Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu lần gặp Thủ tướng Nhật Bản, lần nào cũng 'đầy ắp công việc phải bàn'

TPO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản vào chiều 19/5 tại Hiroshima.

Mong muốn có phố Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản

Tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản Phạm Quang Hiệu báo cáo Thủ tướng về tình hình kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản.

"Ở đâu trên nước Nhật này có người Việt thì ở đó có hội đoàn. Các hội đoàn ngày càng phát triển, luôn có sự giữ gìn bản sắc văn hoá”, khẳng định điều này, ông Hiệu cũng nhấn mạnh, kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản luôn hướng về quê hương, đất nước và mong muốn đóng góp qua nhiều hình thức khác nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu lần gặp Thủ tướng Nhật Bản, lần nào cũng 'đầy ắp công việc phải bàn' ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ và các kiều bào tại Nhật Bản chiều 19/5. Ảnh: NB

"Đất lành chim đậu, các cụ nhà ta nói rồi. Trước đây có quan điểm nói, cứ phải về nước mới là yêu nước, nhưng bây giờ ở đâu mà đóng góp được cho đất nước cũng là yêu nước cả. Trước hết, anh chị em mình phải lo cho chính mình, lo cho gia đình, anh em bạn bè thân thiết của mình, rồi lo cho xã hội, cho cộng đồng. Có lo cho mình được mới lo cho gia đình được, rồi lo cho gia đình được mới lo cho anh em, bạn bè, rồi mới lo cho xã hội, cho đất nước", Thủ tướng chia sẻ.

Tại cuộc gặp Thủ tướng, GS.TS Trần Đăng Xuân, Chủ tịch hội người Việt tại vùng Nam Trung, Nhật Bản cho biết: Cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản luôn có nhiều hoạt động hướng về quê hương, tổ quốc. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ông cho biết, dự kiến tới đây sẽ cho ra giống lúa non, năng suất vượt trội, giúp Việt Nam sớm trở thành cường quốc số một về lúa gạo xuất khẩu.

Ông kiến nghị Thủ tướng đẩy mạnh trao đổi với Chính phủ Nhật Bản, sớm miễn giảm thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản; luật hóa sớm các chính sách đất đai tại Việt Nam với kiều bào, đơn giản hoá các thủ tục trong việc xin các đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, cũng như tăng hơn nữa số tiền dành cho nghiên cứu khoa học hàng năm.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Nhật bản cho biết, cộng đồng tại đây có khoảng 50 nghìn người đang sinh sống, học tập và làm việc. Trong đó chủ yếu là các bạn trẻ đầy nhiệt huyết, nhưng cũng còn thiếu nhiều kinh nghiệm, nên rất cần được định hướng và dẫn dắt.

Theo ông, Hội người Việt Nam tại Fukuoka được thành lập vào tháng 9/2019, nhằm tăng cường đoàn kết cộng đồng, gìn giữ và phát huy bản sắc, truyền thống dân tộc, dạy và học tiếng Việt, giữ gìn và giới thiệu văn hoá Việt Nam với bạn bè Nhật Bản.

Hội đã tổ chức nhiều chương trình thành công như Lễ hội Xuân quê hương; Chương trình tết Việt Nam được tổ chức thường niên. Đặc biệt, tháng 1/2023, Hội đã tổ chức Lễ hội Tết với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 70 nghìn người tham dự. Hội cũng đang tổ chức chương trình dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai; đồng thời mời một số chuyên gia trường đại học giảng dạy cho các bạn có mong muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Việt.

“Anh chị em luôn đoàn kết và có một ước mơ, mong muốn có phố Việt Nam đầu tiên tại Fukuoka, Nhật Bản, mong Chính phủ, Thủ tướng giúp đỡ, đồng hành”, thầy Nguyễn Duy Anh bày tỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu lần gặp Thủ tướng Nhật Bản, lần nào cũng 'đầy ắp công việc phải bàn' ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc gặp kiều bào, chiều 19/5. Ảnh: NB

Cũng tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản Cấn Thành Huyền cho biết, thế hệ trẻ Việt Nam luôn quan tâm tới phát triển khởi nghiệp sáng tạo, không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh, mà còn là công cụ gắn kết cộng đồng.

Bà Huyền chia sẻ bản thân cùng nhiều bạn trẻ trong Hội sau thời gian học tập tại Nhật Bản, tích luỹ kinh nghiệm, cũng quyết tâm làm được gì đó cho đất nước, nên đã dấn thân lập doanh nghiệp tại Nhật Bản.

“Hiện bước đầu đã đạt được thành công nhất định, song trong quá trình điều hành doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, như văn hoá kinh doanh và luật pháp nước sở tại”, bà Huyền nói.

Chính vì thế, Hội ra đời với mục tiêu hỗ trợ các vấn đề về tài chính, luật pháp, mạng lưới quan hệ và văn hoá đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt tại Nhật. Tới đây, Hội sẽ kết nối các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Nhưng để làm được điều này, bà Huyền mong muốn Chính phủ, các cấp ngành quan tâm để những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.

“Mong Thủ tướng trong các cuộc gặp với lãnh đạo nước sở tại, đề xuất họ tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp tại Nhật”, bà Huyền kiến nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu lần gặp Thủ tướng Nhật Bản, lần nào cũng 'đầy ắp công việc phải bàn' ảnh 3

Nhiều kiến nghị đề xuất cụ thể được kiều bào chia sẻ, bày tỏ tại cuộc gặp Thủ tướng, tại Nhật Bản Ảnh: NB

“Duyên nợ từ lâu”

Lắng nghe những chia sẻ, đề xuất của kiều bào với đa số là những người rất trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng cho rằng, điều này phản ánh xu thế người Việt đến Nhật những năm gần đây. Ông nhớ lại, cách đây 10 năm, rất ít người Việt tới Nhật, nhưng hiện đã thành cộng đồng lớn thứ 2 tại Nhật, chỉ sau Mỹ; đồng thời chiếm 1/10 số lượng người Việt sinh sống trên thế giới.

Nhấn mạnh đến mối quan hệ “duyên nợ từ lâu” giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, người Nhật đã vào Việt Nam xây dựng phố cổ Hội An, nay thành di sản thế giới. Ông khẳng định, giao lưu kinh tế - văn hoá của 2 nước đã có từ lâu, duyên nợ của 2 dân tộc cũng bắt nguồn từ lâu, dù mỗi thời kỳ có những biến động khác nhau, nhưng chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Thủ tướng cũng cho biết, chỉ mới một năm rưỡi, từ thời điểm ông Kishida Fumio lên làm Thủ tướng Nhật vào cuối 2021, hai thủ tướng đã gặp song phương 6 lần và “lúc nào cũng đầy ắp công việc phải bàn”. Các cuộc gặp đều đi thẳng vào các vấn đề như dự án hợp tác, đúng với ý nghĩa hợp tác chiến lược sâu rộng giữa 2 nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu lần gặp Thủ tướng Nhật Bản, lần nào cũng 'đầy ắp công việc phải bàn' ảnh 4

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần đổi mới, sáng tạo, lập nghiệp của cộng đồng người Việt tại Nhật. Ảnh: NB

Nhật Bản là đối tác ODA lớn nhất của Việt Nam, và tới đây sẽ đề nghị nối lại ODA cho vấn đề hạ tầng. Nhật cũng đồng thời là đối tác lớn thứ 2 về lao động, thứ 3 về đầu tư và thứ 4 về thương mại.

“Bốn vị trí này khẳng định vai trò và tầm quan trọng trong quan hệ của 2 nước”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, khi quan hệ 2 nước tốt đẹp, vấn đề công dân của 2 nước cũng tốt đẹp theo.

“Đảng, Nhà nước có trách nhiệm với công dân Việt Nam tại nước ngoài và ngược lại, người Việt Nam tại nước ngoài cũng có trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương. Thế hệ công dân dù là thứ 2, hay thứ 3, cũng luôn nuôi dưỡng lòng yêu nước, mong muốn cống hiến cho đất nước”, khẳng định điều này, Thủ tướng cũng nói thêm rằng, dân tộc Việt Nam dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào đều không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ chịu áp bức.

Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần đổi mới, sáng tạo, lập nghiệp của cộng đồng người Việt tại Nhật, người đứng đầu Chính phủ cũng căn dặn kiều bào cần tuân thủ luật pháp nước sở tại, hỗ trợ để cùng nhau tốt hơn. Đồng thời, cán bộ Đại sứ quán xem bà con như anh em, chị em trong nhà, để khi có vấn đề gì thì giải quyết, xử lý được.

Tin liên quan