Ngay từ khi còn là cô tân sinh viên ở Học viện Ngoại giao, Phan Quỳnh Nga đã sớm bộc lộ năng lực của mình với ngôi vị quán quân của cuộc thi DAV’s Leaders 2017, trở thành Khóa trưởng khóa mới có trách nhiệm dẫn dắt phong trào sinh viên trong trường, gắn kết các bạn cùng khóa và là cầu nối giữa sinh viên với cán bộ giảng viên trong học viện.
Trong suốt những năm học sau đó, Quỳnh Nga luôn hoàn thành tốt vai trò của mình, tích cực học tập, tham gia nhiều phong trào, hoạt động trong và ngoài học viện, đồng thời gặt hái được nhiều thành tích đáng nể, tiêu biểu như: giải Sáng tạo, ASEAN Writing Contest 2018; đồng tác giả bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á; tham gia thi hay được mời làm giám khảo của các giải tranh biện quốc tế; đại biểu Việt Nam tại các sự kiện ASEAN Foundation Model ASEAN Meeting 2020, ASEAN Future Leaders Summit 2020, ASEAN University Student Council Union 2020;… cùng nhiều giải thưởng, học bổng khác.
Nhận danh hiệu Sao Tháng Giêng. |
Quỳnh Nga chia sẻ kinh nghiệm học tập trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời đại chuyển đổi số, khi sinh viên phải học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Những khó khăn bạn gặp phải trong cuộc sống đại học? Làm thế nào để vượt qua và đạt được thành quả hiện tại?
Phan Quỳnh Nga: Một trong những khó khăn mình gặp phải khi bắt đầu quãng đường Đại học là việc bước vào một môi trường hoàn toàn mới: Nơi ở mới, thầy cô, bạn bè mới, phong cách học mới. Khoảng 1-2 tháng đầu là quãng thời gian khá khó khăn để mình làm quen và bắt kịp với những điều này. Tuy nhiên, mình may mắn đã có 3 năm cấp ba học xa nhà nên có thể dần lấy lại tinh thần tự lập, chủ động, từng bước khám phá đường phố, cách sống ở Hà Nội cũng như học hỏi các bí kíp học tập, hoạt động từ mọi người.
Khó khăn thứ hai là những áp lực đến từ nhiều phía: Kì vọng của bản thân, sự thành công của bạn bè đồng trang lứa, sự mong chờ của gia đình,... Với điều này, mình nghĩ không có cách để vượt qua hoàn toàn, mà việc cần làm là học cách đối mặt và quản lý kì vọng. Khi xác định được đâu là mục tiêu quan trọng của bản thân, mình từng bước biến áp lực thành động lực để đạt được một số thành công nhất định cũng như không nản chí sau thất bại.
Kinh nghiệm học tập thời chuyển đổi số của bạn, nhất là học online do COVID-19?
Phan Quỳnh Nga: Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Học viện Ngoại giao đã nhanh chóng triển khai việc học trực tuyến qua nền tảng Teams như nhiều trường khác. Đây quả thực là một trải nghiệm mới lạ và thử thách, kể cả với thế hệ trẻ đã quen sử dụng các công cụ online như chúng mình. Thầy cô và sinh viên phải luyện tập từ những thao tác đơn giản nhất như chia sẻ màn hình, nộp bài tập; đảm bảo đường truyền ổn định, không gian yên tĩnh, phù hợp khi dạy và học;...
Song song với những vấn đề về kĩ thuật là khó khăn thậm chí còn lớn hơn về tinh thần: Thiếu tương tác, dễ mất tập trung, mệt mỏi khi phải nhìn vào máy tính quá lâu. Để dần vượt qua điều này, mình bắt đầu từ những việc đơn giản như đứng dậy uống nước, vươn vai sau mỗi 45-60 phút nhìn màn hình, bật camera để tương tác tốt hơn với lớp cũng như hạn chế bản thân xao nhãng, và ăn uống đủ chất để có sức khoẻ “chinh chiến” với các bài tập, deadlines.
Tuy nhiên, học online cũng có những thuận lợi riêng: Dễ dàng xem lại bài giảng, slide tiết học; lưu trữ tổng hợp, có hệ thống các bài tập, tài liệu học; có thể học ở bất cứ đâu, tiết kiệm thời gian di chuyển. Mình đã có vài lần xem lại bản ghi của buổi học do có lịch bận trùng tiết học hay muốn đào sâu thêm ở một số phần thầy cô nói quá nhanh.
Ngoài việc học, mình cũng đã góp mặt trong nhiều hoạt động online trong giai đoạn COVID-19 (các sự kiện giao lưu thanh niên ASEAN, các giải đấu tranh biện, các dự án xã hội,...). Tuy khá tiếc vì không được trực tiếp di chuyển đến các địa điểm trong nước và ngoài nước để tham gia nhưng mình rất trân trọng những cơ hội này vì tổ chức trên nền tảng online giúp mình tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian và công sức, từ đó có thể tham gia nhiều chương trình hơn.
Đại diện sinh viên Việt Nam phát biểu Sự kiện Sea Lecture hall - compressed. |
Nhận thưởng Diplomacy Game. |
Bạn có suy nghĩ gì về xu hướng chuyển đổi số trong trường đại học?
Phan Quỳnh Nga: Theo mình, xu hướng chuyển đổi số trong trường đại học là một điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay: Đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động trực tiếp bị hạn chế; sự phát triển của công nghệ cho phép chúng ta ứng dụng nhiều công cụ, chức năng hơn; khả năng thích nghi với công nghệ thông tin của sinh viên ngày càng cao. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong trường đại học không chỉ là quá trình chuyển sang dạy và học online mà còn là đưa toàn bộ hoạt động khác lên môi trường số (nghiên cứu, quản lý, tổ chức hoạt động…). Vì vậy, mình tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển và đem lại nhiều lợi ích nếu như được tận dụng tốt.
Cảm ơn bạn!