Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, nhà trường là bệ đỡ

TPO - Dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị xác định và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm - thầy cô giáo là động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình là điểm tựa - xã hội là nền tảng".

Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 được tổ chức tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, nhà trường là bệ đỡ ảnh 1
Các đại biểu tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi bắt đầu hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học vừa qua toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Quá trình triển khai 12 tháng qua đã đạt được hầu hết mục tiêu, kế hoạch; là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành với tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, mang tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, nhà trường là bệ đỡ ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực, vượt khó khăn, thách thức của toàn ngành giáo dục và đào tạo đạt nhiều điểm sáng.

Trong đó có việc tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91 ngày 12/8/2024 với một số điểm mới quan trọng, như: Lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng; Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; Bảo đảm đủ trường, lớp học giáo dục mầm non, phổ thông, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục…

Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm; Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin…

Nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra, bên cạnh thành tích ấn tượng, ngành giáo dục vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Đó là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn một số bất cập. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu mới trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số... Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tại một số địa phương vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn… Nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu. Chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao, những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao…

Chuẩn bị kỹ càng cho đổi mới thi cử

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới về trường lớp, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...; tổ chức tốt lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, nhà trường là bệ đỡ ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị xác định và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm - thầy cô giáo là động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình là điểm tựa - xã hội là nền tảng".

Bên cạnh đó tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Từ cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cùng các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm đầu tiên chu đáo, nghiêm túc, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.

Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các ngành mới nổi.

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và phù hợp, hiệu quả trên thực tiễn.

Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.

Thủ tướng khẳng định, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. “Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua, tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu, xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - thầy cô giáo là động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình là điểm tựa - xã hội là nền tảng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

"Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - thầy cô giáo là động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình là điểm tựa - xã hội là nền tảng" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tin liên quan
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Khách Tây thích thú trải nghiệm Tết 'bên cồn'

Khách Tây thích thú trải nghiệm Tết 'bên cồn'

TPO - Chương trình Xuân yêu thương 2025 với chủ đề "Hương Tết xưa - sắc xuân nay" diễn ra tại Công viên Biển Đông, TP. Đà Nẵng thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước. Không chỉ tái hiện những giá trị truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam, nơi đây hòa quyện nét hiện đại, trẻ trung, đặc trưng của thành phố đáng sống.