Thư mời đi họp cũng ghi 'mật'!

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai. Ảnh: SGGP.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai. Ảnh: SGGP.
TP - Đề cập dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, nhiều ý kiến cho rằng, những thông tin như tình hình sức khỏe của cán bộ, thông tin trên giấy mời, hay học phí, viện phí… không nhất thiết phải là “mật” và hoàn toàn có thể cung cấp được cho người dân.

Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Luật Tiếp cận thông tin. Ngoài yêu cầu hạn chế thông tin là mật, nhiều ý kiến đề nghị Luật này cần phải mở theo hướng tạo điều kiện để người dân tiếp cận được thông tin dễ dàng hơn.

Càng “bí mật” càng gây phức tạp

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, Luật Tiếp cận thông tin còn có những điểm không rõ ràng, thậm chí dễ xảy ra mâu thuẫn. Chẳng hạn, luật này quy định về những vấn đề các bộ phải trả lời, nhưng Bộ Công an, Quốc phòng có nhiều vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia, không thể cung cấp thông tin. Nhưng nếu không trả lời lại dễ bị khiếu nại tố cáo vì không cung cấp thông tin theo quy định. Ông Sơn cũng tỏ ra băn khoăn khi thực tế tài liệu ghi “mật” quá nhiều, thậm chí thư mời đi họp cũng ghi “mật”. “Với luật này, nếu là chánh văn phòng, tôi không biết cái gì có thể trả lời, cái gì không trả lời, vì cái gì cũng “mật” cả”.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn nêu ví dụ: “Đồng chí Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng đi chữa bệnh, người ta quan tâm đến tình hình sức khỏe của ông Thanh thế nào? Khi chưa có luật này thì thông tin này được xem là bí mật. Nhưng tôi nghĩ, một cán bộ đi chữa bệnh có gì đâu mà phải bí mật? Càng bí mật có khi lại càng làm phức tạp thêm tình hình”, ông Sơn đề nghị cần phải rà soát hết lại, đã mở phải cố gắng mở, cái gì tối mật, không được cung cấp thì phải nói rõ.

Trước những trường hợp cụ thể được nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, những gì hạn chế đến quyền tiếp cận thông tin của người dân thì phải ghi cụ thể trong luật. Tuy nhiên, luật này ra đời phải nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. “Đến thư mời đi họp cũng ghi mật như anh Sơn vừa nói thì còn gì để công khai? Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện ngay trong luật”, ông Lý nêu.

Học phí, viện phí phải công khai hết

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, quy định từ dự thảo luật này dễ xảy ra mâu thuẫn trong việc cung cấp thông tin. “Tại sao trường công lập công bố thông tin học phí, còn ngoài công lập lại không? Viện phí cũng vậy, vì sao?, mặc dù bản chất như nhau và cùng tác động đến người dân? Cả học phí và viện phí, dù là công hay tư cũng đều phải cung cấp thông tin như nhau, như vậy mới không gây ra sự bất bình đẳng”, ông Thi đề nghị.

Tán thành với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho đây là điểm còn vướng khi tiếp cận dự án luật. “Người dân muốn biết khu đất này quy hoạch chưa, quy hoạch đến khi nào? Hay biết đang có dịch bệnh nào đó, người dân muốn biết có lan đến vùng này không?… Nhu cầu đó là có thật, nên luật ra đời phải tạo cơ chế thuận lợi cho người ta tiếp cận và trên tinh thần phục vụ người dân thực sự”.

Trước thực tế đó, bà Mai đề nghị phải rà soát, xác định loại thông tin nào là bí mật, thông tin nào trước đây là “mật” bây giờ có thể cung cấp và hình thành danh mục rõ ràng để luật bớt mơ hồ. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị nên có cơ chế để UBND xã, phường hướng dẫn, hay giúp đỡ người dân đưa ra yêu cầu đến cơ quan khác tìm kiếm thông tin, vì xã, phường vốn là nơi người dân thường xuyên đến hỏi thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định cụ thể khoản thu mà người nhận thông tin phải trả và trả như thế nào. Không cẩn thận thì chi phí hành thu lớn hơn cả khoản thu. Do đó, theo ông Hiển, quy định trong luật này phải đồng bộ với Luật phí, lệ phí và cần có danh mục để quy định cụ thể.

Thông tin sai bão, lũ phải có người chịu trách nhiệm

Cho ý kiến về dự án Luật Khí tượng thủy văn chiều 12/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý ba Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin và Luật Khí tượng thủy văn phải thống nhất. Bởi người dân cần được tiếp cận thông tin khí tượng thủy văn một cách chính xác, nếu cảnh báo sai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhấn mạnh, với những thông tin về bão, lũ lụt hay nước dâng ở ao hồ, đập thì phải công bố cho dân. Nếu thông báo sai thì phải chịu trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cân nhắc với quy định cho tư nhân đầu tư vào dịch vụ khí tượng thủy văn. Vì hiện dự báo Quốc gia đã có, do vậy chỉ nên cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực quan trắc hoặc cung cấp thông tin theo đề nghị của một cơ quan đơn vị nhất định chứ không nên bắt buộc.              

Thành Nam

MỚI - NÓNG