Thủ tục nhiêu khê 'hành' nhà khoa học: Bảo sao, nhiều người ngại đăng ký làm đề tài

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thực hiện một đề tài nghiên cứu, nhà khoa học không chỉ lo công việc chuyên môn mà còn phải hoàn thiện đủ mọi loại giấy tờ, sổ sách. Chính những thủ tục hành chính nhiêu khê đã khiến nhiều người ngại đăng kí làm đề tài nghiên cứu; nhà khoa học cũng trở nên “kém sang” khi phải đi lo các loại giấy tờ, thủ tục.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với 2 Đại học (ĐH) Quốc gia hồi đầu tháng 9, PGS. TS Nguyễn Phương Thảo, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM đã chia sẻ rất thật về những khó khăn về thủ tục hành chính mà nhà khoa học gặp phải khi làm các đề tài nghiên cứu lớn.

Thủ tục nhiêu khê 'hành' nhà khoa học: Bảo sao, nhiều người ngại đăng ký làm đề tài ảnh 1
Nghiên cứu trong phòng Lab tại Trường ĐH Phenikaa.

Bà Thảo cho biết rất hiếm khi may mắn, suôn sẻ, còn phần lớn do các thủ tục lòng vòng con gà – quả trứng không giải quyết được. Cũng chính vì vậy mà nhiều khi nhà khoa học bỏ lỡ, mất cơ hội hợp tác với doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp yêu cầu 3 tháng báo cáo kết quả một lần nhưng với thủ tục hành chính nhà nước như hiện nay thì 3 tháng mới chỉ bắt đầu. Vài lần chậm như thế, doanh nghiệp nản, không còn muốn hợp tác.

Không những thế, theo bà Thảo thông tin, có những đề tài yêu cầu mỗi năm phải làm 20 báo cáo khoa học nhưng sau đó sử dụng làm gì thì không ai đánh giá. Trong khi điều quan trọng nhất của một đề tài là kết quả, hiệu quả sử dụng.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, cơ chế nghiệm thu đề tài chặt chẽ trong thời gian tài trợ (thường là 2 năm) cũng tạo ra một số bất cập. Các kết quả quan trọng thường phải làm trong nhiều năm (thậm chí 3 - 4 năm), tính cả thời gian thực hiện lẫn thời gian chờ phản biện công bố quốc tế. Đặc biệt các đề tài liên quan đến thực nghiệm thường rất tốn thời gian, có thể lên đến 4 - 5 năm. Như vậy, để đạt được theo đúng tiến độ thời gian yêu cầu, nhà khoa học phải thực hiện trước khi nhận được tài trợ.

Nên phần lớn các đề tài sẽ phải tìm cách tận dụng một số nguồn đầu vào, kết quả từ trước theo một số cách nào đó thì mới có thể kịp nghiệm thu. Nhưng việc này có rất nhiều rủi ro vì nhà khoa học sẽ phải tìm cách “hợp lí hóa” dữ liệu. Từ đó dẫn đến sự nhập nhằng trong chi tiêu và rất có thể nhà khoa học sẽ bị sập bẫy cơ chế. Nhất là khi cơ chế quản lý ngân sách của Nhà nước hiện nay khá phức tạp và thiếu sự linh hoạt cần thiết cho đặc thù của nghiên cứu khoa học.

Cần cơ chế đặc thù

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) hiện đang hoạt động theo cơ chế đặc thù. Mỗi năm, Quỹ tài trợ khoảng 300 đề tài cho các nhóm nghiên cứu với kinh phí khoảng 900 triệu đồng/đề tài. Nguồn chi trả cho một chủ nhiệm đề tài lên tới 25 triệu đồng/tháng, các thành viên khoảng 15 triệu đồng.

Còn tại các Viện nghiên cứu, theo cơ chế mới về tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhà khoa học chỉ được nhận một nửa số lương, số còn lại gộp cùng kinh phí Nhà nước được cấp cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Nhưng nhiệm vụ thì lúc có lúc không, người có, người không vì thế cần thay đổi cách thức thực hiện.

Về các thủ tục đấu thầu, quyết toán, nghiệm thu, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt là vấn đề lớn trong quản lý khoa học công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành nghiên cứu, tập trung tháo gỡ những khó khăn này, kiến nghị, sửa đổi những cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Bộ Khoa học Công nghệ đã xây dựng để báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần tháo gỡ. Trong đó xác định 13 nội dung cần giải quyết chia theo các nhóm theo cấp độ của ngành, bộ; cấp độ vướng mắc từ các nghị định, thông tư và cấp độ khó nhất là liên quan đến luật. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin, sắp tới Bộ sẽ làm việc với các cơ sở nghiên cứu khoa học có quy mô để lấy ý kiến, có kiến nghị tháo gỡ…

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị về đãi ngộ nhà khoa học nhưng thực tế, họ chưa sống được bằng lương. Nếu nhân rộng áp dụng cơ chế đặc thù cho nhóm nghiên cứu và triển khai đúng tinh thần của cơ chế tự chủ, nhà khoa học không còn phải xoay sở cơm áo gạo tiền, mới tận tâm tận lực cống hiến cho nghiên cứu, sáng tạo phục vụ đất nước.

MỚI - NÓNG