Thừa Thiên Huế tổng rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo và cung cầu lao động trên toàn tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều mô hình sinh kế được hình thành từ nguồn tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thảo Vi
Nhiều mô hình sinh kế được hình thành từ nguồn tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thảo Vi
TPO - Thu thập thông tin thị trường lao động và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 là 2 nội dung quan trọng, làm cơ sở để tỉnh hoạch định các chính sách về việc làm, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của địa phương. 

Tại hội nghị trực tuyến triển khai các nội dung liên quan đến việc làm, giảm nghèo vào sáng 18/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo các cấp ban ngành đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022.

Đây là 2 nội dung quan trọng, làm cơ sở để tỉnh hoạch định các chính sách về việc làm, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của địa phương.

Đồng thời và toàn diện 2 nhiệm vụ rà soát, thu thập thông tin

Báo cáo về triển khai kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, công tác rà soát, thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo, cung cầu lao động lần này sẽ góp phần tích cực và phục vụ đắc lực cho việc đảm bảo an sinh xã hội cũng như công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cho những năm sắp tới.

Đối với kế hoạch thu thập thông tin về cung cầu lao động, khối lượng thông tin cần thu thập về cung lao động trên địa bàn tỉnh khoảng 881.500 người/12 chỉ tiêu trường dữ liệu và cầu lao động khoảng 5.900 người sử dụng lao động, có nhu cầu tuyển dụng lao động; khoảng 350 lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh.

Đồng thời với thực hiện thu thập thông tin về thị trường lao động, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung xác định, lập danh sách, phân loại chính xác, đầy đủ số liệu, thông tin cơ bản về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trong năm 2023.

Thừa Thiên Huế tổng rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo và cung cầu lao động trên toàn tỉnh ảnh 1
Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và cung cầu lao động cần sự phối hợp đồng bộ và đồng thời giữa các cấp, các ngành. Ảnh: Hoài Thương

Tiêu chí và chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình thực hiện theo quy định tại Nghị định số 07 ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở căn cứ theo thu nhập, tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 6 dịch vụ: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) và các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số). Phương pháp rà soát sử dụng ứng dụng (App) rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên cơ sở đã được nâng cấp, bổ sung một số trường thông tin và chức năng để triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022.

Theo kế hoạch, đối tượng rà soát là toàn bộ hộ gia đình có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 do UBND xã, phường, thị trấn đang quản lý. Tuy nhiên, nếu một số hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng có đơn đề nghị rà soát hoặc địa phương chủ động phát hiện thấy hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm có khả năng rơi vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; hoặc nếu chính quyền địa phương nhận thấy hộ nào đang gặp khó khắn, có nguy cơ thuộc diện nghèo thì vẫn đưa vào diện rà soát.

Cụ thể về số hộ nghèo, cận nghèo và nhu cầu lao động

Chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến giữa các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và địa phương cấp huyện, xã, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu nhiệm vụ tổng rà soát các nội dung lần này phải cụ thể thực trạng từng hộ dân, hoàn cảnh, nắm được nhu cầu thực tế về cung-cầu việc làm. Muốn vậy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã không còn nói và làm theo kiểu "chung chung", "áng áng" mà phải tổ chức tổng điều tra tốt, chủ động.

Về phía ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát, chuẩn bị tốt các bộ công cụ công nghệ thông tin; đốc thúc, giám sát tổ chức, cách thức thực hiện thông qua tăng cường tập huấn cho đội ngũ điều tra viên, đội ngũ giám sát ở địa phương để đảm bảo thực hiện hiệu quả, đồng bộ và đúng tiến độ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đây là đợt tổng điều tra rất quan trọng, nhằm tạo dữ liệu phục vụ phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao của tỉnh; đồng thời hỗ trợ xây dựng đề án, giải pháp để điều chỉnh, tạo điều kiện về nhu cầu việc làm. Vì việc làm và nhà ở là 2 tiêu chí quan trọng nhất trong thực hiện giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả, đảm bảo hoàn tất đúng tiến độ các công việc thu thập thị trường lao động và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trước ngày 15/12, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị xã hội có liên quan phải chủ động, quyết liệt, cùng phối hợp triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch phân công.

Thừa Thiên Huế tổng rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo và cung cầu lao động trên toàn tỉnh ảnh 2
TT-Huế thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ người nghèo. Ảnh: CTV

Ngoài ra, các tổ điều tra viên cần bố trí lực lượng phù hợp, khu trú đối tượng, cơ sở, đơn vị để điều tra đảm bảo đúng, sâu, toàn diện. Lực lượng tham gia điều tra viên ngoài phỏng vấn trực tiếp lấy thông tin cần có cái nhìn trực quan, có kỹ năng để đánh giá, phân tích để xác định đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Ngoài thảo luận điều tra, rà soát 2 nội dung trên, hội nghị còn được nghe báo cáo Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung thảo luận về huy động nguồn vốn, lồng ghép nguồn lực thực hiện đề án, nhất là thực hiện 9 chính sách đặc thù: hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; tín dụng ưu đãi; hỗ trợ về y tế; giáo dục - đào tạo; nhà ở; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ tiền điện; trợ cấp, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội và các chính sách khác liên quan đến giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

MỚI - NÓNG