Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Thích nghi có kiểm soát với hạn, mặn

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Quan điểm của Bộ NN&PTNT là tôn trọng tự nhiên, sống thuận thiên, nhưng không có nghĩa là bị động ngồi đợi. Chúng ta sẽ không thể điều hành sản xuất, quy hoạch sản xuất khi ranh mặn không được kiểm soát. Quan điểm của Bộ là thích nghi có kiểm soát”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Sau khi báo Tiền Phong có loạt bài “Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn” phản ánh tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp có cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL cần phải nhìn nhận ở nhiều góc độ. Thứ nhất, đây là diễn biến tự nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Hạn, mặn là quy luật tự nhiên, nhưng hiện nay có chiều hướng nghiêm trọng hơn trước. Nhìn nhận nó như một quy luật tự nhiên để có cách ứng xử bình tĩnh, không vội vàng, không chống lại tự nhiên. Ở góc độ xã hội, dân cư tăng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khác với trước đây. Ví dụ, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL nhiều lên, cần lượng nước ngọt nhiều hơn. Có địa phương nuôi tôm nhiều hơn, cần nước mặn nhiều hơn. Nhu cầu về nguồn nước khác với trước đây.

Ở góc độ cơ quan điều hành, quản lý, cần nắm được các quy luật để có chỉ đạo, điều hành theo tinh thần chủ động sống chung với hạn, mặn. Ví dụ, năm nay mặn xâm nhập sâu khoảng 50km, nhưng năm sau lên tới 80km cũng không bất ngờ, trong đó ưu tiên về nước sinh hoạt, để người dân đảm bảo cuộc sống; sau đó ưu tiên nước cho sản xuất công nghiệp, nước tưới cho các diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao…

Dự báo sớm và chủ động

Ông vừa có chuyến khảo sát thực tế tại các địa phương vùng ĐBSCL. Ông có nhận định gì về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm nay?

Năm nay xâm nhập mặn diễn ra sớm và vào sâu hơn mức trung bình 10 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta đã rất chủ động trong ứng phó. Ngay từ tháng 6/2023, Bộ đã tổ chức hội nghị ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Thông tin dự báo về hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 là rất sớm, rất sát. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương bị ảnh hưởng chủ động xuống giống vụ lúa Đông - Xuân trước khoảng 1 tháng để giảm thiệt hại. Vì thế, vụ này ở ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha nhưng chỉ có khoảng 22.000 ha có thể bị ảnh hưởng mức độ nhẹ (ở Trà Vinh, Sóc Trăng). Diện tích cây ăn trái hầu như không bị ảnh hưởng do đã có tích trữ nước tưới từ trước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Thích nghi có kiểm soát với hạn, mặn ảnh 1

Hạn hán nghiêm trọng ở ĐBSCL vào cao điểm mùa khô Ảnh: Cảnh Kỳ

Về nước sinh hoạt, theo thống kê, có khoảng 200.000 hộ dân bị ảnh hưởng, số liệu cụ thể đến từng hộ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2020 - 2025 đã bố trí khoảng hơn 1.400 tỷ đồng cho 7 tỉnh ven biển ĐBSCL xử lý dứt điểm việc cấp nước sinh hoạt mùa hạn, mặn cho các hộ này.

Bộ yêu cầu làm trong năm 2022 để năm 2023 sử dụng, nhưng hiện nay tiến độ chậm do thủ tục, mới đang triển khai, dự kiến phát huy hiệu quả trong năm 2025. Dự án có hai việc, với các khu dân cư tập trung, sẽ kéo dài đường ống và nâng cấp nhà máy nước, xử lý được cho khoảng hơn 100.000 hộ. Với những hộ còn lại, do không thể kéo dài đường ống, tiến hành cấp nước không tập trung bằng việc tích trữ nước trong lu, bể… ứng phó với cao điểm hạn, mặn.

Nước mặn, ngọt, lợ đều là tài nguyên

Chúng ta đã có những giải pháp nào để hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, thưa ông?

Như đã trao đổi, phải thấy được quy luật của tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán ở ĐBSCL để có giải pháp khắc chế. Về giải pháp công trình, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo vận hành hợp lý các công trình cống điều tiết nước đã có; rà soát lại quy hoạch của toàn vùng, chỉ rõ vùng nào thiếu nước ngọt, vùng nào phù hợp nuôi tôm, vùng nào chỉ sản xuất cây ăn trái, vùng nào không được trồng lúa. Quy hoạch sản xuất này sẽ quyết định đến việc thích ứng với tình trạng hạn, mặn. Phải thống nhất quan điểm dù là nước ngọt, nước mặn hay nước lợ đều là tài nguyên để thích ứng.

Không được sản xuất “cực đoan”

“Điều quan trọng nhất là các địa phương phải thực hiện nghiêm quy hoạch sản xuất. Chỗ nào quy hoạch nuôi tôm, trồng lúa, phải thực hiện nghiêm. Sụt lún là do hạn hán, không có nước. Như tôi đã nói, một huyện ở Cà Mau cứ vào mùa này là sụt lún nhiều vì không có nước. Nếu vụ này họ nuôi tôm thì sẽ bơm nước vào nuôi tôm, hạn chế được sụt, lún. Quan trọng là phải thích nghi, không được sản xuất một cách cực đoan mà phải theo quy hoạch chung”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Ví dụ như ở Cà Mau, tình hình sạt lở diễn ra nhiều, làm nứt, sập đường sá, nhà cửa. Tỉnh cứ bàn mãi câu chuyện ngăn mặn để trồng lúa hay cho nước mặn vào để tránh sụt lún hay không? Tôi vào làm việc, thấy huyện Trần Văn Thời vẫn duy trì trồng lúa là không ổn, trong khi huyện Thới Bình bên cạnh họ làm tôm - lúa rất hiệu quả, không cực đoan ngăn mặn để trồng hai vụ lúa. Chính quyền địa phương nên vào cuộc vận động người dân thích ứng với điều kiện hiện nay.

Vấn đề nữa là dự báo phải chuẩn. Điều này rất quan trọng. Hiện nay quy luật tự nhiên ở ĐBSCL đã có nhiều thay đổi. Dữ liệu dùng để dự báo cũng phải thay đổi khi đã có các thuỷ điện ở đầu nguồn sông Mekong. Muốn dự báo dài, dự báo chuẩn phải có dữ liệu lớn. Vì vậy phải tăng cường hợp tác quốc tế, như thông tin lượng nước đổ về từ thuỷ điện đầu nguồn, xả lũ ngày nào, đóng cửa ngày nào… Nếu thuỷ điện đầu nguồn xả nước, khoảng 20 - 25 ngày sau nước về đến ĐBSCL, khoảng thời gian đó chúng ta có thể chuẩn bị được nhiều việc…

Về hạ tầng, sẽ tiếp tục đầu tư. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là phải tôn trọng tự nhiên, sống thuận thiên. Nhưng thuận thiên không có nghĩa là cứ ngồi đợi, có gì dùng nấy, chấp nhận năm nay xâm nhập mặn vào 50km, năm sau có thể lên tới 100km. Chúng ta sẽ không thể chỉ đạo, điều hành sản xuất, quy hoạch sản xuất khi ranh mặn mỗi nơi một kiểu. Quan điểm của Bộ là thích nghi có kiểm soát. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thường không muốn “động” vào thiên nhiên, bởi lo ngại tác động đến môi trường. Nhưng phải dựa trên tính toán “được - mất”. Nếu cái được nhiều hơn thì phải cân nhắc. Vì thế, sẽ nghiên cứu dùng các công trình cống điều tiết nước để ổn định ranh mặn, để các tỉnh có thể chủ động sản xuất, hạn chế sụt lún.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Thích nghi có kiểm soát với hạn, mặn ảnh 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Trọng Quân

Ví dụ về việc “thích nghi có kiểm soát”, như công trình cống Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả rất cao, đảm bảo ngăn mặn cho gần 350.000 ha đất nông nghiệp. Trước đây, để ngăn mặn, tỉnh Kiên Giang phải đắp hàng trăm đập tạm, nay không phải đắp một đập nào.

Cao điểm hạn mặn vừa qua (12 - 14/3), cống đóng tất cả các cửa trong 3 ngày sau đó lại mở để đảm bảo dòng chảy bình thường. Như ở Bến Tre, để giải quyết ngăn mặn, có thể làm cống ở sông Hàm Luông…Cùng với việc đầu tư hạ tầng, các giải pháp tích trữ nước không tập trung cũng rất quan trọng. Có thể nghiên cứu ngăn các khúc sông để tạo thành các hồ chứa nước trong mùa hạn, mặn. Ví dụ như sông Ba Lai, có thể làm cống ngăn hai đầu để tạo thành hồ nhân tạo chứa hàng trăm triệu mét khối. Trong quy hoạch, cần tính tới việc này.

Nghiên cứu bổ sung nguồn nước

Hiện nay, vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở ĐBSCL đang gặp khó khăn do việc đầu tư các nhà máy nước đang có nhiều vướng mắc. Theo ông, cần làm gì để giải quyết khó khăn này?

Về câu chuyện nước sinh hoạt, ở đâu cũng thế, nguồn phải ổn định, sạch, đảm bảo an ninh trong các tình huống. Ở các thành phố lớn đều dẫn nước từ thượng nguồn về xử lý, sau đó cấp, bán cho người dân. Ở ĐBSCL cũng tương tự, phải lấy nước sạch từ đầu nguồn để đảm bảo sự ổn định, không bị mặn. Ví dụ có thể lấy nước từ thượng nguồn sông ở tỉnh Tiền Giang rồi xử lý, dẫn sang Bến Tre. Nhưng khó khăn nhất là ở giá bán, làm sao để người dân chấp nhận là cả một vấn đề.

Ở ĐBSCL, trong cao điểm hạn, mặn, có thể bán vài trăm nghìn đồng một khối nước sạch người dân vẫn mua. Nhưng hết hạn mặn rồi thì ai mua vì xung quanh đều là sông nước, nếu thế, nhà đầu tư nào chịu nổi. Vì thế, cần tính toán phương án đầu tư hiệu quả, hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân với sự hỗ trợ, vào cuộc đồng hành của các địa phương.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG