không giỏi lĩnh vực nào đó nhưng để đánh giá học sinh giỏi thì phải đi học thêm để đạt được tiêu chí đánh giá mới được học sinh giỏi”- cô Hiệp băn khoăn.

Vấn đề ở chỗ theo cô Hiệp, tại sao điểm số các môn học như nhau mà số tiết học các môn học lại có sự chênh lệch quá lớn? Chẳng hạn như môn Toán, môn Văn so sánh với môn Giáo dục Công dân, Công nghệ…Như vậy, bản chất của chương trình học cũng có mâu thuẫn.

Vấn đề cốt lõi ở đây, theo cô Hiệp lại ở nhiều vấn đề như: ở chương trình, sách giáo khoa,… Nếu như thay đổi thì phải đồng bộ chứ không thể chỉ thay đổi một khâu (là thông tư) còn các khâu kia giữ nguyên thì có độ chênh.

“Vậy cho nên không thể nhìn cái lợi ích trước mắt và chạy theo điểm số mà so đo được. Cần dạy học thực chất, phát triển năng lực thực lực của học sinh, phát triển năng khiếu của học sinh. Chứ như giờ tình trạng trộn lẫn giữa học thực chất và không thực chất vẫn diễn ra”- cô Hiệp nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG