Thủ lĩnh tỏa sáng nghị lực Việt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tạ Bình An và Trần Việt Hùng là hai thanh niên khuyết tật giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh, tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Họ là hai trong số 35 gương được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023.
Thủ lĩnh tỏa sáng nghị lực Việt ảnh 1
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trao khen thưởng gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu. Ảnh: Xuân Tùng

Hỗ trợ tâm lý người khuyết tật

Từ nhỏ, Tạ Bình An (SN 2000, quê Hà Nam) có hoàn cảnh éo le khi mắc căn bệnh đục thủy tinh thể, không nhìn thấy gì và thiếu hơi ấm tình thương của người cha từ thuở lọt lòng. Mẹ cậu cũng là người khiếm thị. Hai mẹ con nương tựa vào nhau trong căn nhà tuềnh toàng rộng hơn chục mét vuông và phải lăn lộn, xoay xở mưu sinh. Khi còn nhỏ An chỉ buồn khi không thể đến trường, vui chơi như các bạn.

Thủ lĩnh tỏa sáng nghị lực Việt ảnh 2
Anh Tạ Bình An - Phó Chủ nhiệm CLB Hoa đá tích cực tham gia hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC

Những lần An hỏi mẹ “tại sao con không được đến trường?”, cậu luôn nhận lại cái ôm và thanh âm nghẹn ngào của mẹ. Năm 8 tuổi, được sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, An có cơ hội phẫu thuật. "Hai mẹ con lên Hà Nội với hi vọng ánh sáng trong đôi mắt, nhưng hi vọng nhiều thì thất vọng càng sâu. Tôi nhớ khoảnh khắc tháo băng bịt mắt, xung quanh tôi vẫn là màn đêm vô tận. Tôi đã thực sự bi quan, còn mẹ khóc rất nhiều”, An chia sẻ.

Thương mẹ, An nhanh chóng xốc lại tinh thần, động viên mẹ. Không phụ lòng của mẹ, cậu đã nỗ lực học tập ở ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, rồi thi đỗ vào khoa Tâm lý, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

“Rào cản lớn nhất khi tham gia học tập tại môi trường đại học là sự kỳ thị phân biệt đối xử. Tôi từng nhận những câu hỏi nghi ngờ về năng lực của bản thân. Tôi còn nhớ lần đầu làm việc nhóm ở trường đại học. Khi biết tôi là người khiếm thị các bạn thể hiện rõ sự không mong muốn tôi có mặt trong nhóm. Trong những nhiệm vụ được phân công tôi thường bị gạt ra, trở thành một người vô hình trong nhóm”, An nhớ lại.

Bị từ chối khiến An càng nỗ lực học tập. Cậu muốn trở thành chuyên gia tâm lý để có thể hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ. Nhiều năm liền cậu giữ được thành tích học tập tốt với số điểm cao; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện.

Với vai trò Phó Chủ nhiệm CLB Hoa đá kiêm Ban chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, An đã tham gia tổ chức nhiều chương trình, hoạt động gây quỹ, kết nối giữa các câu lạc bộ, đội nhóm để giúp đỡ những mảnh đời éo le. Cậu là một trong những người đóng góp tích cực nhất cho cộng đồng người khuyết tật.

Tuyên dương 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu

Tối 24/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, UBQG về người khuyết tật Việt Nam, Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. Dự chương trình có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn. Chương trình đã tuyên dương 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu giàu nghị lực. Mỗi gương được tặng Bằng khen của Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam, biểu trưng của chương trình và 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Lan tỏa nghị lực, kết nối việc làm

Anh Trần Việt Hùng (SN 1996, Bắc Giang) sinh ra trong gia đình thuần nông, mắc hội chứng bại não bẩm sinh. Anh lớn lên gắn liền với chiếc xe lăn. Tuy đôi chân không đi lại được, đôi tay co quắp, may mắn trí não anh lại bình thường. Anh được bố mẹ cho tham gia lớp học hòa nhập dành cho người khuyết tật đến hết lớp 5.

Thủ lĩnh tỏa sáng nghị lực Việt ảnh 3
Anh Trần Việt Hùng (CLB Thanh niên khuyết tật huyện Lạng Giang) đã dạy miễn phí cho nhiều người khuyết tật về thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh, dựng video. Ảnh: NVCC

Không muốn mãi là gánh nặng của gia đình, năm 2015, anh Hùng mày mò học cách sử dụng máy vi tính, chỉnh sửa photoshop và video từ trên internet. Bàn tay dị tật co quắp dần quen hơn với việc dùng chuột máy tính, lướt phím để chỉnh, dựng video của gia đình, họ hàng, bạn bè.

Nhiều đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội được nhận “like”, bình luận khen ngợi từ cộng đồng mạng, giúp anh mở lòng hơn, có thêm những người bạn mới. Qua một người quen giới thiệu, anh tìm được công việc làm tại nhà và kiếm được khoản thu nhập đầu tiên. “Thành quả lao động đầu tiên dù chẳng đáng là bao, nhưng tôi cảm thấy rất vui, có thêm quyết tâm học thêm nhiều kỹ năng khác nữa”, anh Hùng nói.

Đặc biệt, từ những tương tác trên mạng xã hội dưới các video đăng tải, anh Hùng đã kết duyên với chị Nguyễn Thị Lan (SN 1999), cũng bị khuyết tật từ nhỏ. Hai mảnh đời khiếm khuyết đã cùng nhau vượt qua số phận, vun đắp tổ ấm gia đình. Cùng với việc phụ vợ bán hàng nước tại nhà, chăm hai con gái nhỏ, anh nhận sửa chữa, cài đặt máy tính, tải nhạc điện thoại để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.

Không chỉ nỗ lực vươn lên giúp bản thân, anh Hùng còn tích cực tham gia các diễn đàn lan tỏa nghị lực sống do Hội LHTN tỉnh Bắc Giang tổ chức. Anh tham mưu với Ban Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) thực hiện nhiều chương trình nhằm thúc đẩy hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật. Đến nay, anh đã dạy trực tuyến miễn phí cho nhiều người khuyết tật về thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh, dựng video; kết nối giới thiệu việc làm giúp nhiều hội viên có thu nhập ổn định.

Anh Hùng cho biết, năm 2019, nhận thấy nhiều người khuyết tật ở địa phương mong muốn có một địa chỉ để cùng nhau chia sẻ trong cuộc sống, anh đã vận động, kết nối các thanh niên khuyết tật trên địa bàn huyện Lạng Giang cùng với sự định hướng giúp đỡ của Hội LHTN huyện ra mắt CLB Thanh niên khuyết tật huyện Lạng Giang. Hiện CLB có 40 thành viên với nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối giúp các thành viên tự tin hòa nhập, tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng.

MỚI - NÓNG