Thủ tướng mong mỗi du học sinh là một đại sứ người Việt ở Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 15/5 (giờ địa phương), tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ một số trí thức và thanh niên, sinh viên Việt Nam tại thành phố New York. Rất nhiều sinh viên các trường đại học nổi tiếng tại New York, đại diện cho hơn 3.700 sinh viên đang học tập tại thành phố này, đã đến buổi gặp mặt.

GS Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Chương trình Việt Nam học tại Đại học Columbia đã giới thiệu về chương trình đào tạo của trường và cho biết mong muốn xây dựng một trung tâm hoặc một khoa nghiên cứu về Việt Nam tại trường đại học danh tiếng này.

Bạn Nguyễn Minh Anh, Chủ tịch Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York cho biết, sau gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các hoạt động của Hội đã tiên phong trở lại sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, hội thảo hướng nghiệp với sự tham gia của hàng nghìn sinh viên, đại diện các tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ.

Chính sách thu hút sinh viên đào tạo nước ngoài vào khu vực công

Tại buổi gặp gỡ, sinh viên Thắng Quang Ngọc nêu câu hỏi về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo Thắng Quang Ngọc, cần minh bạch và tạo cơ hội tiếp cận thông tin để đẩy mạnh thu hút đầu tư tại địa phương và khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cần lựa chọn đầu tư và tham gia vào chuỗi toàn cầu với giá trị cao hơn.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư cần một đường lối, thể chế tốt, phát huy lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chiến lược của nhà đầu tư. Cần có tiềm năng khác biệt, lợi thế vượt trội, chính sách, môi trường pháp lý ổn định, phù hợp xu thế quốc tế và 15 cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có cam kết Hoa Kỳ. Ngoài ra, cần có cơ sở hạ tầng phát triển, trong đó có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông, môi trường sống, hệ sinh thái kinh doanh phù hợp với nhà đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực chủ động đáp ứng các yêu cầu.

Thủ tướng mong mỗi du học sinh là một đại sứ người Việt ở Hoa Kỳ ảnh 1

Thủ tướng vui vẻ chụp ảnh với các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập tại New York

Sinh viên Đỗ Triệu Hải, Khoa Chính sách công và quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia mong muốn Việt Nam có chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút được chất xám vào khu vực công.

Thủ tướng cho rằng, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, ngoài điều kiện vật chất về lương, cần tạo được môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, người cán bộ được tôn trọng, đánh giá đúng. Trong hai năm vừa qua, do dịch bệnh COVID-19 nên chúng ta chậm tăng lương cho cán bộ công chức, và sẽ xem xét tăng lương trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là xây dựng các điều kiện làm việc tốt nhất cho cán bộ công chức.

Thủ tướng mong mỗi du học sinh là một đại sứ người Việt ở Hoa Kỳ ảnh 2

Sinh viên Đại học Columbia Đỗ Triệu Hải

Đối với các sinh viên, du học sinh khi ra trường, Thủ tướng bày tỏ, làm ở khu vực nào cũng quan trọng, đóng góp cho đất nước trong bất cứ điều kiện nào. "Tôi mong các bạn lúc nào cũng hướng về quê hương, đất nước, mỗi cá nhân là một đại sứ của đất nước trong học tập, làm việc. Luôn luôn khẳng định trí tuệ Việt Nam. Nếu chúng ta yêu quê hương, đất nước, con người, có trình độ thì ở đâu cũng cần", Thủ tướng nói.

Hạ tầng đường sắt là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam

Một sinh viên ngành Xây dựng đặt câu hỏi về ưu tiên phân bổ nguồn vốn xây dựng đường sắt cao tốc. Làm sao những dự án này được chuyển giao công nghệ và vận hành bởi những kỹ sư Việt Nam?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hạ tầng đường sắt là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam. Bởi trong hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt là một trong đột phá chiến lược mà chúng ta phải thực hiện. Tuy nhiên, chưa có vốn trung hạn trong 5 năm tới để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt quốc gia. Với mong muốn có hệ thống đường sắt này, vừa qua khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản tư vấn, xem xét hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hệ thống đường sắt này.

Thủ tướng mong mỗi du học sinh là một đại sứ người Việt ở Hoa Kỳ ảnh 3

Thủ tướng bày tỏ hạ tầng đường sắt là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam. Bởi trong hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt là một trong đột phá chiến lược mà chúng ta phải thực hiện

Về hình thức đầu tư, Thủ tướng cho biết có thể làm từng đoạn với hai phương án: Đường sắt cao tốc 300- 400 km/h hoặc đường sắt tốc độ cao 200km/h. Điều này chúng ta cần tính toán quyết định, phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư và hiệu quả của dự án. Về lựa chọn hướng tuyến, Thủ tướng cho biết, có thể xem xét đầu tư mới tuyến TPHCM đi Cần Thơ, bởi đoạn này chưa có đường sắt khổ cũ, từ đó rút kinh nghiệm, triển khai các đoạn khác.

Sinh viên Hoàng Minh Khuê (Đại học Baruch) mong muốn được nhìn thấy trong bản chiến lược quốc gia về chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị COP26 diễn ra vào đầu tháng 11 năm ngoái ở Anh, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ. Việt Nam là nước đang phát triển, một trong 5 nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, điều quan trọng là Việt Nam phải có được "công bằng và công lý" về biến đổi khí hậu. Để thực hiện lộ trình đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, chúng ta cần khoản đầu tư rất lớn, từ 110- 130 tỷ USD. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

"Tôi 15 tuổi, phải gánh và làm việc như người 30 tuổi để thực hiện trách nhiệm với thế giới trong bảo vệ môi trường, thì các nước phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu cần có giải pháp, chính sách cho Việt Nam.", Thủ tướng nói.

Trong các cuộc làm việc và thảo luận tại Hoa Kỳ, một số đối tác cũng đang rất tích cực giúp chúng ta trong việc này. Dự kiến, Chính phủ sẽ thành lập 3 tổ công tác với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy sự hỗ trợ của các đối tác về xây dựng thể chế, nguồn vốn ưu đãi dài hạn, công nghệ xanh, quản lý hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực.

Nâng tầm hình ảnh người Việt ở nước ngoài

Diệp Anh, công tác tại BBC cho rằng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài có nhiều điều có thể tự hào. Đó là sự thông minh, cần cù, chịu khó, khiêm tốn, tuy nhiên nếu quá khiêm tốn sẽ thành tự ti. Diệp Anh đặt câu hỏi: Thủ tướng có chính sách gì để quảng bá hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài?.

Thủ tướng đồng tình cho rằng, thời gian qua công tác truyền thông về người Việt Nam ở nước ngoài chưa đạt được như yêu cầu.

"Không làm mà nói hoặc nói mà không làm là suy thoái, nhưng làm được mà không nói được cũng là dở", Thủ tướng chia sẻ và cho biết, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước, Thủ tướng khi nào cũng đề nghị bạn quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt sở tại. Thủ tướng cho rằng, nâng tầm hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài, nằm trong chiến lược ngoại giao văn hoá, làm sao có thông tin nói cho thuyết phục. Tuy nhiên, bản thân mỗi bạn sinh viên, người Việt tại nước ngoài phải xây dựng cho mình một hình ảnh tuyên truyền sinh động nhất, thuyết phục nhất, nỗ lực vươn lên để khẳng định bản thân và giá trị, nội lực, trí tuệ, sức hút của con người Việt Nam.

Thủ tướng mong mỗi du học sinh là một đại sứ người Việt ở Hoa Kỳ ảnh 4

Các bạn sinh viên tại buổi gặp gỡ

Trong 5,3 triệu người Việt Nam tại nước ngoài thì 2,2 triệu người đang sống ở Hoa Kỳ với một đội ngũ trí thức, nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh rất đông. Do vậy, Thủ tướng mong mỗi cá nhân phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc trên đất Mỹ.

"Các bạn sinh viên, người Việt trẻ cần đoàn kết với nhau, là cầu nối cho quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ tốt đẹp, ngày càng "đơm hoa kết trái", quảng bá hình ảnh con người Việt Nam. Đóng góp những giá trị của mình cho gia đình, đất nước bởi gia đình và Tổ quốc tuy hai mà một", Thủ tướng kết thúc buổi gặp gỡ trong không khí ấm cúng, sôi nổi.

MỚI - NÓNG