Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao: 'Vấn đề biên giới lãnh thổ là thiêng liêng, hệ trọng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, vấn đề biên giới lãnh thổ là thiêng liêng, hệ trọng, nhạy cảm, liên quan chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại của đất nước….

Sáng 8/6, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 25 tỉnh, thành phố có đường biên giới.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trình bày tổng quan chung về công tác quản lý biên giới của nước ta trên đất liền, công tác quản lý tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia; các thuận lợi, khó khăn, hạn chế cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tới...

Ông Vũ cho rằng, qua công tác quản lý đường biên giới thời gian qua đã rút ra nhiều bài học quan trọng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao: 'Vấn đề biên giới lãnh thổ là thiêng liêng, hệ trọng' ảnh 1

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trình bày tổng quan về công tác quản lý biên giới trên đất liền. Ảnh: PV

Thứ nhất, theo ông Vũ, vấn đề biên giới lãnh thổ là thiêng liêng, hệ trọng, nhạy cảm, liên quan chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại, cần phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước...

Ông Vũ cũng cho rằng, việc đàm phán về vấn đề biên giới, công tác quản lý biên giới liên quan chặt chẽ đến quan hệ chính trị giữa hai nước. Đàm phán, quản lý biên giới điều quan trọng là phải giảm sự khác biệt, tăng sự hiệp đồng để đi đến thống nhất.

Theo ông Vũ, vấn đề thuộc về lợi ích quốc gia, quyền lợi chính đáng của chúng ta thì phải kiên quyết, kiên trì đàm phán cho bằng được. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, không được nóng vội, phải biết tận dụng các thời cơ để xử lý một cách triệt để.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cũng nêu, vấn đề biên giới lãnh thổ liên quan đến các yếu tố lịch sử, pháp luật... tác động rất sâu rộng đến người dân khu vực xung quanh biên giới. Vì thế, việc xử lý, quản lý, đàm phán vấn đề biên giới lãnh thổ phải tính tới các vấn đề liên quan. Cùng với đó, phải có sự đồng thuận, phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan...

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, lực lượng chức năng, nhất là của các địa phương khu vực biên giới cần chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương về chủ trương, đối sách, xử lý hiệu quả các tình huống trên biên giới, chú ý các địa bàn trọng điểm, không để bị động, bất ngờ.

Cùng với đó, cần tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới theo đúng các văn kiện pháp lý đã ký kết, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu; đấu tranh hiệu quả phòng, chống tội phạm, nhất là tổ chức tội phạm quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia, tội phạm ma túy có vũ trang..; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại khẳng định tầm quan trọng của việc cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại về công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Ông Bình đề nghị các cơ quan hữu quan, địa phương biên giới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính. Theo đó, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản liên quan: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh có biên giới cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc, chủ trương vừa linh hoạt, ứng phó hiệu quả với các tình huống nhạy cảm mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, chú trọng tính phù hợp với đối tượng khác nhau của khu vực biên giới. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, trong đó có công tác tuyên truyền bằng tiếng: Trung Quốc, Lào, Khmer, Anh và ngôn ngữ các dân tộc ít người ở khu vực biên giới trên đất liền.

Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ và tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các lực lượng làm công tác tuyên truyền, nhất là lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở như, già làng, trưởng bản, trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân cư khu vực biên giới.

Các địa phương có biên giới phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đối diện của 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia nâng cao năng lực công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã ký kết; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực xấu lợi dụng vấn đề biên giới để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá chế độ ở mỗi nước và quan hệ truyền thống hữu nghị của các nước láng giềng.

MỚI - NÓNG