Thu hẹp các khoảng trống chính sách về nhựa và rác thải nhựa

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 60 đại biểu đến từ các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan báo chí/ truyền thông, doanh nghiệp, mạng lưới hoạt động vì môi trường, tổ chức xã hội đã tham gia “Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức vào ngày 28/2/2023 tại Hà Nội.
Thu hẹp các khoảng trống chính sách về nhựa và rác thải nhựa ảnh 1

Đây là hoạt động thứ 9 trong khuôn khổ dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” do VSF khởi xướng và là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận tài trợ từ Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network) năm 2022.

Thu hẹp các khoảng trống chính sách về nhựa và rác thải nhựa ảnh 2

“Đối thoại nhằm mục đích chia sẻ thông tin về thực trạng về ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa tại Việt Nam và ảnh hưởng của rác thải nhựa tới sức khỏe con người; Tăng cường cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan trong việc giảm ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa; Khuyến nghị các chính sách và truyền thông vận động chính sách để giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam” - Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết.

Thu hẹp các khoảng trống chính sách về nhựa và rác thải nhựa ảnh 3

Tại buổi đối thoại, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) đã trình bày tổng quan về ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa và ảnh hưởng của rác thải nhựa lên môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo đó, ông nhấn mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như tác hại khi sử dụng túi nilon, đồ nhựa; Vận động người dân tiết giảm đồ nhựa dùng một lần và chủ động phân loại rác ngay tại nguồn. Để nâng cao hiệu quả việc này, ông cũng kiến nghị sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đặc biệt trong vấn đề tăng thuế và cấp phép, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa và nói không với việc nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về để tái chế.

Thu hẹp các khoảng trống chính sách về nhựa và rác thải nhựa ảnh 4

Với bài chia sẻ về “Báo cáo rà soát chính sách hiện hành về quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”, Bà Kim Thúy Ngọc – Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra các khung pháp lý đã được ban hành, đồng thời kiến nghị cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các bên liên quan để tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Các quy định liên quan đến trách nhiệm của nhà tái chế, trách nhiệm của nhà sản xuất cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Tại buổi đối thoại, các phóng viên là thành viên Mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" cũng chia sẻ những câu chuyện thực tế từ các chuyến tác nghiệp điều tra về vấn đề môi trường, những khó khăn, thách thức gặp phải với phóng viên, nhà báo nói chung và phóng viên nữ nói riêng.

Thu hẹp các khoảng trống chính sách về nhựa và rác thải nhựa ảnh 5

Điểm chính trong chương trình là phiên đối thoại chính sách với chủ đề "Các định hướng chính sách và truyền thông vận động chính sách để giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa". Tại phiên đối thoại, các khách mời là đại diện của cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những khó khăn trong quá trình thực thi luật, những khoảng trống trong các chính sách về nhựa và tái chế nhựa từ góc nhìn đa chiều của các bên liên quan. Qua đó, các đại biểu cùng đưa ra các đề xuất chính sách, cũng như chiến lược truyền thông vận động chính sách về nhựa và rác thải nhựa, góp phần đạt được mục tiêu chung là giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng nhựa, thúc đẩy lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.

Thu hẹp các khoảng trống chính sách về nhựa và rác thải nhựa ảnh 6

Tại sự kiện, một không gian triển lãm nhỏ được các đơn vị, tổ chức trưng bày các sản phẩm “xanh” như: mô hình trường học bằng gạch tái chế từ rác thải nhựa của công ty Intraco; các sản phẩm túi vải, ống hút, thìa và túi nilon từ chất liệu sinh học, báo cáo phát triển bền vững của Tập đoàn TH; các sản phẩm túi đi chợ, trang sức tái chế từ lưới đánh cá, vỏ thực phẩm,v.v. từ mạng lưới PHA; Báo cáo về chất thải nhựa của Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP).

Dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" do VSF khởi xướng và là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận tài trợ từ Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network) năm 2022. Bên cạnh đó, dự án còn nhận được sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam và sự phối hợp triển khai của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), Mạng lưới Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA).

Mục tiêu chính của dự án nhằm nâng cao năng lực, sự tham gia và lãnh đạo của các phóng viên nữ (đặc biệt là các phóng viên trẻ) trong điều tra, đưa tin về ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, chuyên gia, các nhà nghiên cứu/nhà hoạt động môi trường và các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.
MỚI - NÓNG
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
TPO - Trong số hơn 1.300 trường hợp bị tước giấy phép lái xe có đến 745 người vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt hành chính ước tính 6,575 tỷ đồng. Trong đợt ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp lễ, Bình Dương tăng số tổ công tác và lượt cán bộ, đạt kết quả cao trong tốp 4 toàn quốc.